Giới đầu tư quốc tế thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi
Dòng tiền của các nhà đầu tư quốc tế chảy ra khỏi cổ phiếu-trái phiếu trong nước của các thị trường mới nổi trong tháng Bảy là 10,5 tỷ USD, khiến dòng tiền chảy ra trong 5 tháng qua lên tới 38 tỷ USD.
Theo Tờ Financial Times, trong 5 tháng liên tiếp vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, đánh dấu chuỗi thoái vốn dài nhất được ghi nhận. Thực tế này phản ánh nỗi lo suy thoái và lãi suất tăng đang làm lung lay các nền kinh tế đang phát triển.
Dữ liệu tạm thời do Viện Tài chính quốc tế (IIF) tổng hợp cho thấy dòng tiền của các nhà đầu tư quốc tế chảy ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu trong nước của các thị trường mới nổi trong tháng Bảy là 10,5 tỷ USD. Điều đó đã khiến dòng tiền chảy ra trong 5 tháng qua lên tới hơn 38 tỷ USD.
Xu hướng thoái vốn này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính đang gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển. Trong ba tháng qua, Sri Lanka đã vỡ nợ chính phủ, trong khi Bangladesh và Pakistan đều đã liên hệ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề nghị được giúp đỡ. Các nhà đầu tư lo ngại ngày càng có nhiều công ty phát hành trái phiếu khác trên khắp các thị trường mới nổi cũng gặp rủi ro.
Nhiều nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình đang phải gánh chịu sự mất giá của đồng tiền và chi phí đi vay tăng cao do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và lo ngại suy thoái ở các nền kinh tế tiên tiến lớn,
Theo dữ liệu từ JPMorgan, các nhà đầu tư cũng đã rút 30 tỷ USD trong năm nay từ các quỹ trái phiếu ngoại tệ của khối thị trường mới nổi để đầu tư vào trái phiếu phát hành trên thị trường vốn ở các nền kinh tế tiên tiến.
Ông Jonathan Fortun Vargas, nhà kinh tế tại IIF, cho rằng việc rút tiền đầu tư xuyên biên giới đã trở nên phổ biến bất thường trên các thị trường mới nổi. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, không giống như các khủng hoảng trước, hiện hầu như không có triển vọng về các điều kiện toàn cầu có lợi cho các thị trường mới nổi./.