Giới khoa học sững sờ phát hiện 'sàn nhảy của khủng long'
Toàn bộ dấu chân này tồn tại trong một không gian rộng 100m2, khiến các nhà khảo cổ gọi đây là 'sàn nhảy của khủng long'.
Vào tháng 11/2020, "sàn nhảy của khủng long" đã được các nhà khảo cổ phát hiện tại Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà khảo cổ lần đầu tiên phát hiện hơn 240 dấu chân hóa thạch của khủng long từ cuối kỷ Phấn trắng ở thôn Long Tuyền, huyện Thượng Hàng, tỉnh Phúc Kiến.
Toàn bộ dấu chân này tồn tại trong một không gian rộng 100m2, khiến các nhà khảo cổ gọi đây là "sàn nhảy của khủng long".
Mới dây, các nhà khảo cổ lại tiếp tục phát hiện thêm 364 dấu chân khủng long hóa thạch ở cùng địa điểm. Trong số 364 dấu chân này, có hơn 200 dấu chân tập trung tại một địa điểm rộng chưa đầy 100m2.
Các nhà khảo cổ phỏng đoán, không gian này có lẽ là một trong những lối đi chính mà đàn khủng long buộc phải đi qua trong hàng ngày, hoặc nó nằm gần nguồn nước, nơi những con khủng long tập trung lại để sinh tồn.
So với lần phát hiện vào tháng 11 năm ngoái, lần này các nhà khảo cổ phát hiện ra dấu chân khủng long lớn hơn, ước tính chiều dài cơ thể của loài khủng long này có thể lên tới hơn 20 mét.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy các cấu trúc trầm tích có dấu sóng xung quanh các dấu chân hóa thạch và những dấu vết của sinh vật đáy (sinh vật sống dưới đáy biển, đáy hồ, hoặc đáy sông) cùng thời kỳ. Điều này làm sáng tỏ môi trường sống của khủng long tại thời điểm đó, cung cấp thêm manh mối lịch sử rất giá trị.
Theo tìm hiểu, thuật ngữ "sàn nhảy của khủng long" bắt nguồn từ một cuộc khảo cổ ở Mỹ vào năm 2008. Các nhà địa chất đã tìm thấy rất nhiều dấu chân khủng long lớn và dấu vết kéo đuôi của chúng ở ngã ba bang Arizona và bang Utah.
Theo ước tính của các chuyên gia, có ít nhất 1.000 con khủng long đã tập hợp ở nơi này, họ mô tả nơi đây như một "sàn nhảy" cho các loài khủng long.