Giỗ Tổ Hùng Vương trong mạch nguồn văn hóa Việt Nam

Từ ngàn đời nay, đối với mỗi người dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo. Từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người con đất Việt đều hướng về tổ tiên, nguồn cội, hướng tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng mang những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Ảnh: Tiêu Dao

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng mang những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Ảnh: Tiêu Dao

Niềm tin cho cội nguồn xứ sở

Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc. Bên cạnh đó, nói đến Giỗ Tổ là nói đến Giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng cũng là nhớ đến các Tổ Phụ, Tổ Mẫu thời khai quốc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là biểu hiện cụ thể nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện sự gắn bó của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc, điều đó làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam.

Trải qua nhiều năm, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc được tổ chức theo nghi thức quốc gia. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Từ bao đời nay, Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ là nơi thực hành các nghi lễ trang nghiêm thờ cúng các Vua Hùng. Ngoài ra, còn có hàng trăm đình, đền, miếu... nơi người dân thành kính thờ cúng các Vua Hùng và các tướng lĩnh ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đặc biệt là cộng đồng người Việt ta ở nhiều nước trên thế giới cũng luôn luôn thành kính thờ cúng Quốc Tổ như một gắn kết thiêng liêng với tổ tông, với quê hương. Xây dựng Đền thờ Vua Hùng ở nhiều nơi không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Một dân tộc Việt văn minh là nguyên nhân và mục đích của mọi đường lối phục hưng đất nước bằng con đường khơi lại lòng tự tin dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan.

Hiện nay, theo thống kê, trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam, với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian.

Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từ Đền Hùng - Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nơi hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “Đồng bào”, nơi thể hiện nghi thức về nguồn cội của hàng triệu triệu người dân đất Việt đã có sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước.

Những không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự lưu truyền và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng là minh chứng cụ thể và sinh động, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cũng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt Nam, gắn với thờ cúng Tổ tiên là một biểu hiện nhất quán của văn hóa truyền thống dân tộc, được xem như một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam.

“Sợi chỉ đỏ” cho văn hóa Việt

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng mang những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc đã được minh chứng qua các chứng cứ sử học, khảo cổ học, dân tộc học... kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác để trở thành những nhận thức và tâm thức liên quan cội nguồn lịch sử lâu dài hàng ngàn năm của người Việt Nam, hàm chứa cả những giá trị truyền thống cốt lõi của cả dân tộc như: Truyền thống nhân văn - thượng võ, với tinh thần kiên cường, bất khuất đấu tranh trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược vì lý tưởng “độc lập, tự do và bác ái”; truyền thống thủy chung theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”…

Những truyền thống đó đã được phản ánh và nhân lên từ hiện thực lịch sử để phát triển trong tâm thức, trở thành ý thức và hành động theo những đạo lý sống tốt đẹp của dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, là nhân tố tạo nên bản lĩnh của sức mạnh Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại. UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2012.

Đến ngày Giỗ Tổ, hàng ngàn người con đất Việt lại tìm về đất Tổ để tỏ bày lòng thành kính. Ảnh: Tiêu Dao

Đến ngày Giỗ Tổ, hàng ngàn người con đất Việt lại tìm về đất Tổ để tỏ bày lòng thành kính. Ảnh: Tiêu Dao

Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt ta; là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đồng thời, đây là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng và mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Trong đời sống đương đại hiện nay, Giỗ tổ Hùng Vương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là mạch nguồn tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Đây cũng là môi trường hội tụ bản sắc sáng tạo văn hóa, hội tụ các thành tố văn hóa, bồi đắp niềm tin. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ. Sự lôi cuốn ấy không chỉ ở số lượng người tham gia trực tiếp tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, mà còn khích lệ cộng đồng người Việt tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới có người Việt sinh sống.

Cùng với đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lễ hội dân gian tại các di tích ấy đã tạo thành hệ thống di sản vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Giá trị của tín ngưỡng luôn được bảo tồn, phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống của người Việt và được trao truyền, thực hành từ thế hệ này sang thế hệ khác để trường tồn và lan tỏa cùng sự phát triển của dân tộc, đoàn kết vươn lên, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt và quốc gia dân tộc.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gio-to-hung-vuong-trong-mach-nguon-van-hoa-viet-nam-post460831.html