Gio Việt xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Triển khai hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được xã Gio Việt, huyện Gio Linh xem là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống và mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm bền chặt, góp phần điều chỉnh các vấn đề xã hội tại cộng đồng, tăng cường đoàn kết thống nhất, tương thân, tương ái, thể hiện nếp sống văn minh tiến bộ, đúng pháp luật, gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Xã Gio Việt đã có nhiều khởi sắc từ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội - Ảnh: H.A

Xã Gio Việt đã có nhiều khởi sắc từ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội - Ảnh: H.A

Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn. Đặc biệt là cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 27- CT/TW vào các điều khoản trong hương ước, quy ước xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở địa phương đồng tình cao thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ông Hoàng Quốc Lân, Phó Bí thư Chi bộ thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt cho hay: “Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, thôn Xuân Lộc đã nghiêm túc triển khai thực hiện, có nhiều đổi mới, sáng tạo trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của thôn. Cán bộ và Nhân dân thôn Xuân Lộc đã thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nâng cao ý thức của mỗi người dân, gia đình để chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của thôn; từng bước thúc đẩy phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa phát triển”.

Điểm nổi bật trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xã Gio Việt đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Trong việc cưới, trước đây có một số nghi lễ, lễ vật khá phức tạp, rườm rà, tổ chức hội, tiệc trước ngày cưới vào ban đêm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và an ninh, trật tự nông thôn.

Với việc triển khai nhiều quy định mới, trong đó có sự cam kết của người dân địa phương về thực hiện Chỉ thị 27- CT/TW, đến nay các thủ tục không cần thiết dần được bãi bỏ; nhiều đám cưới tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, khách mời dự tiệc cưới chủ yếu là những người trong họ tộc và bạn bè thân thiết, các nghi lễ phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương và điều kiện của mỗi gia đình; nghi lễ đều được gia đình hai bên tổ chức đơn giản, gọn nhẹ các thủ tục, không phô trương, rườm rà, không đòi hỏi sính lễ... Về việc tổ chức lễ tang, phúng viếng đảm bảo trang trọng và thành kính, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc.

Đối với việc tang, sau khi chết không quá 10 giờ, người chết phải được khâm liệm và không quá 48 giờ phải tiến hành chôn cất; người mắc bệnh truyền nhiễm thì phải khâm liệm, chôn cất trước 24 giờ sau khi chết. Hầu hết trên địa bàn người đến viếng người mất và chia buồn cùng với gia đình tang quyến không ở lại ăn uống như trước mà chỉ mời trầu, uống nước rồi ra về. Đội âm công được thôn, làng cắt cử để đưa linh cữu về nơi an nghỉ, thi hài người chết được khâm liệm, chôn cất chu đáo đúng nơi quy định, đúng pháp luật. Những năm qua công tác quản lý, chỉ đạo lễ hội trên địa bàn xã được tăng cường chặt chẽ và được xã hội hóa ngày càng cao.

Nhìn chung, các lễ hội đều thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước, không tổ chức dài ngày, luôn diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, tôn vinh những giá trị của lịch sử, văn hóa truyền thống, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho Nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Gio Việt Lê Ánh Hùng cho biết, hiện nay xã có 5/5 thôn và 2/2 trường học được công nhận thôn, đơn vị văn hóa, trong đó có 2 thôn Xuân Lộc, Xuân Tiến được công nhận là thôn văn hóa cấp tỉnh; có 1.278/1.324 hộ gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 96,4%. Đời sống của người dân không ngừng nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 40 triệu đồng/ năm. Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của xã Gio Việt được nhiều địa phương trong, ngoài huyện vận dụng làm theo.

Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân duy trì, giữ vững những thành quả đạt được, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tạo nền tảng để xã Gio Việt phát triển ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.

Hoài An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=168272&title=gio-viet-xay-dung-nep-song-van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-va-le-hoi