Giới chức Đức: Các trường hợp tử vong không liên quan tới vắcxin

Ảnh minh họa - Nguồn: ndr.de

Theo trang tin NDR ngày 14/1, Viện Paul-Ehrlich (PEI) ở Langen (bang Hessen) đang điều tra 10 trường hợp tử vong trên toàn nước Đức không lâu sau khi được tiêm chủng vắcxin BioNTech/Pfizer, trong đó có trường hợp một cụ bà 90 tuổi ở thị trấn Weyhe, huyện Diepholz, bang Niedersachsen.

Viện Paul-Ehrlich cho rằng khó có thể có sự liên quan giữa việc tiêm chủng với cái chết của các trường hợp liên quan.

Một số trong các trường hợp tử vong trong vòng 4 ngày sau khi được tiêm chủng này được cho là đã mắc các bệnh nền nghiêm trọng, một số khác thì được chăm sóc giảm nhẹ nhằm giảm bớt đau đớn.

"Trên cơ sở các dữ liệu mà chúng tôi có, chúng tôi cho rằng các bệnh nhân tử vong do mắc các bệnh nền và sự liên quan là tình cờ trùng thời điểm với tiêm chủng mà thôi", bà Brigitte Keller-Stanislawski, Trưởng ban An toàn dược phẩm và thiết bị y tế của PEI phát biểu tại một cuộc họp báo.

Trường hợp tử vong ở Weyhe xảy ra tại một viện dưỡng lão khi một nhóm tiêm chủng lưu động đã tiêm vắcxin cho bà cụ.

Sau khi được tiêm, cụ bà vẫn khỏe mạnh và còn gọi điện thoại nói chuyện với người thân, nhưng chỉ sau khi tiêm khoảng 1 tiếng, cụ bà đã đột tử bất chấp đã được hồi sức ngay lập tức.

Cho đến nay, Đức đã tiêm chủng mũi thứ nhất cho trên 800.000 người. Viện Paul-Ehrlich cũng đã nghi nhận 325 trường hợp được tiêm nghi có 913 biểu hiện tác dụng phụ, trong số này 51 trường hợp bệnh nhân có các bệnh nền nghiêm trọng. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là nhức đầu, đau vùng được tiêm, mệt mỏi và đau nhức chân tay.

Viện dịch tễ Robert Koch ngày 15/1 thông báo trong 24 giờ qua nước Đức đã có thêm trên 22.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch lên trên 2 triệu ca. Bên cạnh đó, trong ngày cũng ghi nhân có thêm 1.133 ca tử vong đưa tổng số ca tử vong đến nay lên 44.994 ca.

Trong diễn biến khác, mới đây, Na Uy đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Theo Sputnik (Nga), những trường hợp tử vong này đều được ghi nhận là những người cao tuổi, có sức khỏe yếu. Điều này đã khiến Cơ quan Dược phẩm Na Uy kêu gọi nên cân nhắc việc có nên tiêm vắcxin cho những người già yếu trước tiên hay không, mặc dù trước đó họ tuyên bố rằng loại vắcxin này có “rất ít rủi ro”.

Bốn ngày trước đêm Giao thừa, Na Uy đã bắt đầu triển khai tiêm vắcxin Pfizer/BioNTech ngừa bệnh COVID-19 cho người dân nước này. Ông Svein Andersen (67 tuổi), sống tại viện dưỡng lão Ellingsrudhjemmet, đã trở thành người Na Uy đầu tiên thực hiện tiêm chủng. Trên 33.000 người Na Uy cũng đã được tiêm loại vắcxin này trong những tuần sau đó.

Trước đó, các chuyên gia cho biết vắcxin có thể gây ra các tác dụng phụ với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Cơ quan Dược phẩm Na Uy đã lập bản đồ những trường hợp gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vắcxin từng xảy ra ở quốc gia này. Tổng cộng có 29 tác dụng phụ được ghi nhận với tỉ lệ tử vong đáng báo động.

“Trong số các trường hợp này, đã có 13 ca tử vong, 9 trường hợp gặp tác dụng phụ nghiêm trọng và 7 trường hợp gặp tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn”, Giám đốc y tế của Cơ quan Dược phẩm Na Uy Steinar Madsen nói với đài truyền hình quốc gia NRK.

Cơ quan Dược phẩm Na Uy báo cáo có tổng số 23 trường hợp tử vong liên quan đến việc tiêm vắcxin. Tuy nhiên, chỉ có 13 người trong số này được điều tra cho đến nay. Tất cả các trường hợp tử vong được điều tra đều là những bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe yếu và sinh sống trong viện dưỡng lão. Tất cả những người tử vong đều trên 80 tuổi và một số người thậm chí đã trên 90 tuổi.

“Dường như một số bệnh nhân đã gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng dưới dạng sốt, khó chịu đến mức có thể dẫn đến một căn bệnh rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong”, ông Madsen nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng những trường hợp này rất hiếm và đã có hàng nghìn người cao tuổi già yếu được tiêm vắcxin mà không có trường hợp tử vong nào. Những bệnh nhân già yếu đã tử vong đều là bệnh nhân mắc bệnh tim nặng, sa sút trí tuệ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nghiêm trọng khác.

Tuy nhiên, ông Madsen cho biết các ca tử vong này không thuộc thẩm quyền của ông và ông không lo lắng về mức độ tác dụng phụ đã được ghi nhận cho đến nay. “Chúng tôi không lo lắng về điều này. Rõ ràng là những loại vắcxin này có rất ít rủi ro, chỉ một số ít trường hợp bệnh nhân yếu nhất đã tử vong”, ông Madsen nói.

Cho đến ngày 15/1, Pfizer và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đang điều tra cái chết của một bác sĩ đã tử vong sau khi tiêm vắcxin Pfizer. Bác sĩ 56 tuổi, làm việc tại Trung tâm Y tế Mount Sinai ở Miami, tử vong do mắc phải chứng rối loạn máu nghiêm trọng bất thường 16 ngày sau khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Trong diễn biến khác, một liên minh các công ty công nghệ và các tổ chức y tế có tiếng trên thế giới đã công bố Sáng kiến cấp giấy chứng nhận vắcxin (VCI), theo đó người được cấp chứng nhận này có thể sử dụng điện thoại thông minh để chứng thực việc bản thân đã được tiêm vắcxin ngừa bệnh này. Tham gia sáng kiến VCI có Mayo Clinic, Microsoft, Oracle và Salesforce.

Trong thông báo ngày 14/1, các công ty này cho biết họ đang tìm cách cho ra mắt chứng nhận kỹ thuật số hay còn được gọi là "hộ chiếu vắcxin", một cách thức để hỗ trợ mọi người khôi phục trạng thái bình thường hóa đi làm, đi học, tham sự các sự kiện và đi du lịch.

Liên minh này cho biết nhóm sẽ nâng cấp các tiêu chuẩn những bản sao kỹ thuật số được mã hóa giấy chứng nhận tiêm vắcxin để nó có thể được lưu trữ trong ví điện tử.

Theo ông Paul Meyer thuộc The Commons Project Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận tham gia thực hiện sáng kiến cho biết, mục tiêu của sáng kiến là trao quyền cho các cá nhân tiếp cận hồ sơ tiêm chủng kỹ thuật số của họ.

Ông bày tỏ mong muốn nỗ lực của của liên minh sẽ hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức toàn cầu khác triển khai và mở rộng các tiêu chuẩn toàn cầu về tương tác dữ liệu y tế.

VCI được công bố trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vắcxin được triển khai trên toàn cầu, dự kiến trong suốt cả năm 2021. Đề xuất được đưa ra khi người dân ủng hộ việc sử dụng điện thoại thông minh để theo vết COVID-19, song cũng tồn tại những lo ngại công cụ này có thể được sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát.

H.N (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251222/gioi-chuc-duc--cac-truong-hop-tu-vong-khong-lien-quan-toi-vacxin.html