Gìn giữ nét văn hóa Hùng Hồ xưa
Xứ Hùng Hồ - Hướng Vinh của quốc gia Đại Việt xưa và Sa Pa - Mường Hoa hôm nay ẩn chứa trong mình bao điều kỳ diệu với cảnh sắc núi rừng Hoàng Liên Sơn trùng điệp. Cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây còn lưu giữ bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc Mông, Tày, Dao, Giáy, Xá Phó...
Hùng Hồ - Hướng Vinh xưa…
Theo sử sách còn ghi lại, tháng 3/1886, Pháp đưa quân lên đánh chiếm Lão Nhai (nay là Lào Cai) và đầu năm 1887 mới đưa quân chiếm đóng vùng Hùng Hồ (thị trấn Sa Pa) và Hướng Vinh (thung lũng Mường Hoa) - nơi các thung lũng nằm trên lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn. Khi lên đây, người Pháp đã cảm nhận được vùng đất Hùng Hồ có thiên nhiên trù phú, khí hậu chẳng khác gì vùng Aquitaine trên đất Pháp nên đã chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho giới chức và binh lính.
Năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương đã phác họa bản đồ vùng cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả để đưa ra thông số độ cao của dãy Hoàng Liên Sơn, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.142 m. Vì đỉnh cao nên đoàn thám hiểm gọi vùng cao nguyên Sa Pa là Cao trạm Sa Pa (sau này khi xây Trạm Vật lý địa cầu, chuyên gia Liên Xô đề nghị xây cột mốc bọc đồng cao 1m đánh dấu mốc tọa độ trên đỉnh Fansipan, từ đây mọi tài liệu đều ghi đỉnh Fansipan cao 3.143m). Đến ngày 2/6/1909, Chánh sứ Lao Kay (Lao Cai) chính thức gửi tờ trình lên Thống sứ Bắc Kỳ, đề nghị thành lập khu điều dưỡng - du lịch trên Cao trạm Sa Pa. Việc đầu tư xây dựng trung tâm Hùng Hồ thành khu điều dưỡng với hai chức năng là chăm sóc sức khỏe cho quân đội Pháp và tiếp nhận du khách Pháp, người bản xứ được hoạch định, mở đầu cho hướng phát triển du lịch của vùng đất mới khai phá này.
Trong hơn 60 năm chiếm đóng (1887 - 1950), người Pháp đã dày công quy hoạch, xây dựng vùng đất Hùng Hồ có nhiều nét tương đồng với vùng Aquitaine. Những lâu đài, biệt thự nghỉ dưỡng sớm được xây dựng. Để trấn an dân phương Tây và lôi kéo dân bản địa từ đồng bằng lên, năm 1909, người Pháp cho xây nhà thờ thiên chúa giáo tạm, sau đó xây nhà thờ bằng đá vào năm 1925, xây khu tu viện Tả Phìn năm 1942.
Sau ngày giải phóng (3/11/1950), Sa Pa được các cấp quan tâm củng cố, xây dựng. Trong bước chuyển mình sau giải phóng, các nông trường trồng rau quả, cây dược liệu phát triển mạnh, làm cho Sa Pa nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Trong chiến tranh biên giới tháng 2/1979, thị trấn du lịch và một số xã bị tàn phá, nhiều biệt thự bị phá sập… Phải mất nhiều năm sau, chính quyền địa phương mới khôi phục lại việc sản xuất và gây dựng lại khu du lịch.
…và điểm đến du lịch hôm nay
Từ ngày tái lập tỉnh (1/10/1991), với vị thế của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh, chủ trương phát triển để vùng đất Sa Pa xứng tầm từng bước được triển khai. Từ năm 2002, tỉnh Lào Cai phối hợp với vùng Aquitane quy hoạch đô thị Sa Pa, mở hướng phát triển gắn với việc bảo tồn văn hóa cộng đồng, kiến thiết đô thị. Đến nay qua 9 kỳ hợp tác đã mang lại kết quả và triển vọng.
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Sa Pa ngày nay có nhiều tiềm năng về du lịch. Năm 2009, huyện có 268 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; có 2.228 phòng nghỉ phục vụ lưu trú, trong đó 600 phòng đạt tiêu chuẩn 1 sao trở lên. Đến nay, Sa Pa đã có 85 khách sạn từ 1 sao đến 5 sao, gần 700 cơ sở lưu trú với gần 7.000 phòng nghỉ; riêng khu vực trung tâm có 360 cơ sở lưu trú du lịch, còn lại là cơ sở lưu trú homestay ở các xã. Đặc biệt, năm 2018, khi tuyến cáp treo Fansipan đạt 2 kỷ lục thế giới được khai trương, trang mới đã mở ra cho ngành “công nghiệp không khói” của Sa Pa. Không chỉ tạo nên “kỳ tích” chinh phục đỉnh cao mới, đưa hàng triệu người thỏa ước mơ đặt chân lên “nóc nhà Đông Dương”, mà đã mang lại hiệu quả rõ nét về hướng đầu tư mới.
Gìn giữ hồn văn hóa Mường Hoa, Hướng Vinh để du lịch Sa Pa phát triển cùng với việc đô thị hóa của thị xã đang là nhiệm vụ trọng tâm mang tầm chiến lược. Nhiều năm qua, Sa Pa đã triển khai việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Các dự án được ưu tiên là bảo tồn lễ hội, công cụ sản xuất truyền thống như khung dệt vải và cách dệt - nhuộm vải thổ cẩm và nhà truyền thống của đồng bào Mông, Tày…
Việc bảo tồn, khai thác, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Sa Pa từ năm 2001 đã đạt những thành tựu quan trọng, như bảo tồn thành công một số nghề truyền thống, dệt, thêu thổ cẩm, chế tác dụng cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt trong dân; 5 lễ hội dân gian truyền thống; nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục dân tộc Mông; bãi đá cổ... đặc biệt là hệ thống ruộng bậc thang và kỹ thuật canh tác lúa nước trên sườn núi Hoàng Liên Sơn phục vụ phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế cho đồng bào.
Đến nay, du lịch, dịch vụ, thương mại tiếp tục là mũi nhọn đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Sa Pa. Năm 2005, Sa Pa đón hơn 200.000 lượt khách, doanh thu đạt 152 tỷ đồng; năm 2019, lượng khách tăng lên gần 3 triệu lượt, doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng. Du lịch 20 năm qua đã tác động trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tỷ trọng ngành du lịch của địa phương từ 15% (những năm 90) lên 60% (năm 2019).
Theo ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, trước hết, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình công tác trọng tâm như dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội; khảo sát kho tàng văn hóa 6 dân tộc; lựa chọn những di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc để có kế hoạch bảo tồn, phát triển; khai thác các điểm văn hóa phục vụ kinh tế du lịch như khu danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mường Hoa, bãi đá cổ, đỉnh Fansipan, làng văn hóa San Sả Hồ… Cùng với đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thực hiện chương trình bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế du lịch; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch và khai thác các giá trị văn hóa; có chính sách với các nghệ nhân dân gian, những cán bộ cơ sở có tâm huyết với bảo tồn văn hóa bản địa…
Sau hơn 100 năm được người Pháp khai phá, Hùng Hồ - Sa Pa vốn là thiên đường du lịch với thiên nhiên kỳ vỹ, với dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp mây ngàn gió núi, với thung lũng Mường Hoa có ruộng bậc thang uốn lượn, với nhà thờ đá cổ kính nơi trung tâm, với nội lực mạnh mẽ, cộng thêm làn gió mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Sa Pa có thể trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế.