Gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống: Làm gì để thoát 'cơn lốc' đô thị hóa
Đô thị hóa phát triển, các kiến trúc truyền thống đang bị cuốn theo quá trình đô thị hóa. Cho dù đã có rất nhiều phương án trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị kiến trúc truyền thống nhưng đến nay, vẫn đề này vẫn rất nan giải.
Kiến trúc truyền thống đang dần bị mai một
Trước sức ép của cuộc sống hiện đại, nhiều tinh hoa của các kiến trúc truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến mất. Có một thực tế, tại nhiều tỉnh, thành phố hiện nay, đình làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa toàn bộ thay cho những con đường lát gạch xưa kia. Ao, giếng làng bị san lấp hoặc nếu còn giữ, công năng sử dụng cũng không còn nguyên vẹn.
Chỉ còn lại rất ít những ngôi nhà ba gian, năm gian truyền thống. Các biểu tượng như cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng… từng làm nên hình ảnh đậm chất thôn quê Việt Nam đang dần bị mai một, thay thế bằng những công trình lớn, nhà cao tầng, nhà xây dựng theo kiểu nhà ống, chia lô, kiến trúc rập khuôn.
Tại Hà Nội, dù hiện vẫn còn 1.200 ngôi nhà cổ, tuy nhiên hầu hết các công trình đều trong tình trạng xuống cấp. Nhiều ngôi nhà cổ tại Hà Nội được xây dựng trước năm 1954, hầu hết người dân đã phải sửa chữa, cơi nới diện tích gây hư hỏng các đường nét kiến trúc, thậm chí xuống cấp, xập xệ đến mức báo động. Đơn cử như căn biệt thự cũ tại số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) nhiều năm qua đã bị xuống cấp, vữa tường bong tróc, ngói cũng bị vỡ khiến nước ngấm vào nhà, cửa gỗ mục nát.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn cho hay, quỹ đất hạn chế, dân số gia tăng cùng với nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất đã tác động mạnh tới việc điều chỉnh và xây dựng các điểm dân cư mới. Nhất là đối với những xã ven đê như xã Liên Hồng, Hồng Hà, Trung Châu thuộc huyện Đan Phượng; các xã Thạch Xá, Phú Kim, Kim Quan thuộc huyện Thạch Thất, khi tỷ lệ đất ngoài bãi không có khả năng xây dựng nhà cửa để đáp ứng gia tăng dân số, nhiều xã định hình và phân lô nhà ở mới với diện tích nhỏ để dù khả năng đáp ứng nhu cầu, thậm chí để đảm bảo khả năng chỉ trả của cộng đồng dân cư.
Điều này dẫn tới thực trạng các lô nhà ở mới có diện tích nhỏ, không đáp ứng tiêu chuẩn đất ở và quỹ đất dành cho cây xanh trở thành yếu tố xa xỉ. Diện tích mặt nước tự nhiên, vốn là những không gian lý tưởng cho điều hòa và hạn chế ngập lụt bị thay thế bởi các lô đất ở mới, gây ra những nguy cơ ngập lụt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho chính các điểm dân cư mới này.
KTS Lã Hồng Sơn cũng cho rằng, hoạt động cải tạo công trình kiến trúc tại các vùng nông thôn hiện chưa có những định hướng rõ rệt. Các mẫu nhà thiết kế điển hình chưa thực sự phát huy hiệu quả và không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Người dân tự do trong việc chuyển đổi tổ chức không gian và hình thái kiến trúc theo nhu cầu thực tế của từng gia đình, thiếu hoàn toàn vai trò định hướng của các cơ quan chuyên môn.
Các đơn vị tư vấn lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc chưa thực sự nghiên cứu sâu các giá trị bản địa cho giải pháp kiến trúc đưa ra. Từ đó dẫn đến việc mẫu nhà đô thị dần thay thế các hình thái kiến trúc mang đậm giá trị bản sắc tại các vùng nông thôn.
Trong khi đó, các công trình kiến trúc cổ, công trình di tích, di sản chưa được quan tâm đúng mức, dần mất đi vai trò và giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay. Từ đó làm cho giá trị văn hóa và đặc trưng của không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn truyền thống mất dần theo thời gian.
“Bài toán” tối ưu?
Thực tế cho thấy, không riêng Hà Nội, ở nhiều đô thị trên khắp cả nước, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày một bức thiết của lượng cư dân lớn, cùng với sự phát triển kinh tế ngày càng năng động, các công trình cầu, đường liên tục được xây mới, xây thêm, các khu đô thị hiện đại và những tòa nhà chung cư mọc lên như nấm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự hiện diện của bản sắc kiến trúc dân tộc ở nhiều thành phố lớn.
Chính vì vậy, việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử đến nay vẫn luôn là bài toán khó, thậm chí còn nảy sinh những khó khăn trong vấn đề này. Điền hình như mới đây, những tranh cãi trong việc “mặc áo mới” cho biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cho thấy việc bảo tồn các kiến trúc truyền thống vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu.
Theo ông Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa, hợp tác khoa học, công nghệ và lan tỏa kiến trúc, tuy nhiên, luôn đi kèm thách thức. Bản sắc văn hóa và kiến trúc bản địa không thể bị mai một, hòa tan, biến mất. Văn hóa và kiến trúc gắn bó khăng khít với nhau, tạo nên hồn cốt dân tộc.
“Bảo tồn và phát triển là bài toán muôn thuở, cuộc sống vận hành không ngừng luôn đặt ra những nhu cầu mới song cần tiếp thu và bảo tồn những giá trị cũ. Xã hội hiện đại phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hóa ngày một sâu rộng, những gì là riêng biệt, là bản sắc, là độc đáo, càng phải được đề cao và coi trọng”, KTS Hoàng Thúc Hào bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, kiến trúc truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa nhòa, thay vào đó là những đô thị mới, chung cư mới, thành phố mới. Những thiết kế mới thiếu tính đồng bộ, tùy tiện, thiếu khoa học, không tuân thủ nguyên lý thiết kế quy hoạch và thiết kế công trình. Bởi vậy, không thể hiện được bản sắc văn hóa của người Việt. Kiến trúc bị cuốn theo thị trường, không phù hợp với từng thành phố, từng vùng miền trong cả nước.