Gió mùa tràn về, Hà Nội chấm dứt chuỗi ngày ô nhiễm không khí

Sáng 10/1, chất lượng không khí của Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tốt lên rất nhiều, có những điểm quan trắc đã chuyển từ ngưỡng tím (rất xấu) sang vàng (trung bình) hoặc xanh (tốt).

Người dân đi học, đi làm hoặc di chuyển ngoài trời phải trang bị thêm nhiều đồ giữ ấm cơ thể. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Người dân đi học, đi làm hoặc di chuyển ngoài trời phải trang bị thêm nhiều đồ giữ ấm cơ thể. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Sau chuỗi ngày ô nhiễm không khí liên tục với chỉ số chất lượng không khí (AIQ) ở mức xấu và rất xấu, sáng 10/1, chất lượng không khí của Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tốt lên rất nhiều, có những điểm quan trắc đã chuyển từ ngưỡng tím (rất xấu) sang vàng (trung bình) hoặc xanh (tốt).

Cụ thể, theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 10/1, kết quả quan trắc tại Trạm đo Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 49 – mức tốt, tương ứng với màu xanh (AIQ từ 0-49).

Tại 2 Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) và cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AIQ lần lượt là 56 và 61 – mức trung bình, tương ứng với màu vàng (AIQ từ 51 -100).

Kết quả quan trắc tại các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang cũng cho thấy chất lượng không khí được cải thiện đáng kể với màu xanh. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên sau những ngày liên tục 4 điểm quan trắc trên địa bàn luôn ở ngưỡng tím – rất xấu (AIQ từ 201 -300), sáng 10/1, tại điểm đo đường Hùng Vương, thành phố Thái Nguyên chỉ số AQI là 36; hai điểm còn lại của thành phố và một điểm ở thành phố Sông Công đều là màu vàng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bộ phận không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Từ đêm 10/1, không khí lạnh tiếp tục được tăng cường và ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ, một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau do gió lặng, không khí ẩm thấp, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra làm cho bụi mịn trong không khí không khuếch tán lên cao. Vì vậy không khí lạnh tăng cường với gió mạnh hoặc kèm theo mưa có thể rửa trôi hoặc khuếch tán bụi mịn, là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng không khí.

Để bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến chất lượng không khí qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web:https://cem.gov.vn và

https://enviinfo.cem.gov.vn.

Việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi không khí bị ô nhiễm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…

Người hút thuốc lá cần bỏ thuốc hoặc hạn chế hút, không hút thuốc trong nhà. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí.

Hoàng Vân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gio-mua-tran-ve-ha-noi-cham-dut-chuoi-ngay-o-nhiem-khong-khi/359715.html