Giới hạn của những giấc mơ

Đình Trọng bị thẻ đỏ trong trận U23 Việt Nam thua U23 Triều Tiên

Được kỳ vọng sẽ tiến xa tại Vòng chung kết U23 châu Á, nhưng thầy trò HLV Park Hang Seo đã dừng bước ngay vòng bảng. Đây không phải là điều bất ngờ nếu nhìn nhận một cách thực tế về nội lực và năng lực của U23 Việt Nam qua những trận đấu vừa diễn ra.

1. U23 Việt Nam đến với Vòng chung kết U23 châu Á với vị thế là á quân giải đấu. Những thành tích tại SEA Games 30 và chiến thắng ấn tượng 4-0 trước U23 Thái Lan tại Vòng loại U23 châu Á trên sân Mỹ Đình khiến nhiều người mơ về kỳ tích tiếp theo cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơn say chiến thắng, thầy trò HLV Park Hang Seo cho thấy một thực tế là bóng đá Việt Nam không thể đi nhanh theo kiểu “một bước lên thiên đàng” như nhiều người vẫn nghĩ.

Trở lại kết quả đáng thất vọng của U23 Việt Nam tại Thái Lan, nhiều người chỉ trích sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng khiến U23 Việt Nam thua ngược U23 Triều Tiên ở trận đấu cuối cùng tại bảng D. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực tế cho thấy ngay từ trận đấu đầu tiên gặp U23 UAE, thầy trò HLV Park Hang Seo đã gặp vấn đề về kiểm soát bóng và chơi theo cách của mình như đã thể hiện tại các giải đấu trước đây.

Hàng tiền vệ với Hoàng Đức, Quang Hải, Đức Chiến, Thanh Sơn thay phiên nhau cầm trịch trận đấu nhưng không một ai có thể giúp U23 Việt Nam có được điều mình muốn là phát triển bóng một cách mạch lạc. Ở hàng thủ, Ngọc Bảo, Thành Chung, Việt Anh thường xuyên mắc sai lầm. Trên hàng công, Tiến Linh, Đức Chinh không thể có phong độ như thi đấu tại SEA Games 30.

Sau thất bại tại Vòng chung kết U23 châu Á, HLV Park Hang Seo nhận trách nhiệm về mình, nhưng khách quan mà nói, ông thầy người Hàn Quốc không có những cầu thủ chất lượng như giải đấu cách đây hai năm. Điều đó đồng nghĩa với việc triển khai chiến thuật của U23 Việt Nam cũng không gặp nhiều thuận lợi, dẫn đến thất bại đáng tiếc tại Vòng chung kết U23 châu Á 2020.

2. Nhiều người đặt vấn đề phải chăng HLV Park Hang Seo đã đạt đến giới hạn năng lực và không thể tạo bất ngờ trước các đối thủ. Tuy nhiên, sau gần 3 năm bóng đá Việt Nam thành công ở các cấp độ đội tuyển, lối chơi của chúng ta được điều nghiên rất kỹ và việc tạo bất ngờ từ sơ đồ 3-4-3 gần như là không thể.

Thực tế cho thấy, tại SEA Games 30, một số trận đấu U22 Việt Nam (nòng cốt là U23 Việt Nam) bị Indonesia, Sigapore bắt bài, nhưng sự may mắn và tỏa sáng của các cá nhân giúp thầy trò HLV Park Hang Seo đi đến chiến thắng cuối cùng là chiếc HCV SEA Games 30.

Với cá nhân HLV Park Hang Seo, ông thầy người Hàn Quốc cũng nhận thức được điều này và không ít trận đấu, ông sử dụng 2 tiền đạo trên hàng công, nhằm tăng cường sức tấn công, nhưng hiệu quả không như mong đợi. Trên thế giới, việc các HLV bị “bắt bài” là điều không hiếm. Tài năng và nổi tiếng như Conte trong nhiệm kỳ đầu bùng nổ cùng Chelsea với sơ đồ 3-4-3, nhưng đến mùa bóng thứ 2 lập tức “tắt điện” và bị sa thải.

Hay như HLV Mourinho, người khiến thế giới bóng đá “phát điên” với chiến thuật phòng ngự theo sơ đồ 4-2-3-1 và biến chuyển thành 4-3-2-1 theo hình kim cương nổi tiếng, nhưng cũng không níu giữ được thành công trong thời gian dài và hiện tại đang tìm lại chính mình cùng CLB Tottenham. Nói điều này để thấy, việc HLV Park Hang Seo “hết bài” âu cũng là việc bình thường trong thế giới bóng đá và bóng đá Việt Nam cũng không thể nào trông chờ vào tài năng của HLV người Hàn Quốc mãi. Đó là thực tế cần phải nhìn nhận.

Thất bại của U23 Việt Nam tại sân chơi châu lục cho thấy giới hạn của nền bóng đá; nó nhắc rằng bóng đá Việt Nam cần phải phấn đấu nhiều để đạt đến trình độ châu lục và thế giới. Thành tích của bóng đá Việt Nam trong gần 3 năm qua là điều đáng ghi nhận, nhưng nó là động lực chứ chưa thể là nền tảng để giúp bóng đá Việt Nam gặt hái những thành công liên tục ở đấu trường châu lục như thời gian qua.

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/234015/gioi-han-cua-nhung-giac-mo.html