Gìn giữ nét đẹp trang phục dân tộc Nùng
Chiếm 38,4% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/24 xã, thị trấn, người Nùng có lịch sử sinh sống lâu đời và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, các thế hệ người Nùng luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa, trong đó đặc trưng phải kể đến trang phục.
Ngày nay, phụ nữ Nùng từ trung niên đến cao tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống, còn giới trẻ thường chỉ mặc vào những dịp Tết hoặc lễ hội. Theo chia sẻ của bà Thèn Thị Chích, thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang; trang phục của người Nùng đơn giản, không cầu kỳ, cũng không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc khác mà chỉ duy nhất một sắc chàm xanh đen với những đường nét đơn giản, được làm từ vải thô nhuộm chàm, ít thêu thùa, trang trí. Trước đây, phụ nữ Nùng thường tự trồng bông, dệt và nhuộm vải để cắt may trang phục, ngày nay, với sự đa dạng của các loại hàng hóa, phụ nữ Nùng mua vải ở chợ về nhuộm chàm để may trang phục. Trang phục nam giới thường đơn giản, gồm áo ngắn tứ thân, tay bó, có 3 túi, cổ đứng, vạt áo và cổ có thêu hoa văn hình răng cưa. Kiểu dáng quần được may theo kiểu quần ta, ống đứng. Đường kính ống rộng khoảng 40 - 45 cm, bụng rộng. Khi mặc cạp quần gấp thành nhiều nếp, dùng dây vải làm thắt lưng.
Trang phục của nữ giới được may cầu kỳ, gồm áo tứ thân và váy. Áo được may theo kiểu tay bó, thân ngắn, 4 thân, may thành hai lớp. Trên thân áo có đính 15 - 20 cúc áo được làm bằng bạc, khuy áo bằng vải. Cổ áo đứng, may vuông có thêu hoa văn bằng kim tuyến, chỉ màu và trang chí những hạt bạc nhỏ khâu vào thành hình quả núi, mép cổ có khóa bạc hình mặt trời. Váy được may theo kiểu dưới xòe rộng, trên bụng thu nhỏ, may thành hai lớp. Sau khi may xong, váy được tạo nếp gấp song song hình rẻ quạt chạy suốt từ trên xuống dưới bằng cách dùng hòn đá được mài nhẵn và nung nóng sau đó chà sát vào lớp vải để tạo nếp như cách dùng bàn là. Cạp váy được trang trí bằng vải màu xanh hoặc đỏ, có dây rút, khi mặc thì phần nối giữa mép váy được cuộn lại, sau đó buộc lên phía cạp thành hình chiếc cối đá, đây cũng là nét đặc sắc nhất trong trang phục của nữ giới dân tộc Nùng của Hoàng Su Phì.
Ngoài ra, trang phục nam và nữ còn có khăn đội đầu. Khăn của nam làm bằng vải nhuộm đen, rộng 20 cm, dài 2 m có trang trí hoa văn ở 2 đầu. Khăn quấn đầu của nữ cũng được làm bằng vải nhuộm màu đen, nhưng có 2 khăn, gồm: Khăn trong dài 1,7 m may bằng 2 lượt vải có màu khác nhau, mặt trong có màu xanh đen, mặt ngoài có màu chàm đen, trên khăn có trang trí hoa văn và được khâu từ những hạt bạc nhỏ tạo thành hình quả núi; khăn ngoài dài 1,7 m nhuộm chàm đen, thêu hoa văn hình xương cá, 2 đầu khăn được rút sợi ngang và được se lại thành nhiều sợi nhỏ, quấn tròn ở hai đầu...
Nói về điểm nhấn trong trang phục của người Nùng, các cụ cao niên ở xã Pố Lồ kể lại: Ngày xưa, người Nùng rất giàu mạnh, cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Một hôm, vua người Hán sai quân đến xâm lược, để bảo vệ đất đai, đàn ông trai tráng đã tập hợp để chống lại. Quân giặc tàn ác đã bắt phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng, lấy kim bằng bạc cắm vào đầu, lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ, lấy vòng sắt đeo vào cổ tay sau đó bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ nhằm làm cho các trai tráng nản lòng về quy hàng.
Nhiều ngày trôi qua, sức nặng của chiếc cối đá và những vòng xích sắt đã khiến tấm lưng của người phụ nữ còng xuống nhưng họ vẫn một lòng thủy chung và ngoan cường, trở thành hậu phương vững chắc, góp công đánh thắng giặc ngoại xâm. Để con cháu đời sau biết đến truyền thống trung hậu, đảm đang; phụ nữ người Nùng đã mặc chiếc váy có phần cạp to phía sau cuộn lại thành hình chiếc cối đá và dùng những chiếc “hô căng”, “sằn shồi” (kiềng, vòng cổ) để đeo vào cổ, dùng “ẳn khỏn” (lắc tay) đeo vào cổ tay. Từ đó, trang phục và những đồ trang sức luôn được phụ nữ người Nùng đeo trên người đến tận ngày nay như một lời nhắc nhở thế hệ sau cần trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc mình.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202004/gin-giu-net-dep-trang-phuc-dan-toc-nung-758105/