Giới chức Iraq xúc tiến việc trục xuất binh sĩ nước ngoài
Binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ được tăng cường bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, Iraq, sau khi người biểu tình đốt phá khu vực này, ngày 2/1/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Reuters, trong cuộc điện đàm ngày 5/1 với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi nói rằng giới chức nước này hiện đang nỗ lực thực thi nghị quyết của Quốc hội Iraq nhằm trục xuất binh sĩ nước ngoài khỏi quốc gia Trung Đông này.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Iraq nêu rõ: "Thủ tướng đã nói rằng các quan chức Iraq hữu quan tại nhiều cơ quan chính phủ đang chuẩn bị một thông báo nội bộ phác thảo những bước đi thủ tục và pháp lý cần thiết để thực thi nghị quyết của Quốc hội về việc rút binh sĩ nước ngoài”.
Theo tuyên bố, ông Le Drian cũng chuyển thông điệp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị có thêm thời gian để thảo luận về sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq trong tương lai theo cách tôn trọng chủ quyền nước này.
Cùng ngày 5/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo trừng phạt Iraq sau khi Quốc hội nước này yêu cầu binh sĩ Mỹ rút khỏi lãnh thổ Iraq. Phát biểu với báo giới, ông Trump khẳng định nếu binh sĩ Mỹ tại Iraq về nước, Baghdad sẽ phải trả cho Washington toàn bộ chi phí của căn cứ không quân. Ông Trump nhấn mạnh: "Mỹ có một căn cứ quân sự rất đắt đỏ tại (Iraq). Chúng tôi sẽ không rời đi trừ phi họ thanh toán cho chúng tôi”.
Tổng thống Mỹ cho biết nếu Iraq đề nghị các lực lượng Mỹ về nước và quyết định này được đưa ra không trên cơ sở thân thiện, Mỹ sẽ áp dụng "các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy" chống Iraq, thậm chí nghiêm ngặt hơn các trừng phạt mà Iran đang phải đối mặt.
Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi Quốc hội Iraq cùng ngày thông qua một nghị quyết, trong đó nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng quân đội nước ngoài không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì.
Trong khi đó, quân đội Iraq cho biết tối 5/1, ít nhất ba quả rocket Katyusha đã rơi vào thủ đô Baghdad, hai trong số đó rơi bên trong Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt ở trung tâm thủ đô, khu vực đặt nhiều trụ sở cơ quan chính phủ và các phái bộ nước ngoài ở Iraq, trong đó có Đại sứ quán Mỹ. Hiện chưa có thông tin về thương vong.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh gần đây có rất nhiều vụ tấn công tại Iraq nhằm phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài, cũng như cuộc không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế ở Baghdad khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Qasem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini thiệt mạng.
Trong diễn biến mới nhất, cùng ngày 5/1, Quốc hội Iraq đã thông qua một nghị quyết nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng quân đội nước ngoài không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì.
Trong diễn biến khác, theo Yonhap, ngày 6/1, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng tải thông tin đầu tiên về vụ giết hại một quan chức quân sự Iran gần đây của Mỹ, trong khi một cơ quan thông tin tuyền truyền khác trước đó một ngày cho rằng Trung Đông có thể trở thành một "nghĩa địa" dành cho Mỹ.
Hãng tin chính thức của Triều Tiên cho biết tướng Iran Qasem Soleimani đã thiệt mạng trong một vụ không kích do Mỹ tiến hành nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) vào sáng 3/1 và Trung Quốc cũng như Nga đã lên án vụ tấn công là một sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.
KCNA đề cập tới cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 4/1 nêu rõ: "Trung Quốc và Nga đã nhấn mạnh họ không chỉ phản đối việc lạm dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế mà còn không thể khoan dung cho những hành động quân sự mạo hiểm. Họ đã bày tỏ quan ngại về những tình hình khu vực đang ngày càng tồi tệ hơn bởi những hành động bất hợp pháp của Mỹ”.
Trước đó, hôm 5/1, Meari, một cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng, cũng đăng tải một bài viết có tựa đề "Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Đông sẽ trở thành một nghĩa địa với Mỹ." Trang tin mạng này viết: "Các chuyên gia quân sự toàn cầu gần đây phân tích rằng Mỹ đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Thậm chí các nước thân Mỹ đã phản ứng một cách bị động trước đề nghị của Mỹ điều binh sĩ vì những hoạt động chính trị nội bộ và những thách thức kinh tế của họ, khiến Mỹ thất vọng”.
Tuy nhiên, chính quyền Kim Jong-un vẫn chưa có phản ứng chính thức với sự việc này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)