Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Mường

PTĐT - Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Tân Sơn là một trong số ít các trường trong tỉnh xây dựng được không gian văn hóa Mường trong trường học, giúp các em học sinh trong xã thêm hiểu, thêm yêu và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Giáo viên giới thiệu cho các em học sinh về các công cụ lao động và cách dệt vải của người Mường

Giáo viên giới thiệu cho các em học sinh về các công cụ lao động và cách dệt vải của người Mường

Nằm trên địa bàn xã có hơn 97% dân số là đồng bào dân tộc Mường, đây là điểm thuận lợi để Trường Tiểu học Tân Sơn xây dựng không gian văn hóa Mường trong trường học. Từ năm học 2017-2018, các thầy cô giáo đã vận động phụ huynh học sinh và người dân ủng hộ các hiện vật là những công cụ lao động, sinh hoạt, trang phục đặc trưng của người Mường để trưng bày. Hiện nay nhà trường đã sưu tập và trưng bày nhiều đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, nhạc cụ của người Mường như bộ khung cửi dệt vải, íu bông, ớp, cóm, rế, hông xôi, chăn, gối bông lau...

Thực hiện mô hình "Trường học gắn với văn hóa truyền thống dịa phương – không gian văn hóa Mường". Vào đầu mỗi năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể để duy trì việc triển khai mô hình, thành lập các CLB đâm Đuống, múa Sạp, hát Ví Rang của học sinh, thường xuyên biểu diễn trong những ngày hội của trường và địa phương. Tổ chức các hoạt động về nội dung “không gian văn hóa Mường” trong buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp vào tuần 3 hàng tháng. Cán bộ, giáo viên nhà trường sưu tầm các loại tài liệu liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương, ghi chép lại những lời bài hát, truyện cổ để xây dựng thành bộ tài liệu của trường lưu giữ tại thư viện nhà trường đưa ra thư viện xanh để học sinh đọc và hiểu thêm về bản sắc văn hóa Mường. Tại một số lớp cũng sưu tầm và trưng bày theo khuôn khổ không gian của lớp mình, xây dựng góc cộng đồng “Không gian văn hóa Mường” tại lớp học...

Cổng trường được trang trí bằng các họa tiết hoa văn đặc trưng của người Mường

Cổng trường được trang trí bằng các họa tiết hoa văn đặc trưng của người Mường

Để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Mường, giáo viên trong trường cũng đã tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa, công năng của các công cụ lao động, văn hóa ẩm thực và các trò chơi dân gian, rà soát, chương trình nội dung giáo dục hiện hành có liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương để tích hợp vào liên hệ nội dung bài dạy Xây dựng mô hình "Trường học gắn với văn hóa truyền thống địa phương – không gian văn hóa Mường" cho gần 400 học sinh của nhà trường, đồng thời mời các nghệ nhân đến dạy cho các em những làn điệu Ví, Rang, múa Sạp, đâm Đuống.

Các đồ dùng, công cụ lao động trong không gian văn hóa Mường

Các đồ dùng, công cụ lao động trong không gian văn hóa Mường

Là người trực tiếp cùng các giáo viên sưu tầm và trưng bày hiện vật trong không gian văn hóa Mường, thầy giáo Vũ Ngọc Tuấn- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngày nay, nhiều đồ dùng, công cụ lao động của đồng bào Mường không còn sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như đang bị mai một do sự phát triển của khoa học công nghệ, những người am hiểu diễn xướng dân gian và thuộc lời các điệu Ví, Rang không nhiều nên việc sưu tầm gặp nhiều khó khăn. Với mong muốn lưu giữ và bảo tồn được không gian văn hóa Mường ngay tại xứ Mường, chúng tôi đã vận động các bậc phụ huynh, người dân trong và ngoài xã ủng hộ, dần dần mọi người cũng đã hiểu được mục đích của chúng tôi và họ còn giúp sưu tầm những vật dụng đó. Bên cạnh đó, các giáo viên trong trường còn tự vẽ trang trí các họa tiết đặc trưng để tạo không gian văn hóa Mường giúp các em thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202007/gin-giu-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-muong-171880