Giới hạn của sự phê phán cái xấu

Theo thần thoại La Mã thì Vệ Nữ là vị thần của Sắc đẹp và Tình yêu, tên nàng trong thần thoại Hy Lạp là Aphrôđich. Hiện tại, bức tượng thần Vệ Nữ được đặt tại bảo tàng Luvrơ (Pháp) nhưng ánh sáng của thần thì tỏa rạng khắp thế giới ca ngợi và tôn vinh cái đẹp và tình yêu của con người.

Cho đến nay, biết bao họa sĩ và thi nhân, bao nhạc sĩ và điêu khắc gia đã lấy cảm hứng từ thần Vệ Nữ, một kiệt tác vĩnh cửu về sự quyến rũ mê hoặc, về sức sống tươi trẻ, về tỷ lệ khuôn thước lý tưởng để sáng tạo những tuyệt phẩm khẳng định hình thể và tâm hồn con người mãi là trung tâm của vũ trụ.

Truyền thuyết kể rằng, thần Vệ Nữ sinh ra từ máu và sóng biển. Sự xung khắc giữa hai cha con thần Uranôx dẫn đến đổ máu. Những giọt máu từ trên ngọn núi Ôlanhpơ-thế giới của các vị thần, rơi xuống biển hòa vào bao lớp sóng rồi kết vào nhau làm thành những viên ngọc long lanh, từ những viên ngọc đó hiện ra một tuyệt thế giai nhân. Thì ra người xưa đã triết lý thật sâu sắc về cái đẹp. Cái đẹp thật quý, quý như máu vậy. Và cái đẹp cũng thật mong manh. Mong manh như sóng biển vậy. Cái đẹp được hình thành từ sự lan tỏa và kết nối (như sóng biển luôn lan tỏa và kết nối). Đến lượt cái đẹp cũng phải như sóng biển lan rộng nhân lên cái đẹp cùng đi vào mọi trái tim, mọi tâm hồn.

Một nhạc sĩ lớn chắc có cảm hứng từ thần thoại này mà viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi…”. Tấm lòng là cái đẹp. Gió cuốn đi là sự lan tỏa. Không bao giờ cái đẹp đứng yên, chết cứng. Cái đẹp phải luôn được đánh thức và nhân rộng.

Xã hội ta có biết bao cái đẹp cần được tỏa rạng. Điều đó cần có công rất lớn, cũng là nhiệm vụ của báo chí, truyền thông.

Thế nhưng lại đang có hiện tượng ngược lại. Một nữ Đại úy công an ở Hà Nội “náo loạn sân bay”, một Thượng úy công an ném xúc xích vào người và tát nhân viên siêu thị ở Thái Nguyên… được/bị quá nhiều báo chí, mạng xã hội xăm xoi, phán xét, đăng tải, bình luận. Đành rằng đó là những hành vi đáng chê trách, lên án nhưng đấy chỉ là những hiện tượng cá biệt. Không nên tốn thời gian, công sức vào cái đáng quên, càng không nên “tái hiện” bằng cách “diễn kịch” trên sân khấu như có nơi đã làm.

Trong khi đó, biết bao những tấm gương sáng ngời của các lực lượng công an: Là những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy lấy thân mình lao vào biển lửa; là những cảnh sát chống cướp giật, trộm cắp; là những người thầm lặng đấu tranh chống tiêu cực, chống buôn lậu, chống hàng giả và không ít cán bộ, chiến sĩ công an đã đổ máu hoặc hy sinh tính mạng để góp phần cho đất nước bình yên, thì báo chí, truyền thông và mạng xã hội nhắc tới không nhiều. Hầu như người dân đi đường nào cũng thấy các chiến sĩ cảnh sát giao thông đội mưa quất, đội nắng xối, đội gió giật điều tiết giao thông mà nhờ có họ người dân mới đi đến nơi, về đến chốn.

Nhấn vào một hai hiện tượng tiêu cực như trên, vô tình nhiều người đã khoét một cái hố sâu giữa người dân và các chiến sĩ công an nói chung. Thật không công bằng và cũng không đúng với đạo lý nhân nghĩa của người Việt.

Ai cũng có thể sai. Sự nhân văn cần thiết là chỉ rõ cái sai đề người sai tiếp thu, sửa chữa hơn là chì chiết, vùi dập.

Viết, nêu cái tiêu cực, cái xấu, cái ác là cần thiết để góp phần làm lành mạnh hóa xã hội, nhưng cũng phải có giới hạn, đúng liều lượng, đúng với lời cổ nhân dạy “Một vừa hai phải”.

Quan trọng hơn là viết và nêu cái tốt, cái đẹp nhằm lan tỏa rộng rãi những điển hình tích cực để khẳng định, động viên, để học tập, noi theo.

Cái đẹp làm nên cuộc sống. Chăm chút, nâng niu những điều nhân ái, tốt lành để gặt hái những yêu thương. Đấy là trách nhiệm, tình cảm và lương tâm đạo đức của những người cầm bút và khi gõ bàn phím!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/gioi-han-cua-su-phe-phan-cai-xau-603150