Giới khoa học Đức nghiên cứu kháng thể chống virus SARS-CoV-2

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 15/6/2020 - Nguồn: THX/TTXVN

* Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có thể sản sinh kháng thể nhanh hơn

Ngày 3/7, các nhà khoa học Đức đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu trên toàn quốc để có đánh giá tổng quan tốt hơn về mức độ phổ biến của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong dân chúng cũng như đánh giá hoạt động của các biện pháp ngăn chặn loại virus nguy hiểm này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu lây nhiễm Helmholtz (HZI) tại Braunschweig thuộc bang Niedersachsen, tây bắc nước Đức, tiến hành.

Ban lãnh đạo HZI cho biết các nhà khoa học sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu khoảng 3.000 mẫu máu lấy từ người dân sinh sống ở thị trấn Reutlingen, miền nam nước Đức, để tìm kháng thể được tạo ra khi hệ thống miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học sẽ tiến hành năm xét nghiệm kháng thể khác nhau đối với mỗi mẫu máu.

Cuộc nghiên cứu dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng một năm và các mẫu máu bổ sung sẽ vẫn được thu thập và được xét nghiệm lại ở các khu vực được chọn trên cả nước từ 4-8 tháng sau cuộc xét nghiệm đầu tiên.

Theo ông Gerard Krause, Trưởng Khoa Dịch tễ học thuộc Trung tâm HZI, các nghiên cứu kháng thể, còn được gọi là nghiên cứu về mức độ ổn định huyết thanh, có ý nghĩa rất quan trọng để tìm hiểu về nơi dịch bệnh bùng phát và có thể hỗ nhà chức trách đưa ra quyết định về các biện pháp hạn chế cần thiết để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Ông Krause nhận định các kết quả nghiên cứu sẽ giúp hiểu rõ hơn thời gian tồn tại của các kháng thể trong cơ thể con người cũng như cho phép các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh và đưa ra các chiến lược tiêm chủng phù hợp. Dự kiến, kết quả đầu tiên của cuộc nghiên cứu sẽ được công bố vào mùa thu năm nay.

Trong diễn biến khác, các nhà nghiên cứu Israel vừa phát hiện những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nặng có thể sản sinh kháng thể nhanh hơn những người bị bệnh nhẹ.

Theo thông báo của Đại học Tel Aviv (TAU), trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học tại TAU đã sử dụng phương pháp xét nghiệm huyết thanh mới, được phát triển trong phòng thí nghiệm, kiểm tra mức độ phát triển kháng thể đối với 2 loại protein của virus khác nhau trong cơ thể bệnh nhân.

Kết quả cho thấy mặc dù các bệnh nhân COVID-19 nặng sản sinh kháng thể nhanh hơn người bị bệnh nhẹ, nhưng về lâu dài, mức kháng thể ở tất cả các bệnh nhân là như nhau. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu trên, bởi từng có những ý kiến cho rằng người mắc bệnh nặng càng ngày càng yếu hơn do họ không sản sinh đủ lượng kháng thể cần thiết, vì vậy, không thể chống lại virus.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng mức độ sản sinh kháng thể nhanh ở những bệnh nhân này còn cho thấy hệ miễn dịch của họ hoạt động rất nhạy bén. Nghiên cứu cũng phát hiện các kháng thể có xu hướng sản sinh trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, điều này có nghĩa phương pháp xét nghiệm huyết thanh mới có thể trở thành công cụ chẩn đoán ở nhiều giai đoạn khác nhau của bệnh, và là biện pháp để xét nghiệm cộng đồng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, lượng kháng thể nhằm vào protein của virus SARS-CoV-2 luôn duy trì ở mức cao trong hai tháng đầu nhiễm bệnh, có thể cho biết thông tin về bộ nhớ miễn dịch.

Theo TAU, tất cả những phát hiện này là dữ kiện quan trọng để con người hiểu thêm về phản ứng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2, cũng như hỗ trợ quá trình theo dõi tính hiệu quả của vắcxin và các xét nghiệm cộng đồng trong tương lai.

Trong diễn biến khác, trong một nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, các nhà khoa học nước này đã giới thiệu chi tiết ba mô hình quy mô khu vực nhằm dự báo và đánh giá khả năng lây lan của dịch COVID-19.

Ba mô hình được giới thiệu bao gồm mô hình tăng trưởng theo cấp số nhân, mô hình quá trình phân nhánh tự kích thích và mô hình phân chia khả năng kháng lây nhiễm (SIR). Theo nhóm nghiên cứu do ông Andrea Bertozzi, giáo sư toán học và kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ thuộc trường Đại học California ở thành phố Los Angeles - làm chủ nhiệm, việc mô hình hóa để đánh giá và dự báo tình hình lây lan của dịch COVID-19 là công cụ đắc lực giúp chính phủ đưa ra chính sách y tế cộng đồng hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để có thể thực hiện điều đó.

Các mô hình truyền bệnh có số lượng tham số tối thiểu có thể giúp tách biệt các yếu tố chính của đại dịch có thể liên quan đến hoạch định chính sách. Nhóm nghiên cứu cho biết các biện pháp giãn cách xã hội ngắn hạn có thể không làm giảm rõ rệt số ca lây nhiễm nếu bị tạm ngừng trước khi có vaccine hoặc phác đồ điều trị hiệu quả.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/241817/gioi-khoa-hoc-duc-nghien-cuu-khang-the-chong-virus-sars-cov-2.html