Gìn giữ thanh âm Mường

PTĐT  -Về miền sơn cước lần này, tôi có chút tiếc nuối bởi đã qua dịp lễ hội để được nhâm nhi chóe rượu ngô, thả hồn vào lời Ví, Rang tâm tình, rộn rã cùng nhịp chàm Đuống đêm trăng.

Không chỉ riêng tôi, gần chục năm nay, khách mạn ngược ghé thăm Tân Sơn cũng hiếm khi được thưởng thức thứ nhạc vị độc đáo vốn là nét đặc trưng ngàn đời của người Mường. Bởi lẽ, cuộc sống mưu sinh hối hả, nhiều lo toan và sự pha trộn văn hóa hiện đại dần hiện hữu trong từng lớp người, từng bản làng. Những nếp nhà sàn xưa nay chỉ còn lác đác, trang phục truyền thống được xếp gọn trong tủ đồ mà chỉ khi có lễ hội mới sử dụng tới,… Câu chuyện về những thanh âm từ thuở “đẻ đất, đẻ nước” cũng không nằm ngoài sự biến chuyển đó và nỗi trăn trở mai một bản sắc dân tộc lâu dần đã kết tạo thành “nút thắt” trong tâm can của nhiều bậc cao niên xứ Mường.

Sau hồi trầm tư, nghệ nhân ưu tú Hà Thị Sóng (khu Vường 1, xã Lai Đồng), người dành trọn cuộc đời với câu hát Ví, Rang giãi bày: “Trước đây, hát Ví, Rang là tục lệ của bản làng. Người Mường hát Ví, Rang trong muôn mặt đời sống, trong lao động sản xuất và trong những dịp trọng đại. Không chỉ là câu hát đơn thuần đong đầy niềm vui những đêm trăng tròn, xua tan vất vả, nhọc nhằn sớm hôm, Ví, Rang còn là sợi dây gắn kết tình thương, xây dựng nếp sống, đạo đức trong mọi gia đình, thế hệ người Mường”. Bắt nhịp bằng đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, sạm đen vì năm tháng, bà Sóng ngân nga câu Rang theo mình trình diễn trong bao mùa lễ hội truyền thống. Dù tuổi đã cao nhưng tiếng hát bà vẫn hút hồn đến lạ lùng. Bao thanh âm núi rừng cứ thế hiện hữu trong từng câu hát, khi trong trẻo như suối nguồn, khi lại trầm mặc như vực sâu. “Nhớ ngày ấy, Ví, Rang là biểu tượng linh hồn của người con đất Mường. Mỗi khi xa xứ, người Mường luôn cất giữ trong mình điệu Ví, Rang như một sự tự tôn, một cách họ gìn giữ huyết mạch của dân tộc. Vậy mà giờ đây, huyết mạch ấy chỉ còn đọng lại yếu ớt trong tâm hồn già nua của những người bóng đã xế chiều. Nghĩ mà thật nao lòng!” bà Sóng thở dài, khóe mắt nhăn nheo ngân ngấn nước.Cũng như bà Sóng, nhiều người Mường thuộc thế hệ trước luôn mang tâm huyết gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng trước tác động mạnh mẽ của văn hóa hiện đại, nỗ lực ấy vẫn còn quá mong manh. Đội văn nghệ dân tộc Mường xóm Chiềng Nhỏ (xã Kiệt Sơn) chỉ có gần chục thành viên và hầu hết họ đều ở tuổi trung niên, nhưng khi chiêm ngưỡng buổi luyện tập chàm Đuống của họ tại nhà văn hóa khu, tôi lấy làm ngạc nhiên bởi các thành viên trong đội vẫn nhớ vanh vách từng nhịp chàm đuống, đều đều lúc nhanh, lúc chậm theo tiết tấu từng bài. Hẳn phải là những người say mê với nghệ thuật chàm Đuống và luyện tập thường xuyên thì nhịp đuống mới đều và tiếng nhạc mới hay đến thế.

Bà Hà Thị Tiên, thành viên đội văn nghệ chia sẻ: “Với người Mường, tiếng đuống vang vọng là đại diện cho ước mong, khát khao cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào. Bởi vậy, trong mọi nghi thức, lễ hội, tiếng đuống là nhạc khí không thể thiếu. Ngày nay, chàm Đuống chỉ được trình diễn trong các lễ hội chính vào dịp đầu năm hay các chương trình giao lưu văn hóa dân tộc. Với mong muốn góp phần gìn giữ bản sắc riêng của đồng bào Mường, hằng năm, ngoài tham gia biểu diễn tại các chương trình, lễ hội lớn, đội văn nghệ còn thường xuyên tổ chức giao lưu, trò chuyện về nét đẹp văn hóa dân tộc tại các buổi sinh hoạt thiếu nhi trong xã, biểu diễn những tiết mục văn nghệ truyền thống để lớp trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc và hiểu hơn về bản sắc dân tộc, từ đó khơi gợi đam mê học tập và gìn giữ bản sắc ấy trong tương lai”.Chuyện thế hệ trẻ lâu nay không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống là vấn đề tồn tại không chỉ ở riêng dân tộc Mường. Hiện đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn chiếm 82,4% dân số, trong đó dân tộc Mường chiếm 76,1%, dân tộc Dao chiếm 5,6%, dân tộc Mông chiếm 0,12% và các dân tộc khác chiếm 0,58%. Là địa phương giàu bản sắc các dân tộc thiểu số, hằng năm, các lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô lớn nhằm gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc dân tộc nhưng lại chỉ mang tính chất thời điểm. Tâm lý “đến hẹn lại lên” của đồng bào miền núi trở thành một phong trào của mặt trận chứ không còn là văn hóa của một cộng đồng. Các hoạt động truyền dạy được nhiều nhà trường lồng ghép vào các tiết học ngoại khóa, xong vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả sâu rộng. Ông Trần Văn Giang- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Để việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số được phát huy hiệu quả, làm cho di sản thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, UBND huyện Tân Sơn đã xây dựng và triển khai Kế hoạch Bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn giai đoạn 2019 - 2025 bao gồm: Diễn xướng chàm Đuống và hát Ví, hát Rang của dân tộc Mường, múa Sinh Tiền trong Lễ cấp sắc của dân tộc Dao và múa Khèn của dân tộc Mông. Đến nay, Hội thảo thống nhất nội dung, chương trình truyền dạy đã được tổ chức; Giáo trình truyền dạy được xây dựng và hoàn thiện. Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo huyện tiếp tục triển khai tập huấn cho cán bộ, đoàn thanh niên tại các xã; giáo viên dạy nhạc tại các trường TH, THCS. Cán bộ các khu dân cư; thành viên các câu lạc bộ hát, múa truyền thống của các dân tộc. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phục dựng, gìn giữ văn hóa truyền thống trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện và lễ hội ở địa phương. Thành lập và duy trì các câu lạc bộ ở cơ sở. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa; các cuộc thi văn nghệ, diễn xướng dân gian trong các ngày Tết và Lễ hội tại địa phương,…”.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202005/gin-giu-thanh-am-muong-170653