Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả kinh tế từ xung đột Trung Đông

Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông đã gia tăng sau khi Iran thực hiện hành động quân sự nhắm vào Israel vào ngày 1/10.

Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: IRNA/TTXVN

Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: IRNA/TTXVN

Israel cảnh báo sẽ đáp trả, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu khí từ khu vực giàu năng lượng này.

Truyền thông Israel cho biết nước này có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân hoặc cơ sở dầu khí của Iran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khuyến cáo Israel không thực hiện hành động quân sự các cơ sở dầu mỏ của Iran, vốn là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Về phía mình, Iran cảnh báo sẽ “phản ứng mạnh mẽ hơn” với bất kỳ hành động quân sự nào nhắm vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Ông Farzan Sabet, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại viện Geneva Graduate Institute, cho biết nếu Israel thực hiện một hành động quân sự quy mô lớn vào các cơ sở dầu khí của Iran, thì Iran có thể gây áp lực lên các điểm vận chuyển quan trọng như Eo biển Hormuz.

Suốt nhiều năm, Iran đã cảnh báo về kịch bản phong tỏa Eo biển Hormuz, nơi trung chuyển 1/5 nguồn cung dầu mỏ của thế giới.

Qatar, một trong những nước sản xuất khí tự nhiên lớn nhất thế giới, cũng sử dụng Eo biển Hormuz cho hoạt động xuất khẩu của mình.

Chính vì vậy, ông Neil Quilliam, chuyên gia về chính sách năng lượng và địa chính trị tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, khẳng định: "Eo biển Hormuz rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu".

Ngoài ra, còn có những lo ngại rằng Iran có thể nhắm mục tiêu vào những cơ sở dầu mỏ ở các nước láng giềng nếu bị tấn công. Iraq, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út và Iran đều là những quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi xung đột toàn diện giữa Israel và Iran gây ra sự gián đoạn lớn đối với dòng chảy dầu khí từ Trung Đông, thì điều này cũng không khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà cung cấp dầu khí lớn, cũng như sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng giảm xuống.

Ông Sabet nhận định giá nhiên liệu tại phương Tây có thể tăng lên, nhưng sẽ tăng ít hơn nhiều so với những gì có thể xảy ra trong những thời kỳ trước.

Ông lấy dẫn chứng rằng những cảnh báo liên tục về khả năng gián đoạn hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ do lực lượng Houthi đã không gây ra tình trạng lạm phát tiêu dùng đáng kể ở phương Tây.

Tuy nhiên, ông Sabet cho rằng sự gián đoạn lớn trong dòng chảy dầu khí từ Trung Đông sẽ "tác động mạnh" đến nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran, chiếm 15% lượng dầu nhập khẩu từ khu vực này của Trung Quốc.

Theo ông Sabet, giá năng lượng tăng đối với Trung Quốc sẽ thông qua chuỗi cung ứng để tác động đến các mặt hàng sản xuất mà nước này xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các nơi khác", từ đó có khả năng gây ra "lạm phát cao hơn cho người tiêu dùng".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông có thể gây ra những hệ quả kinh tế đáng kể đối với cả khu vực và toàn cầu.

Người phát ngôn của IMF, bà Julie Kozack, nhấn mạnh: “Nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có khả năng gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa”.

Theo bà Kozack, tác động của xung đột đến kinh tế toàn cầu chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, trong đó có các mặt hàng dầu và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao khi các tàu phải chuyển hướng để tránh nguy cơ bị lực lượng Houthi tại Yemen tấn công ở Biển Đỏ.

Dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đối với kinh tế thế giới, bà lưu ý các nền kinh tế trong khu vực đã chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là ở Gaza.

Người dân nơi đây đang phải vật lộn với điều kiện kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và thiếu hụt viện trợ.

Theo ước tính của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm 86%, trong khi GDP của Bờ Tây khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng.

GDP của Israel đã giảm khoảng 20% trong quý 4/2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một phần nhỏ trong nửa đầu năm nay.

Bà Kozack cho biết IMF đang theo dõi sát sao tình hình tại miền Nam Libăng. Tại Libăng, xung đột leo thang gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và xã hội vốn đã mong manh. Xung đột gây thương vong nghiêm trọng và làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất của nước này.

Năm 2022, Libăng đã đạt được thỏa thuận cấp chuyên viên với IMF về một chương trình vay tiềm năng, song bà Kozack cho rằng tiến độ về các cải cách cần thiết của nước vẫn chưa đủ để tiến xa hơn.

Hiện IMF đang hỗ trợ Libăng thông qua các chương trình phát triển năng lực và những lĩnh vực tiềm năng khác.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Israel và Hezbollah tại Libăng tiếp tục leo thang khi Tướng quân đội Israel Herzi Halevi ngày 9/10 tuyên bố sẽ không ngừng tấn công các mục tiêu thuộc lực lượng vũ trang này.

Ông nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công "sẽ được triển khai với cường độ mạnh liên tục" nhằm ngăn chặn Hezbollah hồi phục và tiếp tục đe dọa an ninh của Israel. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Israel vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động quân sự tại Dải Gaza.

Theo báo cáo từ LHQ, hơn 400.000 người dân tại phía Bắc khu vực Wadi Gaza ở Dải Gaza đã được yêu cầu di dời về phía Nam. Israel cũng đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế việc tiếp cận nhân đạo tại các khu vực này, gây ra nhiều khó khăn cho dân thường.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo tại Gaza, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các chốt kiểm tra nội bộ tại Gaza hiện chỉ cho phép dân thường di chuyển về phía Nam, trong khi nguồn cung nhân đạo vào khu vực phía Bắc gần như bị đóng băng.

OCHA cảnh báo rằng các dịch vụ thiết yếu như nước và lương thực đang dần ngừng lại. Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là vụ hỏa hoạn thiêu rụi lò bánh duy nhất trong trại tị nạn Jabalya, được Chương trình Lương thực thế giới (WFP) hỗ trợ, khiến khu vực này rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng đang đối mặt với khủng hoảng. Bệnh viện Kamal Adwan, nằm trong khu vực được Israel yêu cầu sơ tán ngay lập tức, đang cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, OCHA và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau đó đã phải từ bỏ nỗ lực hỗ trợ bệnh viện này sau nhiều giờ chờ đợi tại điểm dừng chân mà không được phép tiếp cận.

Không chỉ tại Dải Gaza, Israel cũng tiếp tục tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Syria. Theo truyền hình quốc gia Syria, các vụ tấn công đã nhắm vào nhiều vị trí khác nhau, trong đó có nhà máy sản xuất ô tô tại thành phố công nghiệp Hasyaa thuộc tỉnh Homs, gây thương tích cho ít nhất 1 người và phá hủy nhiều xe chở hàng cứu trợ.

Ngoài ra, một cuộc không kích khác đã gây ra vụ hỏa hoạn lớn tại thị trấn Maarin, thuộc tỉnh Hama, dù chưa có báo cáo về thương vong. Cùng lúc đó, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại thành phố Daraa, hiện đang được nhà chức trách điều tra.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/321605/gioi-chuyen-gia-canh-bao-hau-qua-kinh-te-tu-xung-dot-trung-dong.html