Gìn giữ ký ức, tri ân các Anh hùng-Liệt sĩ

Việc sưu tầm, phục dựng và trao di ảnh các Anh hùng-Liệt sĩ CAND và Anh hùng - Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình do Hội Cựu công an nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tổ chức 'Trái tim người lính Việt Nam' triển khai thực hiện đã thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.

Những di ảnh thờ đen trắng, được phục dựng màu đã giúp các gia đình Anh hùng-Liệt sĩ lưu giữ hình ảnh linh thiêng của người thân đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ảnh Đức Lam

Những di ảnh thờ đen trắng, được phục dựng màu đã giúp các gia đình Anh hùng-Liệt sĩ lưu giữ hình ảnh linh thiêng của người thân đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ảnh Đức Lam

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam, trung tuần tháng 12 vừa qua, Hội Cựu Công an nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” triển khai chương trình vô cùng ý nghĩa: sưu tầm, phục dựng và trao di ảnh các Anh hùng-Liệt sĩ CAND và Anh hùng - Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình. Mỗi bức ảnh được phục hồi đều là một câu chuyện, là một minh chứng cho tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Những câu chuyện xúc động về những tấm hình đen trắng

Nâng niu tấm di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ Công an nhân dân Bùi Văn Mây, ông Bùi Ngọc Sơn (con trai liệt sĩ Bùi Văn Mây) cho biết: Là con trai trưởng của liệt sỹ Bùi văn Mây, thế nhưng những ký ức về cha tôi rất mờ ảo, bởi ông hi sinh khi tôi còn quá nhỏ (6 tuổi). Tôi chỉ biết: Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ngày càng khốc liệt, trước yêu cầu của tiền tuyến, cha tôi khi đó đang là cán bộ Công an huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây đã tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu và được biên chế vào Phân khu 4, Bà Rịa-Long Khánh. Cha tôi vào chiến trường để lại 3 anh em tôi, đứa lớn lên 6, đứa bé chưa sinh ra đời và người vợ trẻ cùng bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh. Thời gian đằng đẵng mong chờ, để rồi đến một ngày gia đình tôi nhận được giấy báo tử, ông đã hy sinh ngày 5/10/1970 trong khi làm nhiệm vụ.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang từng ngày đổi mới, vững bước trên con đường phát triển và hội nhập. Với gia đình ông Bùi Ngọc Sơn nỗi khắc khoải về người cha vẫn còn đó, bởi lẽ đến bây giờ gia đình vẫn chưa tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Bùi Văn Mây.

Trung tướng Bùi Bá Định, Chủ tịch Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình trao di ảnh cho thân nhân các Anh hùng-Liệt sĩ. Ảnh: Đức Lam

Trung tướng Bùi Bá Định, Chủ tịch Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình trao di ảnh cho thân nhân các Anh hùng-Liệt sĩ. Ảnh: Đức Lam

Ông Bùi Ngọc Sơn nghẹn ngào, tâm sự: Tấm di ảnh là sự kết nối duy nhất giữa gia đình và cha chúng tôi. Thế nhưng, năm 1985 lại đã bị trận lụt cướp đi. Bằng tất cả niềm thương nhớ, gia đình chúng tôi cố gắng phục dựng thông qua công nghệ truyền thần. Song bức di ảnh đó luôn bị thời gian thử thách… Nay gia đình chúng tôi rất cảm động đón nhận Di ảnh của cha là liệt sỹ Bùi Văn Mây được phục dựng bằng công nghệ tiên tiến. Đón nhận Di ảnh, tôi biết trong đó đã gói trọn bao nhiêu tình cảm và sự tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu công an nhân dân các cấp trong tỉnh và các họa sỹ tài ba của chương trình “Trái tim người lính Việt Nam”. Đây chính là nguồn cổ vũ động viên gia đình chúng tôi phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, nhắc nhở chúng tôi phải luôn xứng đáng hơn với sự hy sinh của cha cũng như của bao Anh hùng, liệt sĩ”.

Việc phục dựng Di ảnh thờ không chỉ là hành động tri ân, mà còn là minh chứng cho sự hy sinh cao cả của các thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những bức ảnh đen trắng mờ cũ được các gia đình liệt sĩ lưu giữ suốt hàng chục năm qua, nay được tái hiện sống động qua công nghệ hiện đại, mang đến niềm xúc động lớn lao cho thân nhân.

Ông Bùi Xuân Quỳ ở phố Vạn Phúc, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Em trai ông là chiến sĩ Công an nhân dân Bùi Xuân Quý, trong một lần đấu tranh với tên cướp có vũ khí nóng ở xí nghiệp cung ứng vật tư xây dựng phường Trại Cau (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), lợi dụng đêm tối, tên cướp nổ súng làm chiến sĩ Bùi Xuân Quý bị trọng thương. Vì vết thương quá nặng, trên đường tới bệnh viện, chiến sĩ Bùi Xuân Quý đã hy sinh ở tuổi 30, chưa kịp lập gia đình, bao dự định còn dang dở. Năm 1985, chiến sĩ Bùi Xuân Quý được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.

“Nhận được di ảnh của em trai tôi do Hội Cựu công an nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” trao tặng, tôi như thấy em trai mình trở về sau 40 năm âm - dương ly biệt: Em tôi trẻ trung, dung dị trong sắc phục CAND, nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, quả cảm… Tôi và gia đình thực sự xúc động và vô cùng biết ơn những tấm lòng tri ân của đồng đội em tôi” - ông Bùi Xuân Quỳ dưng dưng xúc động nói.

Tiếp lửa truyền thống cho thế hệ mai sau

Trung tướng Bùi Bá Định, Chủ tịch Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhằm góp phần tô thắm thêm truyền thống của dân tộc, để tri ân các Anh hùng - Liệt sỹ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình sưu tầm, phục dựng ảnh các Anh hùng - Liệt sĩ là người con của quê hương Ninh Bình và Anh hùng - Liệt sĩ đã công tác, chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Ninh Bình trong các cuộc chiến tranh vệ quốc và hy sinh trong phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tất cả nguồn kinh phí phục dựng được huy động bằng nguồn xã hội hóa.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình: Quá trình sưu tầm Di ảnh và thu thập thông tin của các Anh hùng - Liệt sĩ gặp không ít khó khăn, bởi hầu hết các anh hy sinh cách đây nhiều năm; các di ảnh được gia đình lưu giữ chủ yếu chụp đen trắng, mờ, nhiều gia đình Anh hùng - Liệt sĩ đang sinh sống ở tỉnh ngoài hoặc đã di chuyển địa chỉ, nay định cư ở nhiều địa bàn cả trong Nam và ngoài Bắc nên phải mất nhiều thời gian để liên lạc, kết nối…

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp Hội và hội viên cựu CAND trong tỉnh, đồng thời thông qua nhiều nguồn khác nhau như: Địa chí Ninh Bình, tài liệu lưu trữ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Lịch sử truyền thống của Công an tỉnh Ninh Bình và các nguồn tài liệu khác đã giúp việc thu thập Di ảnh và thông tin cá nhân được chính xác. Sau khi các Di ảnh thu thập được, Hội Cựu CAND tỉnh chuyển ngay cho Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” ở Hà Nội để tiến hành phục dựng.

Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng-Người sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”, đồng thời cũng là một cựu cán bộ CAND cho biết: Thời gian gần đây, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đã cho phép việc chuyển màu ảnh đen trắng không khó. Nhưng phục dựng màu cho di ảnh chân dung sống động và đúng thần thái, thì không hề đơn giản. Bởi điều này đòi hỏi các kỹ sư công nghệ thông tin không chỉ cần nắm vững kỹ thuật, công nghệ AI, mà còn phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa trang phục, quân trang, quân hàm… của từng thời kỳ lịch sử.

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: Các họa sĩ là thành viên trong Tổ chức “Trái tim những người lính Việt Nam” khi tiến hành phục dựng di ảnh đều hiểu rằng trong kháng chiến, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và tính chất đặc thù của Lực lượng Công an khiến việc lưu giữ ảnh chân dung trở nên hạn chế. Các ảnh đen trắng nhỏ đã mờ nhòa theo thời gian là di sản quý giá, cần được phục dựng một cách hết sức cẩn trọng. Vì vậy, từ những di ảnh (hầu hết là đen trắng) ngay sau khi phục dựng xong, đã được gửi cho gia đình để góp ý chỉnh sửa cho tới khi gia đình hài lòng, nhóm họa sĩ mới cho xuất file in cuối cùng”.

Nhờ sự nỗ lực cố gắng, cộng với sự trợ giúp của nhiều cơ quan, đơn vị, sau hơn 1 tháng triển khai, chương trình đã phục dựng gần 100 di ảnh thờ của các Anh hùng liệt sĩ CAND và Anh hùng - Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình và được trao tặng đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. Rất nhiều những gương mặt trong các di ảnh là những chiến sĩ Công an và Quân đội trong độ tuổi 20. Bởi thế, khi chạm vào những di ảnh này, chính là chạm vào quá khứ hào hùng, chạm vào lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc và nhắc nhớ thế hệ hôm nay không được lãng quên.

Việc Hội Cựu công an nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” triển khai sưu tầm, phục dựng Di ảnh của các Anh hùng - Liệt sĩ không chỉ thể hiện lòng tri ân với các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân mà còn góp phần giáo dục, nhắc nhở về trách nhiệm tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc và “Tiếp lửa truyền thống” cho thế hệ trẻ. Các Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ được trao không chỉ là kỷ vật của mỗi gia đình mà còn là biểu tượng của sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, nhắc nhở tất cả về lòng biết ơn và trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gin-giu-ky-uc-tri-an-cac-anh-hung-liet-si-326108.htm