Giờ trái đất 2024: Lan tỏa thông điệp 'Tiết kiệm điện thành thói quen'

Sự kiện 'Giờ trái đất' sẽ tạo thói quen tiết kiệm điện, xây dựng thế giới xanh hơn. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Lễ phát động Giờ Trái đất năm 2024 do Sở Công Thương phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) tổ chức tối 23/3.

Tiết kiệm điện- Thành thói quen

Giờ Trái đất là một sự kiện quốc tế hàng năm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng từ năm 2007 nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 60 phút (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm).

Thông tin từ Ban tổ chức cho thấy, trước đây, logo của chương trình được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là số phút kêu gọi tắt điện. Gần đây, logo của Giờ Trái Đất được thêm dấu “+” sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế.

Thông qua hoạt động này người tiêu dùng tiết kiệm điện năng, làm giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. 60 phút tắt đèn điện cũng là một hành động đơn giản mang tính biểu trưng để nhắc nhở cộng đồng và cá nhân hãy quan tâm và hành động để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Các đại biểu nhấn nút khai mạc Giờ trái đất 2024. Ảnh: Hoài Nam

Các đại biểu nhấn nút khai mạc Giờ trái đất 2024. Ảnh: Hoài Nam

Với ý nghĩa trên, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên phát động với chủ đề “Tiết kiệm điện- Thành thói quen”. Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 thực hiện Chỉ thị 20 CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thời gian qua chiến dịch Giờ Trái đất được lan tỏa rộng khắp tới khắp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cộng động dân cư, hộ gia đình và mỗi công dân Thủ đô không chỉ thực hiện trong 60 phút tắt điện mà cả 365 ngày trong năm.

“Thông qua hoạt động này, ngành công thương Hà Nội mong muốn tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên TP Hà Nội chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”- ông Thắng nhấn mạnh.

Các đơn vị kinh doanh trên phố Tràng Tiền tắt bớt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất. Ảnh: Hoài Nam

Các đơn vị kinh doanh trên phố Tràng Tiền tắt bớt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất. Ảnh: Hoài Nam

Theo Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam chính thức tham gia Giờ Trái đất từ năm 2009 và TP Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai các hoạt động hưởng ứng sự kiện này.

Từ đó đến nay, TP đã liên tục hưởng ứng và tổ chức sự kiện trên địa bàn, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh đẹp về Hà Nội khẳng định vị thế “Thành phố Vì hòa bình” đối với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tắt đèn để bật tương lai

Đúng 20 giờ 30 phút, khi Chiến dịch Giờ Trái đất chính thức bắt đầu, một loạt các con phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đồng loạt tắt đèn. Nhiều hộ gia đình, các cửa hàng kinh doanh gần đó cũng hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực. Tại hầu hết các quán cà phê, kinh doanh đồ lưu niệm trên phố Đinh Tiên Hoàng đều đồng loạt tắt toàn bộ hệ thống đèn điện, thay vào đó là những ngọn nến lung linh.

Ngay gần đó, khách sạn Metropole Hà Nội trên phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm) cũng đồng loạt “giảm ánh sáng” để cùng “bật tương lai” cho Trái đất. Những dãy bàn phía bên ngoài chỉ còn duy nhất một ngọn nến bừng lên. Một bữa tiệc sinh nhật bên trong cũng “leo lét” một vài ngọn đèn ấm cúng.

Khách du lịch hòa mình vào chiến dịch Giờ Trái đất tiết kiệm điện trên phố Đinh Tiên Hoàng tối 23/3. Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch hòa mình vào chiến dịch Giờ Trái đất tiết kiệm điện trên phố Đinh Tiên Hoàng tối 23/3. Ảnh: Hoài Nam

Nhân viên phục vụ tại khách sạn cho biết, từ vài ngày qua, các nhân viên khách sạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Giờ Trái đất 2024. "Chúng tôi đã chia nhau đi mua nến, đồng thời vận động bạn bè cùng tham gia vào sự kiện ý nghĩa này ở quy mô gia đình"- nhân viên một khách sạn trên phố Hai Bà Trưng cho hay.

Ngồi thưởng thức ly cà phê trên không gian đi bộ Hoàn Kiếm, anh Hoàng Nam nhà ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) hào hứng chia sẻ, tôi và nhóm bạn đã biết đến sự kiện này từ nhiều ngày qua. Hôm nay, cả nhóm rủ nhau lên phố đi bộ Hoàn Kiếm để thưởng thức cà phê đồng thời hòa mình vào chiến dịch Giờ Trái đất tiết kiệm điện năng.

Nhằm kêu gọi người dân tiết kiệm điện trong sự kiện Giờ Trái đất, ngay trong sáng 23/3, quận Đống Đa đã tổ chức Lễ diễu hành hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024 với chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, thống kê từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, cả nước đã tiết kiệm được 298.000 kWh. Riêng tại TP Hà Nội, trong 1 giờ tắt đèn đã tiết kiệm được 34.278 kWh, chiếm 11,5% cả nước.

Hưởng ứng Giờ Trái đất, các doanh nghiệp kinh doanh trên phố Tràng Tiền tắt bớt hệ thống ánh sáng. Ảnh: Hoài Nam

Hưởng ứng Giờ Trái đất, các doanh nghiệp kinh doanh trên phố Tràng Tiền tắt bớt hệ thống ánh sáng. Ảnh: Hoài Nam

Năm 2024, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hệ thống điện miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm nắng nóng, đặc biệt có thể xuất hiện tình trạng công suất thiếu (khoảng 420 - 1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

Việc tổ chức sự kiện Giờ trái đất tuy sản lượng điện tiết kiệm không nhiều nhưng trên hết sự kiện này hướng tới sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trườngvhiệu quả là biện pháp đặc biệt có ý nghĩa.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gio-trai-dat-2024-lan-toa-thong-diep-tiet-kiem-dien-thanh-thoi-quen.html