Gió có đảo chiều tại Ukraine sau bầu cử châu Âu, Mỹ?

Kết quả các cuộc bầu cử gần đây tại Anh, Pháp và sắp tới tại Mỹ có thể sẽ khiến cuộc xung đột Nga – Ukraine đảo chiều theo hướng bất lợi cho Ukraine.

Cuộc tổng tuyển cử tại Anh

Ngày 4/7, khoảng 49 triệu cử tri Anh đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sớm. Cùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, cuộc tổng tuyển cử lần này tại Anh có thể coi là một trong những sự kiện có thể có ý nghĩa quan trọng nhất đối với cuộc chiến tại Ukraine.

Công đảng của nhà lãnh đạo Keir Starmer dẫn đầu với chiến thắng áp đảo. Với kết quả này, ông Keir Starmer, cựu luật sư nhân quyền 61 tuổi sẽ thay thế đương kim Thủ tướng Rishi Sunak để trở thành tân Thủ tướng Anh.

Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer. Ảnh: Getty.

Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer. Ảnh: Getty.

Theo giới quan sát, Công đảng có quan điểm hoàn toàn trái ngược với Đảng Bảo thủ cầm quyền về một loạt vấn đề như kinh tế, thuế, biến đổi khí hậu, Dịch vụ Y tế quốc gia và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, về chính sách đối ngoại và quốc phòng nói chung, và sự hỗ trợ dành cho Ukraine nói riêng, quan điểm của hai đảng cơ bản không có nhiều khác biệt.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Anh dành cho Ukraine, vốn được duy trì kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022, đã được Công đảng hưởng ứng và có ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ thay đổi trong ngắn hạn.

Tôi không đồng tình với cựu Thủ tướng Boris Johnson trong nhiều vấn đề, nhưng công bằng mà nói, với Ukraine, ông ấy đã có quan điểm mạnh mẽ. Khi đó tôi là lãnh đạo phe đối lập và tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ ủng hộ chính phủ.

Ông Keir Starmer - Lãnh đạo Công đảng tại Anh.

Tuy vậy, dù công khai ủng hộ ý định của Thủ tướng Sunak về việc tăng chi tiêu quốc phòng của Vương quốc Anh lên 2,5% GDP vào năm 2030, nhưng lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã cảnh báo rằng ông muốn nhìn thấy một kế hoạch đầy đủ với những biện pháp cụ thể làm sao để đạt được con số đó và quan trọng hơn là Anh sẽ cần phải hy sinh những lĩnh vực nào khác của chính sách tài khóa để đạt được mục tiêu.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên mất ghế trong một cuộc tổng tuyển cử. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên mất ghế trong một cuộc tổng tuyển cử. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, cũng cần tính đến ảnh hưởng từ một số đảng đối lập nhỏ hơn, trong trường hợp cần thành lập chính phủ liên minh. Đảng Dân chủ Tự do, đảng Xanh và đảng Quốc gia Scotland (SNP), những chính đảng có thể trở thành đối tác trong chính phủ, hiện có vẻ ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine, nhưng tất cả đều phản đối mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của Anh ở nước ngoài.

Theo giới quan sát, nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và xung đột ngày càng rơi vào bế tắc, thì áp lực chuyển nguồn tài trợ từ chi tiêu liên quan đến quốc phòng sang giải quyết các vấn đề xã hội sẽ tăng lên và điều đó có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính và sự hỗ trợ quân sự của Anh cho Ukraine.

Liệu Pháp sẽ có một chính phủ thân Nga?

Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) do chính trị gia cực hữu Marine Le Pen lãnh đạo đã giành thắng lợi lịch sử trước liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron tại vòng một bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Hiện tại, chưa rõ khả năng đảng RN và các đồng minh có giành được đa số tuyệt đối cần để thành lập chính phủ hay không vì vẫn còn vòng hai của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7/7, nhưng chưa khi nào nước Pháp lại tiến gần đến việc thành lập một chính phủ cực hữu như hiện nay.

Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) do chính trị gia cực hữu Marine Le Pen lãnh đạo đã giành thắng lợi lịch sử tại vòng một bầu cử Quốc hội. Ảnh Reuters.

Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) do chính trị gia cực hữu Marine Le Pen lãnh đạo đã giành thắng lợi lịch sử tại vòng một bầu cử Quốc hội. Ảnh Reuters.

Theo giới quan sát, nếu cuộc bỏ phiếu vòng hai sắp tới mang lại ưu thế đa số trong Quốc hội cho phe cực hữu, nước Pháp sẽ ở trong một bối cảnh chính trị khác, khi các chính trị gia được cho là sẽ có xu hướng thân Nga hơn.

Việc đảng RN giành được ưu thế đa số tại Quốc hội sẽ dẫn tới sự không chắc chắn trong quan điểm của Pháp về cuộc xung đột Nga - Ukraine khi lãnh đạo đảng này, bà Marine Le Pen từng có lập trường thân Nga.

Nữ chính trị gia này, từ khi thay cha bà lãnh đạo đảng RN, đã tuyên bố bà “ngưỡng mộ Tổng thống Putin”. Bà Marine Le Pen đã bốn lần đến Moscow, lui tới Hạ Viện Nga và lần gần đây nhất, vào năm 2017, đã tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi ra tranh cử Tổng thống Pháp.

Một thắng lợi rõ ràng của đảng RN sẽ cho phép bà Marine Le Pen và các đồng minh đứng ra thành lập chính phủ và sau đó bắt đầu thực hiện lời hứa dỡ bỏ nhiều chính sách quan trọng của Tổng thống Macron, trong đó có việc ngăn chặn Pháp cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia, chính trị gia 29 tuổi Jordan Bardella, người có thể trở thành Thủ tướng Pháp nếu đảng Tập hợp Quốc gia giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sớm, cho biết ông ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí cần thiết để tự vệ chứ không phải những thiết bị có thể khiến xung đột leo thang.

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella. Ảnh: AFP.

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella. Ảnh: AFP.

Quan điểm này của ông Jordan Bardella gần tương đồng với Tổng thống Emmanuel Macron về vai trò của Pháp trong cuộc xung đột. Nhưng không giống như Tổng thống Macron, ông Bardella phản đối việc triển khai lực lượng Pháp tới Ukraine.

Lằn ranh đỏ của tôi rất rõ ràng: đó là việc đưa quân đến lãnh thổ Ukraine. Tôi không có ý định tạo điều kiện và triển khai quân đội Pháp tới Ukraine. Đó là lập trường của tôi, lập trường của phong trào của chúng tôi, và nó vẫn không thay đổi.

Ông Jordan Bardella – lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia.

Không chỉ vậy, nếu RN giành thắng lợi và ông Jordan Bardella được bổ nhiệm làm Thủ tướng, kịch bản này sẽ khiến ông Bardella và Tổng thống Macron rơi vào một tình thế khó xử khi phải tìm kiếm một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Ông Macron, người đắc cử lần đầu tiên vào năm 2017, cho biết ông sẽ không từ chức trước khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc vào năm 2027. Tuy nhiên, các nỗ lực của ông Macron nhằm giảm nợ công hay tăng cường hỗ trợ cho Ukraine sẽ có thể trở nên khó khăn hơn nếu chính phủ do phe cực hữu kiểm soát.

Tổng thống Pháp vẫn có quyền lực với chính sách quốc phòng và đối ngoại. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, vì ngân sách cho các lĩnh vực này đều do Quốc hội quyết định. Do đó, bất kỳ khoản chi tiêu mới nào cho quốc phòng hay viện trợ bổ sung cho Ukraine đều có thể bị chặn tại Quốc hội.

Cũng giống như bà Marine Le Pen, ông Bardella từng được cho là có lập trường thân Nga. Do đó, chính trị gia cực hữu 29 tuổi này có thể sẽ gây ra sóng gió lớn trong ba năm còn lại của ông Macron trên cương vị Tổng thống Pháp.

Kết quả các cuộc bầu cử tại châu Âu cho thấy sự nổi lên của các đảng có xu hướng phản đối sự can dự sâu vào xung đột Ukraine. Nếu các lực lượng chính trị này ngày càng giành nhiều quyền lực hơn, cách tiếp cận của châu Âu với cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ thay đổi đáng kể.

Bầu cử Mỹ: cuộc đua quyết định tương lai Ukraine

Tại Mỹ, chiến dịch vận động tranh cử cũng ngày càng nóng hơn. Mỹ hiện là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Quốc hội Mỹ đã viện trợ 175 tỷ USD cho Ukraine theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ.

Washington đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga và đứng đầu Nhóm liên lạc Quốc phòng Ukraine, một liên minh gồm khoảng 50 quốc gia phối hợp hỗ trợ quân sự cho Kiev. Chính bởi vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nói rằng tương lai cuộc xung đột ở nước này sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/Getty.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/Getty.

Tuy nhiên, đường quay trở lại Nhà Trắng đang rộng mở hơn đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng nhiều lần đưa ra quan điểm phản đối viện trợ cho Ukraine và tuyên bố sẽ kết thúc xung đột trong vòng 24h nếu tái đắc cử, có thể sẽ khiến cuộc xung đột chấm dứt theo hướng bất lợi cho Kiev.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay diễn ra tại thành phố Atlanta, bang Georgia, hai ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đã có những màn đấu khẩu nảy lửa, thể hiện quan điểm khác biệt về một loạt vấn đề chính sách, trong đó xung đột Nga – Ukraine là một trong những chủ đề chính được đề cập.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: CNN/TTXVN.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: CNN/TTXVN.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ trích rằng Tổng thống Biden đã làm tổn hại đến danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế và đó là một trong những yếu tố thuyết phục Tổng thống Nga Putin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022. Ông cũng chỉ trích cách xử lý xung đột của Tổng thống Biden, bao gồm cả quyết định cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Biden khẳng định rằng chính người tiền nhiệm Trump đã khuyến khích Tổng thống Putin khi nói với ông Putin rằng ‘Hãy làm bất cứ điều gì ông muốn’. Ông Trump đã bác bỏ điều này.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, với màn thể hiện đáng thất vọng của Tổng thống Joe Biden đã mang lại lợi thế cho ông Trump. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio nói rằng cuộc tranh luận giúp cử tri Mỹ nhận ra ông Donald Trump là người phù hợp hơn để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên với cựu tổng thống Donald Trump ở thành phố Atlanta, bang Georgia, tối 27/6. Ảnh: AP.

Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên với cựu tổng thống Donald Trump ở thành phố Atlanta, bang Georgia, tối 27/6. Ảnh: AP.

Đường vào Nhà Trắng của ông Donald Trump càng trở nên rộng mở hơn khi ngày 1/7, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép ông Trump được hưởng quyền miễn trừ truy tố với tất cả những hành động nằm trong thẩm quyền hiến định của Tổng thống Mỹ. Với phán quyết này, phiên tòa hình sự xét xử ông Donald Trump vì cố gắng lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 khó có thể diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo giới quan sát, nếu ông Donald Trump giành được Nhà Trắng, Ukraine có thể phải đối mặt với sự sụt giảm nhanh chóng các khoản viện trợ. Dư luận thế giới và Ukraine hẳn vẫn chưa thể quên chính các đồng minh của ông Donald Trump ở Hạ Viện Mỹ từng chặn gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine trong suốt nhiều tháng, khiến hệ thống phòng không của Ukraine “gần như sụp đổ”.

Ông Donald Trump, người từng bày tỏ ngưỡng mộ Tổng thống Nga Putin, mới đây tiếp tục chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky xin viện trợ “không có điểm dừng”, gọi các khoản viện trợ là “phi vụ lừa đảo khổng lồ mới nhất và nghiêm trọng nhất trong lịch sử”.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa cũng phản đối thỏa thuận hợp tác an ninh 10 năm vừa được ký kết giữa Mỹ và Ukraine bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy, và cam kết sẽ “dàn xếp xong” cuộc chiến tại Ukraine trước khi nhậm chức nhiệm kỳ mới nếu ông được bầu làm tổng thống.

Cuộc xung đột Ukraine đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra. Tôi sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa ông Putin và ông Zelensky với tư cách là tổng thống đắc cử, trước khi tôi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Ông Donald Trump - Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Theo giới quan sát, kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử sẽ đặt ra cho Ukraine không ít thách thức, có thể khiến Kiev phải tìm cách thích nghi với Nga, bao gồm việc phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ, thậm chí cả các nhượng bộ chính trị và ngoại giao.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân khấu tranh luận của CNN ở Atlanta, Georgia, ngày 27/6.Ảnh: AFP.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân khấu tranh luận của CNN ở Atlanta, Georgia, ngày 27/6.Ảnh: AFP.

Tờ Politico ngày 2/7, dẫn lời hai quan chức an ninh thân cận của ông Trump, tiết lộ ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa đang cân nhắc kế hoạch chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump có thể ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Kiev từ chối đàm phán.

Ngược lại, Nga sẽ được cảnh báo rằng bất kỳ hành động từ chối đàm phán nào sẽ dẫn tới việc Mỹ tăng cường ủng hộ Ukraine. Ngoài ra, NATO cam kết sẽ không mở rộng về phía Đông, đặc biệt là sang Ukraine và Gruzia. Một số nguồn tin cho hay, ông Trump dường như sẽ buộc Kiev phải nhượng bộ về lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Nhà nghiên cứu Leon Aron tại Viện doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington nhận định rất có thể Nga sẽ án binh bất động tại Ukraine cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống Putin sẽ không thay đổi cả chính sách ngoại giao lẫn quân sự, mà sẽ đợi để có được một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt xung đột không quá tốn kém.

Moscow đang kỳ vọng rằng ông Donald Trump sẽ đắc cử và chặn các khoản viện trợ quân sự cho Ukraine.

Câu hỏi đặt ra là liệu Liên minh châu Âu có tiếp tục hỗ trợ Kiev nữa hay không, khi mà trong số 27 thành viên EU, Nga đã có khá nhiều cánh tay đắc lực như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, và rất có thể cả Thủ tướng Pháp tương lai Jordan Bardella, nếu đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu giành đa số tuyệt đối sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/gio-co-dao-chieu-tai-ukraine-sau-bau-cu-chau-au-my-249580.htm