Gió giật và mưa lớn dữ dội, miền Trung oằn mình trong bão

Lúc 4h ngày 28/9, hàng loạt nhà tốc mái, sức gió mạnh nhất tâm bão giật cấp 13. Thông tin cập nhập lúc 4h sáng ngày 28/9, vị trí tâm bão (lúc 4h00/28/9): khoảng 15,8 độ vĩ Bắc; 108,1 độ kinh Đông, nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13.

* 08h30: Lũ lên nhanh, nhiều nơi tại Quảng Nam bị cô lập, Quốc lộ 1A bị ngập sâu:

Sau khi bão số 4 đổ bộ vào Quảng Nam, sáng nay, theo ghi nhận thực tế của PV Báo CAND, trên địa bàn tỉnh có mưa to, nhiều cây xanh bị bật gốc, nhiều nhà dân, trường học bị tốc mái.

Khu thư viện Trường THCS Quế Mỹ 2, huyện Quế Sơn bị tốc mái.

Khu thư viện Trường THCS Quế Mỹ 2, huyện Quế Sơn bị tốc mái.

Một mái nhà người dân tại huyện Phước Sơn bị bão số 4 thổi bay.

Một mái nhà người dân tại huyện Phước Sơn bị bão số 4 thổi bay.

Nước lũ đổ về, lên nhanh, nhiều khu vực tại xã Tam An, Tam Đàn (huyện Phú Ninh) bị lũ bủa vây. Nước lũ cũng ngập sâu từ 30-50cm tại nhiều vị trí trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn xã Tam An, Tam Đàn, lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt đã cắt cử cán bộ ứng trực, điều tiết không cho xe máy, xe ô tô con đi qua đoạn bị ngập; đồng thời hướng dẫn xe tuyến đường dài di chuyển lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để tiếp tục hành trình.

Ngoài ra, tại một số địa phương khác của tỉnh Quảng Nam như Tiên Phước, Đại Lộc,... nước lũ cũng đang cô lập, chia cắt nhiều khu dân cư. Khu dân cư đường số 1 thôn Agrồng, xã Atiêng; thôn A zứt, xã Bhlêê, thôn Ahu, xã Atiêng, huyện Tây Giang ngập sâu từ 0,5-1m, gây thiệt hại hư hỏng đồ dùng của người dân.

Nước sông Tiên, huyện Tiên Phước dâng cao, gây ngập sâu nhiều khu dân cư, tuyến đường.

Nước sông Tiên, huyện Tiên Phước dâng cao, gây ngập sâu nhiều khu dân cư, tuyến đường.

Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn, huyện Phú Ninh bị bủa vây trong mênh mông biển nước.

Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn, huyện Phú Ninh bị bủa vây trong mênh mông biển nước.

Một khu dân cư tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh mênh mông biển nước.

Một khu dân cư tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh mênh mông biển nước.

Theo báo cáo nhanh của các cơ quan chức năng, bão số 4 đã làm 1 nhà /17 khẩu ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ và 1 nhà dân tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành bị tốc mái hoàn toàn; nhiều nhà dân ở đảo Cù Lao Chàm bị tốc mái từ 30-50%; Đồn Biên phòng 276 (Cù Lao Chàm) có nhà chỉ huy, nhà ở cán bộ chiến sĩ bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, tăng gia...

Đối với tàu thuyền, bão số 4 làm chìm 1 ghe tại xã Tam Giang, 1 tàu câu mực tại xã Tam Hải (huyện Núi Thành), chìm 1 tàu lưới vây tại âu thuyền Hồng Triều, huyện Thăng Bình; 4 tàu vận tải và 1 tàu câu mực neo đậu tại phao luồng số 19 luồng cảng Kỳ Hà bị rê neo và mắc cạn tại khu vực luồng phao số 17 gần xã đảo Tam Hải.

Về giao thông, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Đông Giang bị sat lở 3 vị trí (Km448+600; Km450+00; Km457); tuyến đường ĐH5.ĐG (A Rooih - Za Hung, huyện Đông Giang) sạt lở đất đá taluy dương 8 vị trí, ước tính khối lượng khoảng 258m3; một vị trí sạt taluy âm dài 3m.

Cán bộ CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam phân luồng, điều tiết giao thông đoạn ngập sâu trên QL1A.

Cán bộ CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam phân luồng, điều tiết giao thông đoạn ngập sâu trên QL1A.

Tuyến đường giao thông nông thôn Cutchrun (đường dẫn vào điểm trường Cutchrun, huyện Đông Giang) bị sạt lở taluy âm, bê tông nền đường sụt lún đứt gãy chiều dài khoảng 80m, có dấu hiệu sạt lở toàn tuyến dài 180m. Hiện cơ quan chức năng tại đã khoanh vùng cấm để giáo viên và học sinh biết, đồng thời mở lối đi nhỏ tạm thời để phục vụ việc đi lại cho giáo viên và hoạc sinh.

Toàn tỉnh Quảng Nam có 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục); còn 372 trạm có điện. Tổng số khách hàng bị mất điện là 437.934 khách hàng.

* 08h15: Đà Nẵng không có thiệt hại về người.

Sáng 28/9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã ghi nhận và báo cáo một số thiệt hại ban đầu do bão số 4 gây ra.

Theo đó, bão số 4 đã gây ra một số sự cố về lưới điện với 3.340 trạm biến áp bị mất điện, đến 7h30 cùng ngày đã khôi phục 163 trạm biến áp. Tổng số khách hàng bị mất điện là gần 253.000 khách hàng, đã khôi phục điện được cho gần 5.500 khách hàng.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, hàng chục ngàn người dân có nhà ở thiếu kiên cố đã được di dời đến nơi an toàn. Người dân cũng đã chủ động chằng chống nhà cửa với sự trợ giúp của lực lượng Quân đội, Công an, qua đó giảm thiểu những hư hại do bão gây ra. Đến nay, mới ghi nhận có 3 nhà dân bị tốc mái, ở các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ. Một số hư hại nhỏ cũng được ghi nhận ở Trường THPT Liên Chiểu, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, Văn phòng Chi cục Thủy lợi, Đội Kiểm lâm cơ động Hòa Cầm… và không có thiệt hại về người.

CSGT Công an TP Đà Nẵng dọn cây ngã đổ để đảm bảo ATGT sau khi bão số 4 vào đất liền.

CSGT Công an TP Đà Nẵng dọn cây ngã đổ để đảm bảo ATGT sau khi bão số 4 vào đất liền.

Các tàu cá đang neo đậu và ngư dân ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang an toàn. Đến nay mới ghi nhận có 2 ghe nhỏ bị chìm, một tàu cá của ngư dân bị mắc cạn, 2 phao bù bị trôi dạt trong âu thuyền, mái tôn nhà giữ xe và trạm gác và một số vị trí bị tốc mái.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tối 27 rạng sáng 28/9, trên địa bàn Đà Nẵng đã có mưa rất to, gió lớn, giật mạnh; cường độ gió đo được cao nhất từ cấp 9 đến 11. Lượng mưa đo được lớn nhất tại lưu vực sông Cu Đê là 220mm, Liên Chiểu 161mm, Ngũ Hành Sơn 146 mm, Sơn Trà 121mm, Cẩm Lệ 117 mm, Hòa Cường Nam 94,8mm..., gây ngập cục bộ một số tuyến đường.

Ngay sau khi bão suy yếu, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thu dọn cây xanh ngã đổ để bảo đảm giao thông; triển khai công tác thống kê thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường sau bão; tập trung ứng phó mưa lớn, nhất là nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất ở huyện Hòa Vang; chủ động thông tin, tuyên truyền cho người dân không chủ quan, lơ là, sửa chữa nhà cửa, đi ra ngoài trong thời điểm gió còn mạnh để tránh các tai nạn, sự cố đáng tiếc…

* 06h00:

Hiện mực nước một số sông từ Quảng Bình đến Phú Yên đã lên mức báo động (BĐ) 1 đến BĐ2, cụ thể mực nước lúc 3h/28/9: tại Sông Gianh tại Tân Mỹ: +1,44 (BĐ1: 0,34m); Sông Hương tại Kim Long: +1,57 (>BĐ1: 0,57m); Sông Thu Bồn tại Hội An: +1,53 (>BĐ2: 0,03m)

Ban chỉ đạo tiền phương tại Huế túc trực 100% các lực lượng lúc 4h sáng 28/9.

Ban chỉ đạo tiền phương tại Huế túc trực 100% các lực lượng lúc 4h sáng 28/9.

Theo Ban chỉ đạo tiền phương, tin nhanh từ các địa phương cho biết: Tại tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to; thiệt hại do lốc xoáy tại TT Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15h30/27/9: Nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 02 ngôi nhà sập hoàn toàn), đang tiếp tục cập nhật. Đã có 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có mưa to đến rất to, gió giật cấp 7-9; Chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Hiện TP Đà Nẵng đang có mưa to đến rất to, gió lớn. Đến 5h00 sáng 28/9, đã có 2 ngôi nhà bị tốc mái; 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu. Hiện vẫn chưa có thông tin mới về 60 người ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, có mưa vừa, gió tại TP Quảng Ngãi cấp 6, giật cấp 7, Ba Tơ có gió cấp 11, Lý Sơn gió giật cấp 12. Nhiều nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại một số huyện.

Tại tỉnh Bình Định, có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5. Mất điện tại một số khu vực; ngoài ra chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Những hình ảnh đầu tiên cây ngã đổ, đường phố ngập sâu 0.5m tại TP Tam Kỳ lúc 5h30 sáng 28/9 ( ảnh CB CVT).

Những hình ảnh đầu tiên cây ngã đổ, đường phố ngập sâu 0.5m tại TP Tam Kỳ lúc 5h30 sáng 28/9 ( ảnh CB CVT).

Tại tỉnh Quảng Nam, có nơi mưa to, gió các huyện thị ven biển đã đạt cấp 8- cấp 9, TP Tam Kỳ đã có gió giật cấp 13. Quảng Nam hiện có đến 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục). Đã ghi nhận thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ,… (chưa thống kê được số lượng cụ thể).

Theo ghi nhận của PV Báo CAND vào rạng sáng 28/9, bão số 4 gây mưa xối xả kèm gió giật mạnh, rít liên hồi. Mưa lớn đã khiến nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập sâu, chia cắt nhiều nơi tại vùng "rốn lũ" xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.

Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, gió bão mỗi lúc một mạnh hơn. Gió giật mạnh từng cơn, rít liên hồi kèm theo mưa xối xả. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, lúc 2h, gió tại các huyện, thị xã ven biển đat cấp 8 - cấp 9, riêng Cù Lao Chàm (TP Hội An) đã có gió giật cấp 12; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đông Hà có gió giật cấp 6; Đồng Hới có gió giật cấp 7; Nam Đông có gió giật cấp 9; Đà Nẵng có gió giật cấp 8; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Trà My có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Quảng Ngãi có giật cấp 7; An Nhơn có gió giật cấp 7; Tuy Hòa có gió giật cấp 7; An Khê có gió mạnh cấp 6; Pleiku có gió giật cấp 8.

Dự báo: trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.

Trong khi đó, người dân xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc vừa phải ứng phó bão số 4, vừa chống lũ khi nước từ thường nguồn đổ về gây ngập sâu, chia cắt hàng trăm hộ dân trong đêm. Người dân phải thức trắng đêm để dọn dẹp đồ đạc lên cao, chạy lũ.

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về trong đêm, gây ngập sâu nhiều nơi tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về trong đêm, gây ngập sâu nhiều nơi tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.

Lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam chốt chặn trên QL1A để hướng dẫn phương tiện tìm nơi trú tránh bão an toàn trong đêm 27/9.

Lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam chốt chặn trên QL1A để hướng dẫn phương tiện tìm nơi trú tránh bão an toàn trong đêm 27/9.

Để thực hiện lệnh cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam từ 18h ngày 27/9, trong đêm cùng ngày, lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam và CSGT - Trật tự tại các địa phương đã dầm mình trong mưa bão nhằm kiểm soát phương tiện đi lại; hỗ trợ, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh di chuyển qua địa bàn tỉnh Quảng Nam tìm nơi tránh, trú bão an toàn.

Hoài Thu-Ngọc Thi-Thân Lai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/gio-giat-va-mua-lon-du-doi-mien-trung-oan-minh-trong-bao-i669004/