Gìn giữ giá trị di sản sinh hoạt văn hóa

Đối với đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, keng loóng là một trong những sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật. Ở đâu có bản làng người Thái, ở đó đều có thực hành sinh hoạt văn hóa keng loóng. Keng loóng diễn ra phổ biến trong đời sống của người Thái, từ những hoạt động sản xuất nông nghiệp đến các nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội.

Đội văn nghệ đến từ các bản du lịch cộng đồng biểu diễn keng loóng phục vụ du khách đến với phiên chợ vùng cao huyện Mai Châu dịp Quốc khánh 2/9.

Đội văn nghệ đến từ các bản du lịch cộng đồng biểu diễn keng loóng phục vụ du khách đến với phiên chợ vùng cao huyện Mai Châu dịp Quốc khánh 2/9.

Câu chuyện liên quan đến loóng được những người cao tuổi lưu giữ và kể cho con cháu là chuyện Ếch ăn trăng (Ộp kin bươn), lý giải ra đây là hiện tượng nguyệt thực. Đặc biệt, trong hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể sinh hoạt văn hóa keng loóng huyện Mai Châu trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có viết: Trước đây, mỗi khi có nguyệt thực, các bản người Thái đều mang loóng cùng các vật dụng khác ra gõ. Họ quan niệm rằng, nguyệt thực chính là lúc ông Mặt trời giao cấu với bà Mặt trăng, nếu để như vậy sẽ sinh ra nhiều Mặt trời, từ đó gây ra hạn hán. Vì thế, phải gõ loóng thật mạnh để xua đuổi, tách mặt trời và mặt trăng ra. Lại có câu chuyện xưa kia, các bản người Thái thường cách xa nhau, do ở gần rừng núi nên các loại hổ, báo có rất nhiều, chúng thường rình bắt các loại gia súc nuôi trong gia đình, như trâu, lợn, gà... thậm chí bắt cả con người. Việc cầm chày giã mạnh vào loóng ít nhiều tạo tiếng động mạnh, có thể khiến loại thú dữ sợ sệt. Keng loóng trong quan niệm cổ xưa của người Thái Mai Châu còn có ý nghĩa xua đuổi thú dữ vẫn tồn tại và lưu truyền đến ngày nay.

Có một thời gian khá dài, sinh hoạt keng loóng ít được biểu diễn. Các nghi lễ, lễ hội có keng loóng không duy trì tổ chức dẫn đến nguy cơ keng loóng bị gián đoạn, mai một. Từ khi huyện Mai Châu trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, loóng trở thành nhạc cụ gõ, được đưa vào biểu diễn phục vụ du khách tham quan hoặc trong những dịp nghỉ lễ, lễ hội. Sinh hoạt keng loóng vì thế có những thay đổi phù hợp đời sống mới. Các quan niệm cũ như loóng là vật dụng quan trọng, ếch ăn trăng, xua đuổi thú dữ, làm vui trong các nghi lễ tín ngưỡng... vẫn được các thế hệ cao tuổi gìn giữ lại. Quan niệm mới khá phổ biến hiện nay tại địa phương coi sinh hoạt văn hóa keng loóng là hình thức biểu diễn phục vụ du lịch và một số ngày hội vui của bản làng. Không gian diễn tấu mới không phải là những nghi lễ hay lễ hội như xưa. Du khách thích thú khi xem biểu diễn và cùng trải nghiệm keng loóng với những âm thanh vui tai, sôi động. Ở nhiều bản làng người Thái đã lập ra các đội Loóng, cùng nhau luyện tập gõ cho thành thạo các nhịp điệu để mỗi khi có dịp là trình diễn phục vụ hoạt động du lịch và các sự kiện văn hóa. Những chiếc loóng còn lại đến nay thường được để ở nhà văn hóa hoặc khu vực các bản du lịch.

Đồng chí Ngần Văn Tuấn, Trưởng phòng VH-TT huyện Mai Châu cho biết: Đồng bào dân tộc Thái thường keng loóng trong các hình thức nghi lễ, tín ngưỡng như lễ Xên bản, Xên Mường, lễ mừng cơm mới, lễ Chá Chiêng, tang ma, đám cưới. Đáng chú ý, cùng sự phát triển của du lịch, người dân thấy được giá trị những hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền nên chú trọng, phát huy. Keng loóng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, món ăn tinh thần đối với du khách. Bên cạnh phục vụ du lịch, chính quyền, đoàn thể huyện cũng chú trọng đưa sinh hoạt văn hóa này vào những ngày vui như ngày hội đại đoàn kết toàn dân, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, lễ Tết... Trong những ngày này, người Thái tổ chức keng loóng như một tiết mục biểu diễn văn nghệ không thể thiếu. Từ không gian thiêng, người Thái Mai Châu đã đưa keng loóng trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng để gần gũi hơn với du khách, khán giả, giúp di sản được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống đương đại. Đặc biệt, keng loóng là di sản văn hóa mang tính đại diện, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của người Thái Mai Châu. Năm 2023, với sự đồng thuận của cộng đồng, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học để đưa di sản sinh hoạt văn hóa keng loóng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/182526/gin-giu-gia-tri-di-san-sinh-hoat-van-hoa.htm