Giới hạn thời gian lái xe, doanh nghiệp lo đội chi phí

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã giới hạn tổng thời gian lái xe trong tuần ở mức tối đa 48 giờ. Một số ý kiến đề xuất rằng cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế, bởi hiện còn có những bất cập, gây không ít khó khăn cho lái xe và doanh nghiệp vận tải.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe liên tục quá 4 giờ, với thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong một tuần không được phép lái xe quá 48 giờ. Tuy nhiên, quy định mới về giới hạn lái xe không quá 48 giờ trong một tuần đang gây ra không ít khó khăn cho lái xe.

Với quy định này, những lái xe chạy đường dài tuyến Bắc - Nam gặp khá nhiều bất cập. Theo quy định mới, tổng số giờ làm việc của họ sẽ giảm khoảng 20% - 30%. Giảm giờ làm đồng nghĩa với giảm thu nhập, trong khi áp lực từ hạ tầng giao thông, đường sá cũng như thời gian giao hàng ngày càng tăng lên. Điều này khiến những tài xế đường dài cảm thấy vô cùng lo lắng.

Anh Lê Tấn Lâm, lái xe chạy đường dài tuyến Bắc - Nam cho biết: “Ví dụ như công hàng xuất phát từ Móng Cái đi Long An, Hải quan chỉ cho phép đi trên đường 5 ngày. Nếu theo quy định mới, mỗi ngày không quá 10 tiếng lái xe, nhưng cung đường quá xa, do vậy sẽ rất khó cho công ty vận tải giao hàng đúng hẹn như trên hồ sơ hải quan quy định”.

Anh Lê Thành Trung (lái xe) chia sẻ: “Chúng tôi lấy hàng từ thứ Năm, thứ Sáu thì không bao giờ kịp, trong khi hồ sơ lái xe nhận hàng chỉ trong 5 ngày, có 3 ngày phải giao hàng, mà chỉ cho 48 giờ thì áp lực cho lái xe rất lớn, lớn hơn nhiều so với trước kia”.

Lái xe bị áp lực di chuyển trên đường, còn chủ doanh nghiệp cũng đau đầu không kém. Với một số cung đường trước đây chỉ cần một người lái, nay nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều hai người, thậm chí những chuyến Bắc - Nam có thể sẽ phải tăng lên 3 lái xe. Áp lực từ chi phí nhân lực, chi phí vận hành tăng lên, chưa kể để tuyển thêm lái xe thời điểm này cũng không hề đơn giản.

Ông Đỗ Quốc Toản, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phú Sơn (Hà Nội) cho hay: “Thời gian gần đây, lái xe chán nản, không muốn đi làm, luôn trong trường hợp chờ để nghe xem luật hướng dẫn như thế nào. Bình thường xe chúng tôi chạy đủ một tuần ít nhất là 70 giờ, bây giờ chỉ cho 48 giờ thì chi phí khấu hao, bến bãi tăng lên, dẫn đến chi phí doanh nghiệp, chi phí vận tải tăng lên”.

Trước vấn đề trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có kiến nghị lên Chính phủ điều chỉnh thời gian lái xe của tài xế lên 70 giờ/tuần như một số nước trên thế giới, nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng khiến lái xe phải chờ đợi nhiều giờ, nhưng thời gian đó vẫn bị tính vào giới hạn lái xe liên tục, dẫn đến nguy cơ vi phạm ngay cả khi họ không di chuyển. Thậm chí, cách tính thời gian bắt đầu làm việc của tài xế cũng khiến người trong cuộc cảm thấy băn khoăn.

Theo quy định của Nghị định 168, tài xế lái xe ô tô kinh doanh vận tải quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe. Quy định về thời gian lái xe là để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế những vụ tai nạn do tình trạng mệt mỏi của lái xe. Quy định đã có hiệu lực, việc tuân thủ quy định là điều bắt buộc. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, nếu bộc lộ những vướng mắc, phát sinh thì cũng cần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Cục CSGT, trước vấn đề trên lực lượng CSGT sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào vấn đề xử phạt.

Đức Chung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/gioi-han-thoi-gian-lai-xe-doanh-nghiep-lo-doi-chi-phi-305330.htm