Gìn giữ nét đẹp văn hóa qua đồ chơi Trung thu truyền thống

Không cần đến các làng nghề, dịp Trung thu năm nay, người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi có thể tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làm ra những món đồ chơi Trung thu truyền thống ngay tại Bảo tàng dân tộc học trong chương trình 'Người giữ lửa Trung thu'. Họ chính là những người gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian đã có lúc tưởng chừng bị mai một.

Nhiều đời làm nghề

Trong khuôn viên của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam sáng 26/9, ngồi tỉ mẩn cắt dán bên những chiếc đèn kéo quân là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Xung quanh ông, rất nhiều bạn trẻ và các em thiếu nhi đang háo hức được nghe ông hướng dẫn về cách làm những chiếc đèn trông có vẻ đơn giản nhưng lại rất cẩn thận, thậm chí là kỳ công.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền kể, để làm ra được một chiếc đèn kéo quân phải mất khoảng 8h đồng hồ. Điều này đòi hỏi người làm tính kiên trì, tỉ mẩn. Đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù, khi thắp nến lên thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo cùng một chiều. Ngay từ khi sinh ra, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã được thấy bố và ông của mình tự tay làm ra những chiếc đèn kéo quân.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến dạy các em làm các loại đèn Trung thu truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến dạy các em làm các loại đèn Trung thu truyền thống.

“Ngày xưa làm gì có đồ chơi nên bố và ông tôi làm đèn kéo quân cho các anh em chơi Trung thu. Rồi, người làng thấy đẹp, thấy hay, trẻ con thích thì họ xin cho con cái họ chơi và cả mua nữa. Cứ thế, mỗi dịp Tết Trung thu là bố tôi lại làm đèn. Tôi cứ ngồi xem bố làm và rồi cũng tự tay làm ra những chiếc đèn kéo quân”.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ được làm từ giấy bóng kính đủ màu sắc thu hút rất đông các bạn nhỏ dõi xem.

Trò chuyện với chúng tôi nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn luôn tay với những thanh tre nứa, giấy bóng kính, giấy màu đủ loại, đồng thời hướng dẫn khách tham quan có nhu cầu tự tay làm đèn. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã có 3 đời làm đồ chơi dân gian và đến nay, con trai nghệ nhân là anh Nguyễn Đức Chiến, 24 tuổi, lại tiếp tục lưu giữ công việc truyền thống này của gia đình.

Nghệ nhân Tuyến chia sẻ, làm đồ chơi dân gian là một nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, nắn nót từng chút một, mất nhiều thời gian. Để làm được một chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ, trung bình từ công đoạn vót tre, tạo khung cho tới dán giấy bóng kính và trang trí, nghệ nhân Tuyến dành ra khoảng 2 tiếng nhưng với một người bình thường sẽ là 3 tiếng. Cô đã duy trì công việc này trong suốt hơn 40 năm qua.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp được biết đến là một trong những nghệ nhân cuối cùng tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh còn lưu giữ lại nghề nặn phỗng đất dân gian. Bởi, thôn Đông Khê, quê hương ông từng một thời nhộn nhịp với nghề làm phỗng đất truyền thống giờ đã chuyển thành “xưởng” vàng mã lớn của cả nước.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp vừa ôn lại: “Trước kia, cứ mỗi độ Tết Trung thu về, cả làng tôi lại rộn ràng tiếng giã chày đập bột. Cha tôi làm nghề này và giờ tôi cũng làm nghề này đến lúc không còn nặn được phỗng nữa thì thôi”. Trải qua biết bao thời gian nhưng bộ phỗng đất truyền thống với 5 hình tượng “chim, rùa, em bé, người già và ông sư đứng” với màu sắc rực rỡ vẫn có sức hấp dẫn lạ kỳ với thế hệ trẻ hôm nay.

Sức sống đồ chơi dân gian

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân Phùng Đình Giáp chỉ là 3 trong rất nhiều nghệ nhân có mặt tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trong chương trình “Người giữ lửa Trung thu” dịp Tết Trung thu năm nay.

Tại đây, khách tham quan còn có thể gặp gỡ, nghe các nghệ nhân hướng dẫn và tự tay làm đồ chơi dân gian như nặn tò he, làm hoa bằng lá dứa,… Mỗi nghệ nhân lưu giữ một nghề nhưng điểm chung dễ nhận thấy ở họ chính là niềm đam mê với những món đồ chơi dân gian mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ: “Có giai đoạn, khi đồ chơi trung thu xuất xứ từ nước ngoài được chuộng mua, đồ chơi trung thu truyền thống có nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay, khi nhà nước có nhiều chính sách bảo tồn văn hóa dân gian, trong đó có đồ chơi Trung thu truyền thống, tôi được mời đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các trường học để hướng dẫn các tình nguyện viên và các em nhỏ làm đèn kéo quân. Dịp Tết Trung thu năm nào cũng thế, vẫn luôn có những người đặt mua đèn kéo quân, thậm chí có trường học họ đặt hàng trăm chiếc”.

Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến thì vẫn luôn giữ được cái cảm giác xốn xang, thôi thúc: “Mỗi mùa Trung thu đến, do chính bản thân tôi yêu trẻ nhỏ và cũng muốn giữ lại cái nghề dân gian nên thôi thúc tôi bắt tay vào làm đèn ông sao, đèn con thỏ cho các cháu mặc dù số lượng không nhiều”.

Tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam hôm nay, rất nhiều phụ huynh không quản nắng mưa đưa con em mình, các trường học đưa học sinh đến để tham gia chương trình “Người giữ lửa Trung thu” và đặc biệt là để được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làm đồ chơi dân gian, kể những câu chuyện giữ nghề xung quanh những món đồ chơi đã tồn tại nhiều thế kỷ. Chắc chắn rằng, với các chính sách bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa dân gian của Nhà nước, những món đồ chơi truyền thống ấy sẽ sống mãi với thời gian.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/gin-giu-net-dep-van-hoa-qua-do-choi-trung-thu-truyen-thong-613353/