Giới đầu tư tránh xa cổ phiếu năng lượng tái tạo
Lãi suất cao gây áp lực lớn lên lĩnh vực năng lượng tái tạo, khiến giới đầu tư tránh xa cổ phiếu của các công ty trong ngành.
Cổ phiếu năng lượng tái tạo bị bán tháo
Trong tuần qua, giá chứng chỉ quỹ iShares Global Clean Energy ETF, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7-2020 và đã giảm 32% trong năm. Quỹ hoán đổi danh mục này đầu tư vào cổ phiếu của các công ty năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới như First Solar, công ty sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất Mỹ, và PlugPower, nhà sản xuất pin nhiên liệu hydro hàng đầu Mỹ.
Một số cổ phiếu mà quỹ này đầu tư giảm mạnh, chẳng hạn, giá cổ phiếu của Công ty công nghệ năng lượng sạch Enphase Energy giảm 64% trong năm 2023, trong khi đối thủ cạnh tranh SolarEdge Technologies chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 70%.
Invesco Solar ETF, quỹ theo dõi ngành năng lượng mặt trời, chứng kiến giá chứng chỉ quỹ giảm 40% kể từ đầu năm. Ngành năng lượng tái tạo đang đối mặt hàng loạt thách từ vấn đề về chuỗi cung ứng, nhu cầu suy giảm cho đến chi phí vay cao. Kết quả là cổ phiếu năng lượng sạch bị bán tháo bất chấp cam kết của Mỹ và các nền kinh tế lớn khác nhằm thúc đẩy sản xuất điện bền vững.
“Bối cảnh chính sách rất hỗ trợ nhưng ngành này đang đương đầu với những cơn gió ngược. Công nghệ sạch là lĩnh vực rất nhạy cảm với lãi suất”, Simon Webber, nhà quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu toàn cầu của Công ty quản lý tài sản Schroders (Anh), bình luận. Webber lưu ý triển vọng dài hạn của ngành vẫn tốt và cho rằng đây là điểm thấp trong chu kỳ tăng trưởng của năng lượng tái tạo.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 của chính quyền Tổng thống Joe Biden phân bổ gần 400 tỉ đô la để hỗ trợ phát triển năng lượng sạch thông qua tài trợ trực tiếp và tín dụng thuế. Theo ngân hàng ING, chương trình trợ cấp từ đạo luật này đã thu hút hơn 120 tỉ đô la đầu tư trong hàng hoạt dự án đề xuất.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất năng lượng sạch để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên. EU đã rút ra bài học đắt giá sau khi nguồn cung năng lượng của Nga bị gián đoạn sau chiến sự Ukraine. Các nhà lập pháp của EU đã thông qua một dự luật vào tháng trước nhằm thúc đẩy mục tiêu năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Lĩnh vực năng lượng sạch thường được chia thành hai nhóm: các công ty sản xuất hoặc triển khai cơ sở hạ tầng sử dụng nhiều vốn như tuốc bin gió hoặc tấm pin mặt trời và những công ty đang phát triển công nghệ mới. Cả hai nhóm đều chịu áp lực do lãi suất tăng cao.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm. Điều này khiến lãi suất dựa trên thị trường như lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, nền tảng thiết lập chi phí vay trên toàn nền kinh tế, tăng lên. Hôm 23-10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 5% lần đầu tiên trong 16 năm.
Các dự án năng lượng tái tạo thường cần tiêu tốn rất nhiều vốn trả trước để mua thiết bị như tấm pin mặt trời và tuốc bin gió, sau đó sẽ hoàn vốn theo thời gian bằng việc bán điện. Theo báo cáo năm 2020 của chính phủ Mỹ, có tới 80% các dự án như vậy được tài trợ bằng nợ. Chi phí vay đắt hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận kỳ vọng của các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, khiến cho hoạt động đầu tư mới trở nên kém hấp dẫn. Lãi suất tăng cũng ảnh hưởng đến các khoản đầu tư rủi ro hơn như công nghệ năng lượng sạch còn non trẻ.
Hai vấn đề lớn: chuỗi cung ứng gián đoạn, lãi suất cao
Hai vấn đề lớn đang khiến các nhà đầu tư lo lắng là lãi suất cao và tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hồi tháng 6, Công ty năng lượng Siemens Energy, có trụ sở tại Munich (Đức) loại bỏ ước tính lợi nhuận năm 2023 sau khi Siemens Gamesa, đơn vị thành viên của công ty, cho biết các linh kiện tuốc bin gió hỏng hóc thường xuyên hơn. Siemens Gamesa chuyên sản xuất tuốc bin gió và cung cấp dịch vụ cho các nhà phát triển năng lượng gió. Siemens Energy cho biết vấn đề chất lượng có thể ảnh hưởng khoảng 15-30% trong số 29.000 tuốc bin mà Siemens Gamesa đang cung cấp dịch vụ trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp điện gió đang phải vật lộn với chi phí tăng cao do lãi suất cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì tác động từ chiến sự Ukraine gây ra. Nhà sản xuất tuốc bin gió Vestas Wind Systems của Đan Mạch rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề trong năm tài chính 2022 do sự bất ổn địa chính trị không lường trước được, lạm phát cao và những hạn chế trong chuỗi cung ứng. Vestas Wind Systems cảnh báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến hết năm nay. ONYX Insight, theo dõi hơn 14.000 tuốc bin gió ở hơn 30 nước, cho rằng các vấn đề trong chuỗi cung ứng vẫn là thách thức lớn nhất đối với hoạt động của toàn ngành.
Một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời gia đình ở Mỹ đang vật lộn với nhu cầu suy giảm. Họ cho biết những công ty lắp đặt điện mặt trời áp mái đã tích lũy lượng hàng tồn kho cao, dẫn đến lượng đơn đặt hàng thấp hơn. Nhiều hộ gia đình sẽ vay tiền để lắp đặt điện mặt trời, vì vậy, họ cũng nhạy cảm với lãi suất cao hơn.
Tuần trước, SolarEdge (Mỹ), công ty sản xuất bộ biến tần để chuyển đổi dòng điện do các tấm pin mặt trời tạo ra, cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận quí 3. Công ty cho biết doanh thu có thể chỉ đạt 720 – 730 triệu đô la, thấp hơn 200 triệu đô la so với mức kỳ vọng trước đó. Đồng thời. lợi nhuận hoạt động của công ty dự kiến khoảng từ 12 – 31 triệu đô la trong quí 3, giảm so với kỳ vọng trước đó là 115 -135 triệu đô la.
Thông báo này khiến giá cổ phiếu của SolarEdge giảm sâu kỷ lục 27% vào hôm 20-10 và kéo theo một loạt quyết định hạ cấp khuyến nghị đầu tư từ nhóm nhà phân tích ở các ngân hàng như Goldman Sachs và Deutsche Bank. Giá cổ phiếu của công ty đối thủ Enphase Energy và các công ty lắp đặt điện mặt trời như Sunrun, SunPower và Sunnova Energy, cũng lao dốc.
Rob Barnett, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence cho biết, việc cắt giảm lợi nhuận của SolarEdge là lời cảnh báo cho lĩnh vực năng lượng mặt trời dân dụng. “SolarEdge và các công ty khác liên quan đến điện mặt trời dân dụng có thể đang chứng kiến hoạt động kinh doanh trì trệ do lãi suất cao hơn”, Barnett nói.
Vào thời kỳ đỉnh cao cách đây hai năm, giá cổ phiếu của SolarEdge là 368 đô la, tương đương mức vốn hóa thị trường 20 tỉ đô la. Cuối tuần trước, giá cổ phiếu của công ty chỉ còn 82,9 đô la, giảm hơn 75% so với mức đỉnh.
Một số nhà quản lý quỹ kỳ vọng cơn hỗn loạn của ngành năng lượng tái tạo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và xem đây là thời điểm tốt để mua vào cổ phiếu của ngành này. “Không có gì thay đổi trong bức tranh dài hạn. Vì vậy, đây có thể là một cơ hội thú vị khi hiện tại mức định giá của cổ phiếu năng lượng tái tạo thực sự giảm sâu”, Caroline Simmons, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, nhận xét.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Simmons cho biết danh mục đầu tư mà bà quản lý tập trung vào cổ phiếu dầu mỏ để hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thô.
Theo Bloomberg, WSJ
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-dau-tu-tranh-xa-co-phieu-nang-luong-tai-tao/