Giới chính trị và chuyên gia Nga đánh giá về cuộc tập trận hạt nhân mới của NATO

Cuộc tập trận này không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự của NATO mà còn là một phần trong chiến lược đối phó với Nga. Động thái này cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa NATO và Nga.

Cuộc tập trận của NATO bao gồm các máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh: NATO.int

Cuộc tập trận của NATO bao gồm các máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh: NATO.int

Theo trang web chính thức của NATO (nato.int), Liên minh quân sự này đang tiến hành cuộc tập trận hạt nhân thường niên mang tên “Steadfast Noon”, bắt đầu từ ngày 14/2024, với sự tham gia của hơn 60 máy bay trong các hoạt động huấn luyện trên lãnh thổ Tây Âu. Cuộc tập trận kéo dài trong 2 tuần và bao gồm các máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ, tuy nhiên không có vũ khí thực nào được sử dụng.

Steadfast Noon còn có sự tham gia của khoảng 2.000 quân nhân từ 8 căn cứ không quân và nhiều loại máy bay, bao gồm máy bay ném bom, máy bay hộ tống, máy bay tiếp nhiên liệu cùng với máy bay trinh sát và tác chiến điện tử. Năm nay, các hoạt động trong khuôn khổ Steadfast Noon chủ yếu diễn ra ở không phận Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Vương quốc Anh và Biển Bắc.

Theo Tổng thư ký NATO Mark Rutte, răn đe hạt nhân là nền tảng của an ninh của Liên minh. Theo đó, "Steadfast Noon" là một bài tập quan trọng nhằm kiểm tra khả năng răn đe hạt nhân, gửi đi thông điệp rõ ràng tới bất kỳ đối thủ nào rằng NATO sẽ bảo vệ tất cả các thành viên.

Cuộc tập trận hạt nhân trên của NATO đã thu hút sự chú ý của giới phân tích và chính trị gia Nga. Theo các chuyên gia được phỏng vấn bởi tờ Izvestia (Nga) ngày 15/10, động thái này của NATO không chỉ mang tính biểu tượng mà còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Moskva về sức mạnh quân sự của khối.

Việc tổ chức cuộc tập trận gần biên giới Nga cho thấy NATO đang tìm cách khẳng định vị thế quân sự của mình trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng. Alexey Zhuravlyov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), chỉ ra rằng cuộc tập trận có sự tham gia của Phần Lan, một quốc gia đã duy trì chính sách trung lập trong hơn 50 năm. Việc Phần Lan tham gia cuộc tập trận lần này có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ của nước này, làm gia tăng nguy cơ từ phía Tây Bắc đối với Nga. "Mối đe dọa về một cuộc tấn công từ Phần Lan sẽ tăng lên đáng kể", ông Zhuravlyov nói.

Về phần mình, Konstantin Blokhin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng các cuộc tập trận của NATO không chỉ đơn thuần là một hành động quân sự. Chúng nên được xem như một phần trong chính sách của khối nhằm thể hiện năng lực hạt nhân với Nga. "Rõ ràng là phương Tây đang cố gắng tăng 'tỷ lệ đặt cược' trong cuộc chơi này", chuyên gia Blokhin bình luận. Ông Blokhin cũng cho rằng phương Tây đang tìm cách thể hiện họ sẵn sàng làm điều không tưởng, thậm chí là phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn, để bảo vệ Ukraine.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Dmitry Kornev nhận định khu vực tổ chức cuộc tập trận đã được lựa chọn một cách cẩn thận nhằm thể hiện sức mạnh của NATO. "Cả Nga và phương Tây luôn có xu hướng phản ứng với các sự kiện nghiêm trọng từ phía đối thủ", ông Kornev nêu rõ, đồng thời tiết lộ rằng lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga cũng dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận vào cuối tháng 10 này, nhằm gửi đi tín hiệu phản ứng trước các hành động của NATO.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo NATO.int/TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tap-tran-dien-tap/gioi-chinh-tri-va-chuyen-gia-nga-danh-gia-ve-cuoc-tap-tran-hat-nhan-moi-cua-nato-20241016154536709.htm