Gìn giữ và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Ninh Bình
Ninh Bình là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, góp phần gìn giữ các di sản văn hóa này.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư) là quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây còn lưu giữ các di tích lịch sử gắn liền với 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý; nơi có giá trị đặc biệt cả về văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học và còn lưu giữ 5 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư còn lưu giữ cặp long sàng độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Đó là long sàng trước Nghi môn ngoại và long sàng trước Bái đường của đền thờ.
Long sàng trước nghi môn ngoại được triều đình nhà Lê cho chế tác vào đầu thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hoằng Định thứ 9, năm 1608). Long sàng trước Bái đường do nhân dân Trường Yên công đức, được chế tác cuối thế kỷ XVII (niên hiệu Chính Hòa thứ 17, năm 1696). Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến.
Đối với những bảo vật này, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư đã tham mưu với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, tham vấn ý kiến các chuyên gia và triển khai các biện pháp nhằm lưu giữ, bảo tồn, tránh những tác động của thiên nhiên và con người làm hư hại. Đồng thời, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, quảng bá đến nhân dân và du khách về giá trị của các bảo vật, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Chị Nguyễn Thị Yến (du khách TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, khi đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, chị không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc của kinh thành xưa, mà còn hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, chị được tận mắt chứng kiến những bảo vật quốc gia (như: Long sàng, Bộ Phủ Việt) được ngành Văn hóa địa phương lưu giữ tốt. Đây chính là nguồn tư liệu quý để các bạn trẻ có thể học tập, tìm hiểu về lịch sử; đồng thời góp phần giúp cho những bảo vật này sống mãi trong lòng người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 bảo vật quốc gia gồm: Cột kinh phật chùa Nhất Trụ; Long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, căn cứ vào đặc điểm chất liệu, chức năng, hiện trạng của các bảo vật quốc gia, Sở đã tham vấn ý kiến các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học, chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia. Cụ thể, đối với cột kinh phật chùa Nhất Trụ là hiện vật trưng bày trong khuôn viên chùa, chịu tác động trực tiếp của thời tiết, hiện đã được xây dựng nhà che, có lan can gỗ bảo vệ và đang trong tình trạng bảo quản tốt.
Long Sàng trước Bái đường và Long Sàng trước nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là đồ tế khí thuộc cụm hiện vật sân chầu Hoàng đế nên được đặt ngoài trời, chịu tác động trực tiếp của thời tiết, khí hậu, hoạt động tham quan du lịch của con người. Do đặc điểm, tính chất và chức năng của hiện vật, sau khi tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học, Sở Văn hóa và Thể thao đã sử dụng phương pháp phủ nano đối với 2 Long sàng trên để khắc phục những tác động trực tiếp của yếu tố khí hậu, nấm mốc. Đến nay, các bảo vật vẫn giữ được hiện trạng như thời điểm trước khi thực hiện bảo tồn và xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia.
Đối với Bộ Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành là đồ tế khí, lưu giữ trong nội tự, ít chịu ảnh hưởng bởi mưa nắng. Do đó, đơn vị bảo quản thường xuyên làm vệ sinh khu nội tự, bao sái hiện vật, có biện pháp trưng bày phù hợp để vừa bảo quản vừa phát huy giá trị hiện vật.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, để đảm bảo an ninh, an toàn cho di tích và hiện vật nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, Sở đã lắp đặt hệ thống báo động cảm biến, camera an ninh giám sát trong và ngoài di tích, thực hiện phòng, chống cháy nổ, bố trí lực lượng bảo vệ 24/24 giờ, chủ động phối hợp với các lực lượng an ninh của địa phương và các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bảo vật quốc gia và các hiện vật trong di tích. Trong mùa mưa bão, các cành cây có nguy cơ gãy đổ, ảnh hưởng đến bảo vật và di tích, cũng được chặt tỉa phù hợp.
Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các văn bản chỉ đạo liên quan trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào việc bảo vệ, bảo quản bảo vật. Sở tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhà trưng bày, bảo quản các hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đặc biệt nghiên cứu các biện pháp bảo tồn lâu dài, bền vững đối với các hiện vật ngoài trời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ngành văn hóa cũng tăng cường công tác quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh; hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hiện vật, bảo vật...