'Gió ngược' yếu dần, tận dụng cơ hội để tạo đà tăng trưởng năm 2025

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2024 có phần tích cực, các 'cơn gió ngược' đang có dấu hiệu yếu dần đi, đặc biệt chính sách tiền tệ dần được nới lỏng. Nhờ đó, kinh tế trong nước phục hồi khá mạnh, vững chắc trong năm 2024 và có thể tận dụng cơ hội để tạo đà tăng trưởng năm tới.

Ngày 12/12 tại Ninh Thuận, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo “Thị trường tài chính Việt Nam: Triển vọng và định hướng chính sách”.

Triển vọng toàn cầu sáng dần

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước những tháng cuối năm 2024 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Báo cáo gần đây từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, áp lực lạm phát kéo dài, sự bất ổn của thị trường tài chính và những yếu tố địa chính trị phức tạp tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế.

Rủi ro hiện hữu từ xung đột địa chính trị như Nga-Ukraine, Biển Đỏ, Trung Đông; thời tiết cực đoan phức tạp, có thể tác động mạnh đến thành tựu kinh tế của nhiều quốc gia cùng xu hướng gia tăng các quy định phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu.

Những "cơn gió ngược" yếu dần, tận dụng cơ hội để tạo đà tăng trưởng năm 2025.

Những "cơn gió ngược" yếu dần, tận dụng cơ hội để tạo đà tăng trưởng năm 2025.

Đặc biệt, tình hình chính trị của nhiều nước lớn có sự thay đổi quan trọng trong năm nay, tác động đến cục diện chính trị nội bộ, dự báo sẽ có cơ hội nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy và tiềm ẩn rủi ro thay đổi chính sách trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2024 có nhiều phần tích cực nhờ khả năng thích ứng tốt của nền kinh tế Mỹ, lạm phát được kiềm chế tốt ở các nước phát triển, làn sóng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mở rộng, dẫn đầu bởi Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ), ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), BoE (Ngân hàng Trung ương Anh) thúc đẩy các hoạt động sản xuất tiêu dùng” - ông Thăng nêu rõ.

Cũng theo ông Thăng, ở trong nước, GDP 9 tháng năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 6,82% so với cùng kỳ năm trước nhờ điểm sáng của hoạt động xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF đều nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, đồng thời đề cao các hành động nhanh chóng của các cơ quan chức năng để duy trì ổn định tài chính vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bấp bênh.

Tuy vậy, Việt Nam cũng gặp tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, ước tính hết tháng 11 chỉ đạt 54,7% tổng kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) 11 tháng qua chỉ đạt con số khiêm tốn 39,06%. Các xung đột trên thế giới cũng ảnh hưởng mạnh tới thị trường hàng hóa Việt Nam.

“Sứp ép tỷ giá cũng hiện hữu rõ rệt, đặc biệt là trong hai tháng 10 và 11, thúc đẩy hoạt động bán ròng kỷ lục của các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 đạt 10,08%, vẫn thấp so với mục tiêu 15% được đặt ra từ đầu năm” - lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu rủi ro thường trực của nhiều xung đột kéo dài với các diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam sẽ luôn bị đặt vào thế rủi ro bất định nhưng cũng vì thế lại đem lại những thuận lợi nhất định đối với Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội khi dần nới lỏng chính sách tiền tệ

Nêu rõ diễn biến nổi bật trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho biết, sau giai đoạn thắt chặt, Mỹ đã giảm lãi suất 2 lần vào tháng 9 và tháng 11 nhưng mức giảm không nhiều (tương ứng 0,5 điểm% và 0,25 điểm%), đưa lãi suất điều hành của Mỹ xuống mức 4,5-4,75%.

Dự báo Mỹ có thể tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025 nhưng tiến độ sẽ chậm lại so với dự kiến ban đầu. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng có xu hướng giảm lãi suất.

Trong nước, tăng trưởng tín dụng đạt 12% tính đến cuối tháng 11/2024; tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng cao hơn so với mức tăng chung. "Tín dụng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế; mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí đi vay, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - ông Hà nhận định.

Hội thảo thu hút nhiều diễn giả trong và ngoài nhằm đánh giá tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu năm 2025 đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Hội thảo thu hút nhiều diễn giả trong và ngoài nhằm đánh giá tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu năm 2025 đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho biết, tác động của ba "cơn gió ngược" từ kinh tế thế giới dần yếu đi do lạm phát có xu hướng chững lại và bắt đầu giảm tương đối rõ nét; mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ dần được nới lỏng cùng mức độ suy giảm, suy thoái tăng trưởng kinh tế đã giảm nhẹ.

"Kinh tế Việt Nam phục hồi khá mạnh, vững chắc trong năm 2024. Các yếu tố bên ngoài tác động bao gồm ba cơn gió ngược yếu đi, một phần thành cơn gió xuôi và các cơn gió xuôi khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng" - ông Sang đánh giá.

Vì vậy, lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội khi các cơn gió ngược ngày càng yếu, tạo đà, đẩy một số cơn gió bắt đầu chuyển từ ngược sang xuôi để thúc đẩy tăng trưởng thông qua các công cụ chính sách và nguồn lực. Nắm bắt, tận dụng cơ hội và khai thác tối đa từ ba cơn gió xuôi đó là: các hiệp định thương mại tự do, tình hình thương chiến và tận dụng địa kinh tế.

Về thách thức, theo ông Sang, chúng ta cần nhận thức rõ để giảm thiểu tác động bất lợi từ Trung Quốc liên quan dến cơn lốc hàng giá rẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng; hay tính đến đầy đủ tác động của kinh tế số và tài chính số và thương mại số...

Chỉ rõ một số rủi ro khác, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, cần cần lưu ý về yếu tố “bất định” trong chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nợ công toàn cầu tăng mạnh; thị trường tài sản tăng mạnh như bất động sản, vàng, coins… Ngoài ra, nợ xấu nói chung và nợ xấu cho vay bất động sản nói riêng có xu hướng tăng trong khi khả năng bao phủ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng suy giảm.

Ông Jung Jae Woo - Phó Giám đốc Văn phòng KOICA Việt Nam cho rằng, Việt Nam không chỉ đơn thuần là một nước hưởng lợi từ thị trường tài chính toàn cầu mà đang nổi lên như một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đổi mới, ổn định trong khu vực và thế giới. Việc phát hiện sớm những khó khăn tài chính trong nền kinh tế quốc gia và chuẩn bị các biện pháp đối phó là cực kỳ quan trọng.

Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do KOICA tài trợ sẽ giúp Việt Nam phát triển năng lực cốt lõi trong phát hiện khủng hoảng trong nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, dự báo xu hướng và chuẩn bị các biện pháp ứng phó.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gio-nguoc-yeu-dan-tan-dung-co-hoi-de-tao-da-tang-truong-nam-2025-166257.html