Giới chuyên gia hối thúc Trung Quốc giải cứu bất động sản
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đã thổi bay khoảng 18 nghìn tỷ USD khỏi tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc...
Theo hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg, giải cứu bất động sản là con đường tốt nhất để đưa kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đạt mục tiêu khoảng 5% do Chính phủ đặt ra.
Cả 15 nhà kinh tế tham gia khảo sát đều cho rằng Bắc Kinh cần quyết liệt hơn trong triển khai các chương trình hỗ trợ thị trường bất động sản. Cuộc khảo sát được thực hiện sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng 8 gây thất vọng và làm sâu sắc thêm những hoài nghi về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
CẦN THAY ĐỔI HOÀN TOÀN TƯ DUY
“Cần có sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy thì mới có thể phá vỡ vòng xoáy giảm phát”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục của ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nhận xét. “Bắc Kinh cũng cần nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn để tránh GDP danh nghĩa sụt giảm”.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đã thổi bay khoảng 18 nghìn tỷ USD khỏi tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Cuộc khủng hoảng này đã lấy đi 18 triệu việc làm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của nhiều sản phẩm như thép.
Tuy nhiên, 4 tháng sau khi Bắc Kinh công bố nỗ lực lớn nhất nhằm hồi sinh thị trường bất động sản, tốc độ giải ngân của các chương trình, bao gồm chương trình hỗ trợ vốn 300 tỷ Nhân dân tệ (42,5 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) để giải phóng nhà ế trên thị trường, diễn ra ì ạch.
Theo các nhà phân tích, để xử lý lượng bất động sản tồn kho trên thị trường, chương trình nói trên thiếu khoảng 1-5 nghìn tỷ nhân dân tệ so với mức cần thiết. Đó là chưa kể tới việc chương trình này kém hấp dẫn với các chính quyền địa phương. Hồi tháng 5, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi hơn 200 thành phố mua nhà ế trên thị trường bất động sản để giải tỏa bớt nguồn cung nhà đang dư thừa. Tuy nhiên, 3 tháng đã trôi qua, mới chỉ có 29 địa phương hành động theo lời kêu gọi này.
Trung Quốc đã từ chối một đề xuất được của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc sử dụng gần 1 nghìn tỷ USD từ ngân sách trung ương để hỗ trợ hoàn tất nhà xây dở trên thị trường với quy mô lớn. Đề xuất này được cho là rủi ro và quá tốn kém.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh thời gian qua không muốn tăng thêm hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, một phần do quyết tâm chuyển đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế từ bất động sản sang lĩnh vực công nghệ và sản xuất. Một mặt kêu gọi các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay với các công ty phát triển bất động sản và các dự án dang dở, Bắc Kinh đồng thời ngừng hỗ trợ vốn trực tiếp cho lĩnh vực này.
KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN THÊM 2-5 NĂM NỮA
Nế không có một gói kích thích hiệu quả, GDP thực của kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 4,8% trong năm nay – theo dự báo bình quân của các nhà kinh tế tham gia khảo sát. Đây là mức thấp trong khoảng mục tiêu do Bắc Kinh đặt ra. Tuy nhiên, tăng trưởng danh nghĩa – chỉ số tính tới cả tác động của tình trạng giá cả giảm – được dự báo sẽ thấp hơn nhiều, ở mức 4,25%.
Theo các nhà kinh tế tham gia khảo sát, nếu không hỗ trợ thị trường bất động sản, các biện pháp hỗ trợ sẽ kém hiệu quả hơn trong việc kích thích nền kinh tế. Trong khi đó, khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài từ 2-5 năm nữa – theo 8 nhà kinh tế tham gia khảo sát.
Bắc Kinh đang cân nhắc nhiều biện pháp khác nhau để vực dậy thị trường bất động sản, bao gồm cho phép chính quyền địa phương mua nhà ế bằng nguồn tiền huy động được qua phát hành trái phiếu đặc biệt, giảm lãi suất với các khoản vay thế chấp chưa thanh toán và bỏ một số quy định hạn chế với người mua nhà.
Trong khi đó, quan chức tại các địa phương ở Trung Quốc thời gian qua tỏ ra thận trọng bởi giá bất động sản được dự báo sẽ còn giảm thêm nữa. Đó là chưa kể lợi nhuận ước tính từ việc chuyển đổi nhà bán ế thành nhà cho thuê giá rẻ thấp hơn hơn so với chi phí vốn.
Giá nhà tháng 8 tại Trung Quốc tiếp tục giảm 0,73% so với tháng 7, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2014. Điều này cho thấy các gói giải cứu ì ạch đã không thể ngăn được đà suy giảm của thị trường. Trong khi đó, đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục sụt giảm ở múc 2 con số. Tiêu dùng giảm mạnh hơn dự báo, trong khi hoạt động sản xuất đang trải qua giai đoạn sụt giảm dài nhất kể từ năm 2021.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gioi-chuyen-gia-hoi-thuc-trung-quoc-giai-cuu-bat-dong-san.htm