Giới giàu có Trung Quốc tìm cách 'tháo chạy' sau phong tỏa

Nhu cầu di cư của người dân Trung Quốc ngày càng tăng sau khi Thượng Hải bị phong tỏa, cho thấy sự thất vọng với chiến lược Zero Covid-19 mà chính quyền đang theo đuổi.

“Các nhà chức trách đang buộc mọi người hy sinh nhu cầu cơ bản của họ để chống lại căn bệnh chỉ nghiêm trọng hơn bệnh cúm mùa một chút. Vì vậy, khách hàng của chúng tôi đã chọn 'bỏ phiếu bằng chân'", James Chen, một nhà tư vấn nhập cư tại Thượng Hải, cho biết.

Kể từ khi các nhà chức trách áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát sự bùng phát của biến chủng Omicron, nhiều người dân Trung Quốc đã tìm cách chuyển đến các nước khác. Theo báo cáo từ hơn 10 tổ chức tư vấn định cư nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc, yêu cầu trợ giúp đã tăng mạnh trong tháng 4.

Thượng Hải đã báo cáo hơn 350.000 ca mắc Covid-19 kể từ tháng 3, nhưng các chuyên gia y tế nghi ngờ con số thực tế có thể còn nhiều hơn. Hôm 18/4, giới chức thành phố lần đầu ghi nhận 3 ca tử vong do Covid-19 là những bệnh nhân cao tuổi, vốn có tình trạng sức khỏe yếu.

Thất vọng

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian qua khiến cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Họ rơi vào cảnh thiếu lương thực và thuốc men. Nhiều người chia sẻ chưa bao giờ nghĩ sẽ gặp tình cảnh này ở một thành phố lớn như Thượng Hải.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Phố Đông, Thượng Hải, vào ngày 17/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Phố Đông, Thượng Hải, vào ngày 17/4. Ảnh: AFP.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bị giam cầm trong nhà nhiều ngày mà không có đủ thức ăn”, Jane Wang, 38 tuổi và là một nhà nghiên cứu tiếp thị ở Thượng Hải, cho biết. Cô đã liên hệ với QWOS, một công ty tư vấn nhập cư có trụ sợ tại thành phố để tìm một nơi ở mới, sau hơn 4 tuần bị cách ly tại nhà.

“Những gì đã xảy ra ở Thượng Hải khiến tôi cảm thấy bất an. Tôi muốn sống ở một nơi mà không cần lo bị cách ly một cách tùy tiện”, cô nói thêm.

Trên các nền tảng truyền thông xã hội, từ khóa tìm kiếm liên quan đến nhập cư cũng tăng vọt. WeChat ghi nhận mức tăng gần gấp 7 lần đối với từ khóa “nhập cư” kể từ đầu tháng 4, theo một công cụ đo lường mức độ phổ biến của các từ khóa trên mạng xã hội.

Các công ty tư vấn ở Trung Quốc cũng cho biết những khách hàng đã hoãn hoặc hủy kế hoạch định cư ở nước ngoài do lo ngại nhiễm SARS-CoV-2 ngày càng có động lực để rời đi.

“Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi trong vài tuần qua và thậm chí không thể trả lời kịp”, một nhân viên tại công ty tư vấn nhập cư QWOS cho biết.

Trong khi đó, ở Thành Đô, thành phố phía tây nam Trung Quốc, Lucy Wang, chủ một công ty tư vấn nhập cư, cũng cho biết cô đã làm việc 12 giờ/ngày để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. “Tôi đã không bận rộn như vậy trong nhiều tháng”, cô nói.

“Tháo chạy”

Cư dân Thượng Hải ngày càng trở nên thất vọng với những hạn chế nghiêm ngặt của chính phủ. Nhiều người cho biết việc gặp khó khăn khi tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản khiến một số nhóm nhỏ tổ chức biểu tình trong thành phố vào tuần trước.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích về các biện pháp chống dịch trên mạng xã hội đã nhanh chóng “bị quét sạch”, trong nỗ lực tuyên truyền để gây dựng sự ủng hộ với chiến lược Zero Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Phố Đông, Thượng Hải, vào ngày 17/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Phố Đông, Thượng Hải, vào ngày 17/4. Ảnh: AFP.

Trong bối cảnh đó, người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới giàu có, đang tìm cách định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, các điểm đến được ưa chuộng từ lâu như Mỹ và Canada đã mất đi phần nào sức hấp dẫn do mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính phủ các nước với Bắc Kinh.

Do đó, họ đang tìm đến những quốc gia duy trì quan hệ với chính quyền Bắc Kinh tốt hơn, chẳng hạn Singapore và Ireland, các chuyên gia tư vấn cho biết.

"Tôi muốn chuyển đến một đất nước nơi người Trung Quốc được tôn trọng”, John Li, một kỹ sư ở Bắc Kinh, chia sẻ. Anh đã từ bỏ giấc mơ đến San Francisco (Mỹ) và trả cho đại lý 6.300 USD vào tuần trước để nhận được giấy phép cư trú tại Singapore.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc hạn chế đi lại và thiếu cơ hội làm việc có thể khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc bất mãn và rời đi.

“Một người muốn định cư ở quốc gia khác phải được quốc gia đó chấp nhận và trải qua một quy trình phức tạp”, Cong Cao, giáo sư Đại học Nottingham Ningbo cho biết. “Tình hình hiện tại ở Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc có thể đẩy nhanh việc di cư của một số gia đình trung lưu bị ảnh hưởng, nhưng còn quá sớm để nói liệu điều này có trở thành xu hướng hay không”.

Hải Linh

Theo Financial Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-giau-co-trung-quoc-tim-cach-thao-chay-sau-phong-toa-post1310673.html