Gió Mặt trời - nguồn nước của Trái đất
Các nhà nghiên cứu của Đại học Curtin (Australia) đã làm sáng tỏ bí ẩn về nguồn gốc của nước trên Trái đất. Họ phát hiện, Mặt trời có thể là một nguồn nước đáng ngạc nhiên.
Gió Mặt trời, bao gồm các hạt mang điện từ Mặt trời, phần lớn được tạo ra từ các ion hydro. Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do Đại học Glasgow đứng đầu, bao gồm những người từ Trung tâm Khoa học và Công nghệ Không gian của Curtin (SSTC) đã phát hiện, gió Mặt trời có khả năng tạo ra nước trên bề mặt của các hạt bụi. Những hạt bụi này tồn tại trên các tiểu hành tinh đã đâm vào Trái đất.
Giám đốc của SSTC - Giáo sư Phil Bland cho biết, Trái đất rất giàu nước so với các hành tinh đá khác trong Hệ Mặt trời. Trong đó, các đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt của Trái đất. Song, từ lâu, các nhà khoa học đã đặt câu hỏi về nguồn nước chính xác trên Trái đất.
“Một giả thuyết hiện có là nước đã được mang đến Trái đất trong giai đoạn cuối cùng của quá trình hình thành trên các tiểu hành tinh loại C. Tuy nhiên, thử nghiệm trước đó về “dấu vân tay” đồng vị của các tiểu hành tinh này cho thấy, chúng không khớp với nước được tìm thấy trên Trái đất.
Điều đó nghĩa là, có ít nhất một nguồn nước khác chưa được phát hiện. Nghiên cứu cho thấy, gió Mặt trời đã tạo ra nước trên bề mặt của các hạt bụi nhỏ. Từ đó, có thể cung cấp phần còn lại nước trên Trái đất”, Giáo sư Bland nhận định.
Lý thuyết gió Mặt trời này dựa trên việc phân tích từng nguyên tử trong các mảnh vụn cực nhỏ của một tiểu hành tinh gần Trái đất loại S được gọi là Itokawa. Các mẫu vật trên tiểu hành tinh này đã được tàu thăm dò vũ trụ Nhật Bản Hayabusa thu thập và mang về Trái đất vào năm 2010.
“Hệ thống chụp cắt lớp thăm dò nguyên tử của chúng tôi tại Đại học Curtin cho phép có một cái nhìn cực kỳ chi tiết bên trong 50 nanomet đầu tiên hoặc hơn trên bề mặt hạt bụi của Itokawa. Chúng tôi nhận thấy, chúng chứa đủ nước. Nếu mở rộng quy mô lên, sẽ là lượng khoảng 20 lít cho mỗi mét khối đá”, ông Bland cho biết.
Theo Tiến sĩ Luke Daly thuộc Đại học Glasgow, nghiên cứu này cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn sâu sắc về nguồn nước trong quá khứ của Trái đất. Đồng thời, có thể giúp ích cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.
“Nghiên cứu cho thấy, quá trình phong hóa không gian tương tự tạo ra nước trên Itokawa có khả năng xảy ra trên các hành tinh không có không khí khác. Điều đó nghĩa là các phi hành gia có thể xử lý nguồn cung cấp nước mới từ bụi trên bề mặt hành tinh, chẳng hạn như Mặt trăng”, ông Daly chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/gio-mat-troi-nguon-nuoc-cua-trai-dat-tbT1yrp7g.html