Giới hạn nào cho sự nóng giận của người thầy?
Hơn bất cứ nghề nào khác, người làm thầy phải rất kiên nhẫn với học trò. Thầy, cô không được dùng cái sai của học trò để bào chữa cho việc vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình.
Giảng viên buông lời mỉa mai khi sinh viên xin phép nghỉ học, đuổi sinh viên ra khỏi lớp khi nhờ giảng lại bài, mắng học trò là "óc trâu". Những sự việc xảy ra liên tiếp cảnh báo vấn đề ứng xử giữa người thầy và học trò. Với những người làm nghề giáo, đây là bài học, cơ hội để tự nhìn lại và răn mình.
Học trò sai không phải lý do để thầy ứng xử sai
Tôi từng là giảng viên đại học, sau đó chuyển sang quản lý và thỉnh thoảng đứng lớp cấp phổ thông. Tôi từng đối mặt nhiều tình huống thách thức sự kiên nhẫn từ học trò. Câu chuyện cách đây đã hơn 10 năm là điều tôi luôn ghi nhớ để tự răn mình.
Đó là buổi học gần ngày 20/11 với lớp sinh viên sư phạm, dù đã dặn dò từ trước rất kỹ lưỡng nhưng đến giờ học, lớp không có máy chiếu, bàn ghế không được xếp phù hợp cho buổi thuyết trình nhóm. Cả lớp mất 30 phút để chuẩn bị trong khi các em có thể làm những việc đó từ trước.
Đáng nói hơn, bốn nhóm thuyết trình đều chuẩn bị sơ sài, tinh thần cả lớp lơ là. Cuối buổi, tôi nhận xét nghiêm khắc và đề nghị chấn chỉnh ngay thái độ học tập.
Tôi nói xong, một bạn đứng lên, đại diện cả lớp tặng tôi tấm thiệp và gói quà nhỏ nhân dịp 20/11. Tôi thẳng thừng từ chối và nói rõ: "Cô không nhận, cái cô cần là sự nghiêm túc trong học tập của các em, không phải là món quà xoa dịu". Trong cơn nóng giận, tôi đã đem hai hành động gộp làm một.
Kết thúc giờ dạy, gặp đồng nghiệp ở văn phòng khoa, sẵn nỗi bực dọc, tôi kể lại câu chuyện và bày tỏ sự thất vọng, than phiền ý thức, thái độ, suy nghĩ của sinh viên. Vừa nói xong, quay lưng lại, em lớp trưởng lớp đó đứng ngây người, mắt đỏ hoe.
Cơn giận như làn khói, bay mất. Em ấy chưa giải thích gì, tôi đã thấy mình hồ đồ. Tôi nhớ mãi, em đã nói rằng: "Em nghe hết rồi cô. Em xuống thay mặt lớp xin lỗi cô. Chúng em không nghĩ cô giận dữ vậy. Nhưng tụi em không có ý tặng quà để xoa dịu cô. Thực lòng, quà đó, lớp chuẩn bị lâu rồi. Xin lỗi cô vì lớp chuẩn bị bài không tốt cho hôm nay".
Khi dạy sinh viên sư phạm, tôi được nhận xét là khó tính, hay nóng giận. Nếu ước chừng sự nóng tính của tôi là 10 phần, sau sự việc đó, nó đã giảm đi 5 phần.
Nhiều người cho rằng giáo viên cũng là con người, cũng rất áp lực, căng thẳng, có lúc nóng giận hoặc to tiếng răn đe là để uốn nắn học trò. Đó có thể là sự thật nhưng đáng tiếc không phải là lý do để biến hành động sai của giáo viên thành đúng.
Kiên nhẫn và kiên nhẫn
Trong một lần trò chuyện với đồng nghiệp đang giảng dạy ở khoa Giáo dục, ĐH Northampton (Anh), chúng tôi bàn về nội dung Classroom Management (quản lý lớp học). Tôi kể cho đồng nghiệp rằng khi dạy cho sinh viên sư phạm nội dung này, tôi có 3 bài: Bài một là kiên nhẫn, bài 2 kiên nhẫn, bài 3 vẫn là kiên nhẫn.
Giáo viên không có phẩm chất này thì sớm muộn cũng thất bại hoặc bỏ nghề. Đồng nghiệp của tôi gật gù đồng ý: "Tôi biết, không dễ gì, nhưng đã là giáo viên, đó là điều bắt buộc".
Giảng viên này còn chia sẻ lý do lớn nhất khiến giáo viên ở Anh bỏ nghề đó là họ nhận ra mình không đủ sự kiên nhẫn. Nhiều sinh viên sư phạm của Anh khi đi thực tập hoặc những giáo viên mới đã kịp thời nhận ra điều này. Họ không có phẩm chất kiên nhẫn và không tự tin rằng mình có thể cải thiện nên bỏ cuộc ngay từ đầu. Nếu tiếp tục, họ rất có thể phạm sai lầm, mà sai lầm trong giáo dục là điều khó tha thứ.
Tôi hay hỏi các đồng nghiệp là giáo viên phổ thông lâu năm ở Anh rằng có khi nào họ nổi cơn thịnh nộ với học trò. Họ chia sẻ có lúc cũng gần như bốc hỏa nhưng phải kiềm chế, có khi người ra khỏi lớp không phải học sinh mà là giáo viên.
Họ ra ngoài để hít thở, bình tĩnh rồi vào nói chuyện tử tế với học trò. Khi trải nghiệm nghề lâu năm, giáo viên sẽ có sự điềm tĩnh đáng nể trước những hành vi không phù hợp của học sinh.
Khắt khe với bản thân và giới hạn khi thể hiện thái độ
Trở lại câu chuyện những giáo viên "bất ngờ nổi tiếng" trong những ngày qua, tôi nghĩ đó là những giây phút các thầy cô muốn quên đi nhất trong cuộc đời.
Nhiều giáo viên vốn được học trò nhận xét là rất nhiệt tình, tâm huyết. Thế nhưng, học trò cũng không thể tin được là thầy cô có thể buông ra những lời nói xúc phạm học sinh đến vậy. Đó là bài học cho tất cả giáo viên về kiểm soát bản thân trong các tình huống dạy học.
Đã làm nghề giáo, chắc hẳn ai cũng từng gặp những tình huống bị học trò "chọc điên", các em xúm nhau mè nheo, nghịch và chống đối tập thể, cũng không phải vì trò ghét thầy cô, chỉ là tuổi trẻ có ngày "bad mood" (cảm xúc tồi, nổi cơn lười).
Giáo viên bực lắm, có khi không kiềm chế được mà to tiếng, la rầy học trò dù trong thâm tâm chúng ta không hề ghét bỏ các em. Nhưng điều đó không có nghĩa giáo viên được xúc phạm học trò.
Học sinh ở Á hay Âu cũng luôn có nhiều trò để thử thách sự kiên nhẫn của giáo viên. Vì thế, giáo viên tức giận tức là học sinh đạt được mục đích của mình. Sau một thời gian đứng lớp, mỗi lần sắp "nổi đóa" vì học trò, tôi luôn tự nói trong đầu: "Không được sập bẫy, không được sập bẫy, nổi nóng bây giờ là tụi nhỏ sẽ ăn mừng".
Từ đây, tôi rèn luyện được thói quen đó là học sinh nhỏ ăn vạ la hét, học sinh lớn, sinh viên nói trống không, xấc xược, tôi sẽ giữ nét mặt tĩnh lặng "như mặt hồ không gợn sóng", không để lộ cảm xúc, học trò không thể biết tôi đang nghĩ gì.
Học trò nói to, tôi sẽ nói nhỏ. Câu "thần chú" của tôi là: “Cô chỉ có thể nói chuyện với em khi em bình tĩnh hơn” hoặc “Cô muốn nói chuyện với em như một người trưởng thành”. Kinh nghiệm cho thấy với phản ứng đó của tôi, học trò sẽ dịu lại và thay đổi hành vi nhanh chóng hơn.
Khi giáo viên cần chỉnh đốn học trò, chúng ta có thể rất nghiêm khắc để nói rõ điều mình không hài lòng. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ tước bỏ cơ hội được giãi bày của học trò, luôn cho các em cơ hội sửa sai và không xúc phạm.
Tôi cảm thấy nhiều giáo viên đang vượt qua giới hạn và kém khắt khe với bản thân trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử. Ranh giới giữa đùa vui suồng sã với xúc phạm là rất mong manh.
Sẽ có nhiều người tranh luận rằng giáo viên chỉ là một nghề bình thường trong xã hội, bớt đề cao để bớt khắt khe và bớt áp lực cho các thầy cô giáo. Nhưng mỗi nghề đều có quy chuẩn nghề nghiệp riêng, khi chúng ta đã lựa chọn, cần hiểu đúng và thực hành nghiêm túc để thành công và hạnh phúc với nghề.
Người thầy, trong mô tả công việc của tôi, là phải làm mẫu hành vi, ứng xử cho học trò về chuẩn mực. Xét một chuẩn mực về sự tôn trọng, đó là giá trị phổ quát tối thiểu của con người trong xã hội.
Chuẩn mực xã hội nói chung không cho phép bất cứ ai được xúc phạm người khác. Vì vậy, hành vi thiếu kiềm chế, xúc phạm người khác cần được cải thiện ở bất cứ ai và trước hết là ở người thầy.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền nhận bằng cử nhân Tâm lý Giáo dục tại ĐH Sư phạm TP.HCM. Cô nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ Giáo dục học tại ĐH Durham (Anh) và ĐH East Anglia (Anh).
TS Nguyễn Thị Thu Huyền có 13 năm kinh nghiệm giảng dạy tại ĐH Sư phạm TP.HCM trước khi chuyển sang vị trí phó hiệu trưởng của một trường phổ thông liên cấp quốc tế. Hiện, cô làm quản lý chuyên môn cho một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ chương trình giáo dục cho các đối tượng học sinh yếu thế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-han-nao-cho-su-nong-gian-cua-nguoi-thay-post1265381.html