Giết mổ động vật tập trung để đảm bảo chuỗi an toàn thực phẩm

Giết mổ động vật tập trung là một mắt xích quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm. Do đó, Đồng Nai rất quan tâm khuyến khích xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Dây chuyền giết mổ động vật tại Nhà máy D&F, huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

Dây chuyền giết mổ động vật tại Nhà máy D&F, huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn, nhất là do tình trạng giết mổ lậu vẫn chưa được kiểm soát. Nhiều cơ sở giết mổ động vật tập trung nỗ lực xoay sở, tìm mọi giải pháp giảm chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận, quan tâm xây dựng uy tín, chất lượng thịt an toàn để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

* Mắt xích quan trọng vẫn chưa được kiểm soát chặt

Việc tồn tại các lò giết mổ động vật trái phép mang đến nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác kiểm tra, phát hiện nhiều vụ giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật giết mổ lậu đã cho thấy nhiều vấn nạn như: động vật giết mổ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm soát về dịch bệnh, thậm chí giết mổ cả động vật bệnh, chết đưa đi tiêu thụ…

Chính vì vậy, việc kiểm soát được khâu giết mổ động vật rất quan trọng trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn; góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho cộng đồng. Do đó, từ rất sớm, Đồng Nai rất quan tâm xây dựng mạng lưới giết mổ động vật tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học, an toàn cho môi trường, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 40 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 4 cơ sở giết mổ tạm thời đang hoạt động có kiểm soát của cơ quan thú y. Các cơ sở giết mổ tập trung mới hoạt động khoảng 40-50% công suất thiết kế và có 4 cơ sở đã tạm ngưng hoạt động. Tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung còn chậm so với lộ trình kế hoạch tỉnh đề ra. Việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn khó khăn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang nhận xét, tình trạng giết mổ động vật trái phép còn diễn biến phức tạp ở phần lớn các địa phương. Trong khi đó, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý các điểm giết mổ động vật không phép. Điều này khiến cho các cơ sở giết mổ động vật tập trung được đầu tư bài bản khó cạnh tranh và duy trì hoạt động. Mặt khác, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm còn chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Tình hình kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở chợ Tam Hòa và khu vực chợ Sặt (thành phố Biên Hòa)…

* Thu hút vào điểm giết mổ động vật tập trung

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Trong tình hình mới hiện nay, tỉnh cần kiểm soát chặt ở khâu giết mổ động vật, nâng cấp các cơ sở giết mổ, đặc biệt phát huy vai trò của các cơ sở giết mổ hiện đại, đạt tiêu chuẩn cao để đảm bảo về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và cả môi trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai NGUYỄN TRÍ CÔNG, Đồng Nai hiện nay vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Họ rất chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm để cung cấp bữa ăn cho công nhân. Chính vì vậy, có được mạng lưới giết mổ động vật đạt tiêu chuẩn cao, được kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng sẽ góp phần tăng cơ hội thu hút nhà đầu tư về Đồng Nai.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Thị Hương chia sẻ, thời gian qua, các cơ sở giết mổ động vật tập trung gặp rất nhiều khó khăn; áp lực cạnh tranh với thịt nhập, nhất là nạn giết mổ lậu vẫn chưa được kiểm soát… Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm và họ sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn để mua được miếng thịt ngon, an toàn. Khó khăn hiện nay là thị trường vẫn trong cảnh “vàng thau lẫn lộn” giữa thịt an toàn và mất an toàn.

“Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, doanh nghiệp chúng tôi càng chú trọng xây dựng quy trình giết mổ động vật đạt chuẩn, nâng cấp hơn về chất lượng sản phẩm. Ngoài các khách hàng truyền thống là hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, doanh nghiệp rất quan tâm mở rộng đối tượng khách hàng là các tiểu thương kinh doanh thịt tại các chợ truyền thống để có thêm nhiều người tiêu dùng tiếp cận được thực phẩm sạch” - bà Hương nói.

Cùng quan điểm, Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) tại huyện Trảng Bom Nguyễn Thượng Vũ cho biết, nhiều năm qua, nhà máy chỉ tập trung giết mổ, cung cấp dòng sản phẩm thịt mát vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhưng từ năm 2024, nhà máy sẽ mở rộng đối tượng khách hàng, nhận giết mổ gia công thịt nóng với mục tiêu cung cấp nguồn thịt heo sạch cho đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là tại các chợ truyền thống. Nhà máy đã xây dựng chính sách ưu tiên, đưa ra mức giá giết mổ cạnh tranh so với mặt bằng chung ngoài thị trường để thu hút khách hàng, ưu tiên đối tượng các lò giết mổ nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh. Hiện công suất giết mổ tại nhà máy là 2 ngàn con heo/ngày.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/giet-mo-dong-vat-tap-trung-de-dam-bao-chuoi-an-toan-thuc-pham-053671d/