Gìn giữ niềm tin của công chúng vào những sân chơi truyền hình

Vài ngày qua, sự xuất hiện của nữ ca sĩ trẻ vừa chạm ngưỡng tuổi 20 ở hàng ghế cố vấn trong tập 8 gameshow hẹn hò 'Người ấy là ai' đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều trong dư luận.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có ý kiến bênh vực Á quân Giọng hát Việt nhí 2013 đã đủ tuổi nói chuyện về tình yêu, nhưng không ít người vẫn băn khoăn rằng dẫu vậy, liệu cô đã đủ vốn sống, đủ trải nghiệm chưa trong vị trí cố vấn tình cảm cho người chơi hơn cô tới 6 tuổi, nhất là khi nữ ca sĩ từng thừa nhận chưa có những trải nghiệm tình cảm. Trước đó, vào năm 2014, khi mới 12 tuổi, còn non về kinh nghiệm ca hát, cô cũng từng khiến khán giả hoang mang khi được mời làm giám khảo chương trình “Cùng nhau tỏa sáng” để chấm điểm cho những đàn anh, đàn chị trong nghề.

Những sự việc gây tranh luận nêu trên và tương tự ở một số cuộc thi, sân chơi văn nghệ, giải trí đã tiếp tục xới lại câu chuyện vốn được coi như căn bệnh trầm kha của gameshow Việt và không ít sân chơi văn hóa nghệ thuật, đó là chuyện giám khảo ngồi nhầm ghế.

Những năm gần đây, cùng với sự nở rộ của các chương trình truyền hình thực tế, nghề làm cố vấn, giám khảo gameshow cũng trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Khi các chương trình cứ na ná giống nhau, mặt bằng người chơi cũng sàn sàn như nhau thì sức hút của đội ngũ giám khảo chính là yếu tố quyết định làm nên tính hấp dẫn cho chương trình. Tuy nhiên, tìm được người vừa có chuyên môn, vừa tài ăn nói, lại có khả năng thu hút công chúng là điều không đơn giản. Bởi thế nhiều năm qua, “cầm trịch” ở những sân chơi gameshow tìm kiếm tài năng trên truyền hình quanh đi quẩn lại chỉ có từng ấy gương mặt.

Cũng vì quá khan hiếm gương mặt giám khảo, nên nhiều khi “bí” quá nhà sản xuất sẵn sàng để giám khảo ngồi “lệch” ghế. Không cần quan tâm uy tín, trình độ chuyên môn của người “cầm cân nảy mực” có phù hợp tính chất chương trình hay không, miễn đó là người nổi tiếng có khả năng bảo đảm lượng rating (đơn vị đo sự quan tâm, yêu thích của khán giả), doanh thu cho chương trình thì đều có thể ngồi ghế nóng.

Thế nên mới có chuyện đạo diễn phim được mời chấm điểm cuộc thi ca hát, khiêu vũ, thậm chí là nấu ăn; danh hài trở thành giám khảo sân chơi ca hát; người mẫu ngồi ghế nóng cuộc thi âm nhạc... Và hệ quả của điều này là biết bao tình huống dở khóc, dở cười, thậm chí là thảm họa đã xảy ra. Theo dõi những chương trình truyền hình thực tế, người xem giờ đây không còn bất ngờ trước những pha vạ miệng, những lời tung hô thí sinh kiểu trên trời, cách cho điểm kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, và nhan nhản những nhận xét nhàn nhạt, chung chung của giám khảo.

Khán giả cũng đã quá quen với những trò diễn thái quá như quỳ lạy thí sinh, khóc lóc sướt mướt nhằm thu hút sự chú ý. Đó là chưa kể không ít trường hợp còn biến sóng truyền hình thành nơi đùa cợt, giao đãi, hoặc phô diễn những màn đấu khẩu, đôi co, “đá xoáy” chẳng liên quan gì đến chuyên môn khiến khán giả có cảm giác, chính giám khảo cũng đang bị cuốn theo thị hiếu dễ dãi và hành xử thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng lẫn nhau.

Dù là vì mục tiêu gì thì yếu tố công bằng và chất lượng chuyên môn cũng là phẩm chất phải có của những người được mời làm giám khảo, nhất là khi không ít sân chơi truyền hình thực tế đã và đang trở thành nơi phát hiện, tìm kiếm, là bệ phóng tài năng của nhiều nhân tố mới, đặc biệt ở các lĩnh vực nghệ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng, các chương trình gameshow chủ yếu lên sóng để phục vụ mục đích giải trí, nên giám khảo trò chơi truyền hình thực tế suy cho cùng cũng chỉ để mua vui lấy tên để hút công chúng đừng đòi hỏi chuyên nghiệp quá. Song nói đi cũng phải nói lại, dù là vì mục tiêu gì thì yếu tố công bằng và chất lượng chuyên môn cũng là phẩm chất phải có của những người được mời làm giám khảo, nhất là khi không ít sân chơi truyền hình thực tế đã và đang trở thành nơi phát hiện, tìm kiếm, là bệ phóng tài năng của nhiều nhân tố mới, đặc biệt ở các lĩnh vực nghệ thuật.

Việc tùy tiện mời giám khảo đảm nhận vị trí không phù hợp năng lực chuyên môn, không chỉ làm ảnh hưởng tới kết quả của cuộc chơi, mà còn làm sứt mẻ niềm tin của công chúng vào những sân chơi truyền hình vốn có tính tương tác, lan tỏa mạnh mẽ. Đã đến lúc, vai trò của những nhà sản xuất, những người tổ chức, kiểm duyệt nội dung chương trình truyền hình thực tế phải được nâng cao, để chương trình không chạy theo lợi nhuận một cách bất chấp, để không còn tình trạng chiếc ghế giám khảo bị ngồi nhầm, ngồi bừa...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gin-giu-niem-tin-cua-cong-chung-vao-nhung-san-choi-truyen-hinh-post763648.html