Giỗ Tổ sân khấu Việt Nam: Từ ngôi nhà tương tế đến mái chùa nghệ sĩ
Sáng 25.9.2023, nhằm ngày 11.8 âm lịch, tại Nhà truyền thống sân khấu số 133 đường Cô Bắc, Q.1, TP.HCM đã diễn ra buổi cúng Giỗ Tổ sân khấu Việt Nam rất trang trọng với sự tham dự của giới nghệ sĩ và lãnh đạo ngành văn hóa tại TP.HCM.
Theo truyền thống, ngày Giỗ Tổ sân khấu được giới nghệ sĩ hát bội và cải lương cúng vào hai ngày 11 và 12.8 âm lịch hằng năm. Tại TP.HCM, địa điểm cúng chính được chọn mừng Tổ là Nhà truyền thống sân khấu thành phố tại địa chỉ 133 đường Cô Bắc, Q.1. Theo thời gian, nghi thức cúng tổ đã được lan rộng ra đến lĩnh vực kịch nói, ca nhạc, và về sau cả giới điện ảnh. Từ đó, Nhà nước đã quyết định chọn ngày 12.8 âm lịch là ngày Giỗ Tổ sân khấu Việt Nam
Riêng tại TP.HCM, ngày Giỗ Tổ sân khấu Việt Nam được tổ chức nhộn nhịp ở rất nhiều nhiều địa điểm. Dù vậy, Nhà truyền thống sân khấu đường Cô Bắc, Q.1 vẫn được xem là tổ đình của nghệ sĩ phía Nam và lễ cúng ở đây được xem là lễ cúng chính thức.
Nói về lễ cúng này, NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết: “Nhà truyền thống sân khấu được thành lập từ năm 1948. Lúc ấy, nơi này là trụ sở của Hội ái hữu nghệ sĩ tương tế, cái tên nói lên ý nghĩa rằng đây là mái ấm tình thương dành cho nghệ sĩ nghèo, khó khăn. Những thành viên đầu tiên góp sức thành lập ngôi nhà này gồm thành phần doanh nhân, trí thức trong đó những cái tên tiêu biểu không thể quên đó là má bảy Phùng Há, má Bảy Nam, soạn giả Năm Châu, soạn giả Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Tư Chơi, nghệ sĩ Huỳnh Văn Nhiêu. Ngoài việc cưu mang nghệ sĩ nghèo khó, nơi đây được xem là biểu tượng của tinh thần khát khao bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Giờ đây, trong vai trò là Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, tôi đại diện tất cả anh chị em nghệ sĩ đi theo con đường ấy. Đó là tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chăm lo cho nghệ sĩ nghèo khó, bệnh tật. Vào ngày 11.8 âm lịch hằng năm, chúng tôi góp sức tổ chức buổi cúng tổ ấm cúng thu hút được nhiều nghệ sĩ gạo cội có mặt để tri ân tổ nghiệp”.
Ngoài Nhà truyền thống sân khấu, một địa điểm khác mang giá trị tinh thần rất lớn đối với người nghệ sĩ phía nam chính là Chùa nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự) tọa lạc tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Vào năm 1958, NSND Phùng Há đã vận động Hội ái hữu nghệ sĩ tương tế mua một miếng đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương, có diện tích hơn 6.000 m2. Đến năm 1969, bầu Năm Công xin nghệ sĩ Phùng Há dựng một cái am tu hành trong mảnh đất này. Ít năm sau, ông bầu Xuân bỏ số tiền rất lớn để biến cái am nhỏ thành một ngôi chùa theo nghi thức Phật giáo, và diện tích đất rộng lớn phía sau chùa được dùng làm nghĩa trang chôn cất nghệ sĩ và gia đình nghệ sĩ. Kể từ đó, vào ngày giỗ tổ 11, 12.8 âm lịch, nơi này cũng được tổ chức cúng giỗ tổ rất trang nghiêm. Nghi thức này được duy trì cho đến ngày nay và thu hút được nhiều nghệ sĩ đến gửi lòng tri ân của mình đến tổ nghiệp.
Buổi lễ cúng tổ vào sáng nay 11.8 âm lịch, tại Nhà truyền thống sân khấu được thực hiện theo nghi thức hát bội truyền thống uy nghiêm và đẹp mắt. Buổi lễ có mặt nhiều lãnh đạo ngành văn hóa và nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Vi, NSND Mạnh Dung, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Cát Tường, NSƯT Vân Anh, MC Quyền Linh cùng hàng trăm diễn viên trẻ khác. Đặc biệt, có sự xuất hiện của một nghệ sĩ hài độc thoại người Úc tên Pierre Sinel.
Anh cho biết: “Tôi nghĩ rằng có lẽ không có nơi nào trên thế giới này, ngoài Việt Nam, ngành sân khấu có một lễ giỗ tổ đầy ý nghĩa thế này. Nhìn thấy khung cảnh này, tôi thực sự xúc động trước tấm lòng của nghệ sĩ còn sống dành cho những nghệ sĩ đã qua đời, cũng như sự trân trọng với khái niệm tổ nghiệp”.
Danh hài Trung Dân là một trong những người rất xem trọng ngày giỗ Tổ. Trong suốt hơn gần 30 năm làm nghề, từ khi còn vô danh đến lúc trở thành một tên tuổi lớn, anh luôn cúng tổ một cách nghiêm cẩn.
Anh bộc bạch: “Ngày 11, 12.8 âm lịch là ngày hội của người làm sân khấu, ngày vía ngày tổ của bậc tiền bối đi trước trong quá khứ góp sức tạo nên nền tảng của sân khấu Nam Bộ. Vào dịp này, tôi tổ chức cúng ở nhà để anh em nghệ sĩ thân quen đến góp vui, qua đó, tôi muốn các con tôi thấy tinh thần tri ân tổ nghiệp của tôi với cái nghề mà tôi đã nuôi sống, dạy dỗ chúng trưởng thành. Chính vì vậy, các con tôi cũng hiểu được phần nào về ý nghĩa tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của người nghệ sĩ Việt Nam. Sau nghi thức cúng tại nhà, tôi đến Nhà truyền thống sân khấu để thắp hương tưởng niệm để ôn lại ký ức của thế hệ nghệ sĩ tiền bối. Xong rồi, tôi đến Chùa nghệ sĩ tiếp tục thắp hương cúng tổ và ra nghĩa trang tâm sự với các nghệ sĩ cha chú cũng như đàn anh, đồng lứa và đàn em đang yên nghỉ tại đây. Tôi nghĩ rằng trong ngày này anh linh của các đồng nghiệp qua đời cũng rất háo hức nên tôi đến để chia vui cùng họ”.
Lễ cúng Tổ tiếp tục diễn ra vào hai ngày 12, 13.8 âm lịch nhằm ngày 26, 27.9 tại tất cả các sân khấu, hãng phim. Thậm chí có những nghệ sĩ đang làm việc dở dang ở các tỉnh thành xa Sài Gòn cũng tự tổ chức ngay nơi họ đang có mặt. Buổi lễ nào cũng có ý nghĩa như nhau.