Gìn giữ truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình
Văn hóa ứng xử trong gia đình là nét đẹp truyền thống của dân tộc, chính nét đẹp ấy đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống trong gia đình Việt, đó là sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, chia sẻ, tấm lòng hiếu nghĩa đối với ông bà, cha mẹ… Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Là một gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng các thành viên trong gia đình cụ Hoàng Thị Sắc, Thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong luôn hòa thuận, vui vẻ với nhau. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhi, con dâu cụ Sắc luôn nhận được sự động viên, chia sẻ từ các thành viên trong gia đình nên lúc nào cũng cảm thấy thoải mái. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nhi cho biết: “Sống trong một gia đình nhiều thế hệ nên các thành viên sẽ có những quan điểm và suy nghĩ khác nhau. Do vậy, để gia đình hòa thuận, mỗi thành viên luôn nhường nhịn, cảm thông, chia sẻ, vợ chồng tôi luôn bảo nhau tự ý thức để gương mẫu cho các con noi theo, kính trọng người già, gương mẫu trước con trẻ, luôn dạy bảo các con những điều hay, lẽ phải. Đặc biệt, từ nhiều năm nay gia đình tôi luôn giữ được nét truyền thống đó là tổ chức những bữa cơm sum họp vào những dịp cuối tuần, lễ, tết. Đó là lúc để các thế hệ trong gia đình cùng ngồi lại, chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhờ vậy mối quan hệ anh em, con cháu trong gia đình ngày thêm đoàn kết, gắn bó hơn”.
Sống trong một gia đình hiện đại chỉ có 2 thế hệ gồm vợ chồng trẻ và 2 con nhỏ, các thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong luôn biết cách dung hòa mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ với con cái. Chị Liên làm nghề buôn bán, anh Lê Văn Dũngchồng chị làm nghề cơ khí nên cả hai cùng bận rộn với công việc. Tuy vậy, vợ chồng chị Liên luôn tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày để ở bên các con. Là phụ nữ trong gia đình, chị Liên còn biết cách để vợ chồng hòa thuận, yêu thương nhau; với các con, chị luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng đứa thay vì cách dạy dỗ áp đặt theo ý cha mẹ, bởi vậy nên 2 con chị đều lễ phép, chăm ngoan. “Để xây dựng gia đình hạnh phúc tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cách ứng xử của các thành viên, biết lắng nghe, chia sẻ chính là cách để vợ chồng, con cái luôn gần gũi, hòa thuận với nhau. Vợ chồng tôi lập nghiệp từ bàn tay trắng, làm nghề tự do nên lắm lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, đó là những khi tôi buôn bán không thuận lợi hay chồng tôi chưa tìm được hợp đồng mới…Ngay những lúc khó khăn nhất, vợ chồng tôi luôn động viên nhau để vượt qua”.
Như vậy có thể thấy rằng, văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là cầu nối để các thành viên gần nhau hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tình cảm trong mỗi gia đình đang đứng trước nhiều thách thức. Các mối quan hệ trong nhiều gia đình trở nên phức tạp, bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về cách ứng xử, lối sống... Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện đi xuống. Cũng vì cách ứng xử trong gia đình thiếu văn hóa nên đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng, nhất là liên quan đến tình trạng bạo lực gia đình.
Để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong mỗi gia đình, từ năm 2001, Chính phủ quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh giá trị của gia đình, đây là dịp để mọi người thêm thấu hiểu các giá trị và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. 19 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa và gần gũi với nhiều người dân, là ngày để nhắc nhở mỗi người hướng về gia đình, cùng có những suy nghĩ, việc làm thiết thực để bảo vệ, nâng niu tổ ấm gia đình. Tại Quảng Trị, hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tích cực như tổ chức gặp mặt tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu; thăm, tặng quà một số gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn; tổ chức các hội thi, hội diễn, diễn đàn… nhằm tuyên truyền về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tôn vinh giá trị các mối quan hệ trong gia đình. Phát động tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6…
Bên cạnh tổ chức thực hiện tốt Ngày Gia đình Việt Nam, thời gian qua, công tác gia đình nói riêng và xây dựng đời sống văn hóa nói chung luôn được tỉnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ năm 2010- 2020, toàn tỉnh có 152.904/168.043 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ trên 90%; số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm. Phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” tiếp tục phát triển và nhân rộng; các câu lạc bộ (CLB) như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB gia đình trẻ, CLB tiền hôn nhân… được duy trì và phát huy hiệu quả trên nhiều mặt. Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em vướng vào các tệ nạn xã hội từng bước được kiểm soát; các địa phương đã phát hiện, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, xung đột giữa các cặp vợ chồng, góp phần hạn chế tình trạng ly thân, ly hôn; những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi… Kết quả này đã tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, hướng tới đạt mục tiêu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” cho Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Qua đó thêm một lần nữa khẳng định những giá trị tốt đẹp vốn có của gia đình, bởi gia đình chính là cội nguồn của sự thành công, là nơi nương tựa để mỗi chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149385