Giết hại động vật hoang dã rồi khoe trên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến đoạn clip dài 18 giây ghi lại cảnh nướng cháy một cá thể khỉ xuất hiện trên Tiktok thời gian vừa qua, các luật sư cảnh báo: Đối tượng thực hiện hành vi trên có thể sẽ phải đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình ảnh chụp từ video trên Tiktok vi phạm.

Hình ảnh chụp từ video trên Tiktok vi phạm.

Giết động vật hoang dã rồi khoe trên mạng xã hội

Ngày 8/2 vừa qua, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tiếp nhận tin báo của cộng đồng về trường hợp một tài khoản TikTok đăng tải video hành vi giết hại một cá thể khỉ. Trong clip, đối tượng nam giới thậm chí còn nướng cháy cá thể khỉ này trên lửa.

Sau khi được đăng tải, video đã thu hút hơn 88 nghìn lượt xem, hơn 240 bình luận trước khi bị gỡ bỏ. Rất nhiều bình luận đã lên án hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này.

Đoạn clip gây bất bình trên nền tảng Tiktok.

Đoạn clip gây bất bình trên nền tảng Tiktok.

Trước đó, rất nhiều vụ việc tương tự đã từng xuất hiện và gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vào cuối tháng 11/2018, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh và clip ghi lại cảnh một số người giết hại và ăn óc tươi động vật hoang dã nghi là khỉ hoặc voọc. Cùng ngày, có người khoe hình ảnh đôi chim bị giết chết, lông bị vặt gần hết (nghi là chim cao cát hoặc chim hồng hoàng). Tới ngày 1/12, trên mạng lại chia sẻ hình ảnh nghi là khỉ hoặc voọc bị giết, cháy sém, chuẩn bị xẻ thịt.

Đại diện ENV cho biết, trong những năm qua, tình trạng đăng tải các bài viết, video với nội dung quảng cáo, buôn bán, giết hại động vật hoang dã trên không gian mạng vẫn đang diễn ra công khai.

“Riêng trong năm 2022, ENV đã ghi nhận tới 1.686 vụ vi phạm về động vật hoang dã trên mạng Internet”, đại diện ENV nói.

Một số vụ giết hại động vật hoang dã rồi khoe trên mạng xã hội từng gây xôn xao dư luận.

Một số vụ giết hại động vật hoang dã rồi khoe trên mạng xã hội từng gây xôn xao dư luận.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Tổ chức bảo tồn Rùa châu Á thực hiện vào cuối năm 2022, rùa nói riêng và động vật hoang dã nói chung đang phải đối mặt với nguy cơ rất cao từ các chợ ảo trên mạng xã hội.

“Các đối tượng buôn bán động vật hoang dã đã lợi dụng những ưu điểm xã hội để trao đổi, giao dịch. Mạng xã hội Facebook có các ưu điểm như giao dịch không trực tiếp, khả năng kết nối từ xa, ẩn danh tính dần trở thành một chợ buôn bán 4.0 cho việc trao đổi, giao dịch các mặt hàng cấm, bao gồm động vật hoang dã”, báo cáo cho hay.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc đăng các ảnh khoe chiến công giết khỉ, chim quý… trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo luật sư Tuấn, hành vi giết động vật và khoe hình ảnh như con dao hai lưỡi. Người đăng có thể thỏa mãn sở thích sống ảo trên mạng xã hội.

“Nếu con vật nằm trong danh sách cần bảo vệ, họ đã vô tình tự công khai hành vi vi phạm pháp luật của chính mình. Đăng tải hình ảnh lên mạng là quyền cá nhân của mỗi người nhưng cần chọn lọc hình ảnh để thể hiện văn minh,” ông Tuấn chia sẻ quan điểm.

Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Xét về mặt pháp lý, căn cứ theo khoản 2, Điều 12 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 về việc "săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép" là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 21 nghị định 157/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB- động vật rừng-nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao, làm thịt để ăn nhậu đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Hành vi này có thể bị xem xét xử lý hành chính và nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 5/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có quy định một số tình tiết định tội nêu rõ: Đối với người phạm tội có hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì sẽ bị xử lý hình sự về Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Như vậy trường hợp người đăng clip cá thể khỉ bị giết thịt lên mạng xã hội thuộc danh mục thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB sẽ bị xử lý hình sự về tội danh quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự có mức hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù giam”, luật sư phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi giết, nướng cháy khỉ rồi đưa lên Tiktok đã vi phạm một loạt các quy định hiện này.

Cụ thể, hành vi trên đã vi phạm khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về các hành vi nghiêm cấm như săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng…

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần xác định xem cá thể khỉ bị giết, nướng cháy nói trên thuộc nhóm động vật rừng thông thường hay thuộc nhóm nào trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và giá trị là bao nhiêu để xác định mức xử phạt cũng như hình phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối tượng trong clip có thể phải chịu mức phạt hành chính lên tới 360 triệu đồng nếu cá thể khỉ thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối tượng trong clip có thể phải chịu mức phạt hành chính lên tới 360 triệu đồng nếu cá thể khỉ thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB.

“Nếu cá thể khỉ trong clip thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 1 cá thể lớp thú thì căn cứ theo quy định hiện hành, đối tượng có thể bị phạt mức tiền từ 330-360 triệu đồng. Căn cứ xử phạt được quy định tại quy định tại Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi ”, luật sư Hoàng Tùng phân tích.

SƠN BÁCH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giet-hai-dong-vat-hoang-da-roi-khoe-tren-mang-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-post738185.html