Giới đầu tư chậm lại chờ Fed

Các chỉ số chính của Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên thứ Hai (9/1), khi kỳ vọng Fed sẽ bớt diều hâu trong việc việc tăng lãi suất đã bù đắp cho tâm lý lo ngại về lạm phát kéo dài.

Các cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn Apple, Alphabet và Microsoft Corp có thời điểm đều tăng hơn 2% nhờ lợi tức Kho bạc Mỹ giảm đã giúp thúc đẩy thị trường, nhưng áp lực bán quay trở lại khiến các cổ phiếu này thu hẹp đà tăng về cuối ngày.

Hiện nhà đầu tư đang đợi những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một sự kiện ở Thụy Điển vào ngày thứ Ba. Một số chiến lược gia cho rằng, ông Powell có thể nói rằng cần có thêm thời gian để thấy chỉ số lạm phát được đưa về tầm kiểm soát.

Các cược trên thị trường tiền tệ cho thấy 79% khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách vào tháng Hai, với lãi suất cuối kỳ dự kiến sẽ đạt 4,92% vào tháng Sáu.

Ngoài ra, vào thứ Năm, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 dự kiến sẽ được công bố cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến các quyết định về kỳ vọng lãi suất.

Jon Maier, Giám đốc đầu tư của Global X ETFs, cho biết báo cáo CPI sẽ rất quan trọng trong việc hình thành kỳ vọng, khi Fed gần kết thúc chu kỳ thắt chặt và có khả năng cho thấy lạm phát đang bắt đầu giảm.

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Dow Jones giảm 112,96 điểm (-0,34%), xuống 33.517,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,99 điểm (-0,07%), xuống 3.892,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,36 điểm (+0,63%), lên 10.635,65 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, kéo dài khởi đầu lạc quan của năm mới sang tuần thứ hai, khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới và dữ liệu của Mỹ và châu Âu xoa dịu căng thẳng về việc thắt chặt mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1% lên 448,88 điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất đã tăng 3,4%.

Dữ liệu tích cực khác đến từ sản xuất công nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, tăng nhẹ hơn dự kiến trong tháng 11, làm tăng thêm sự lạc quan và nâng DAX của Đức tăng gần 1,3%.

Danni Hewson, Nhà phân tích tài chính tại AJ cho biết, điều này phù hợp với những dự báo tích cực đang diễn ra trong tuần qua và dường như cho thấy rằng có thể suy thoái kinh tế ở châu Âu sẽ không sâu và kéo dài như người ta tưởng ban đầu.

Dữ liệu khác cũng cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư ở khu vực đồng euro đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 1 lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, nhưng vẫn ở mức tiêu cực phản ánh tình hình kinh tế đầy thách thức.

Liên quan đến việc Trung quốc mở cửa, cổ phiếu các công ty tài chính tiếp xúc với nước này đều tăng, chẳng hạn như công ty bảo hiểm Prudential tăng 1,4%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu AstraZeneca giảm 0,4% khi đạt được thỏa thuận mua công ty dược phẩm sinh học CinCor Pharma Inc có trụ sở tại Mỹ với giá lên tới 1,8 tỷ USD.

Kết thúc phiên 9/1: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 25,45 điểm (+0,33%), lên 7.724,94 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 182,81 điểm (+1,25%), lên 14.792,83 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 46,41 điểm (+0,68%), lên 6.907,36 điểm.

Giá dầu thô tiếp đà hồi phục khi sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, làm thúc đẩy triển vọng nhu cầu nhiên liệu và làm lu mờ những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 9/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,86 USD/thùng (+1,25%), lên 74,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,08 USD/thùng (+1,36%), lên 79,65 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-cham-lai-cho-fed-post313334.html