Giới khoa học theo dõi chặt phiên bản mới của biến thể Omicron

Các nhà khoa học và quan chức y tế trên toàn thế giới đang giám sát chặt chẽ một phiên bản mới của biến thể Omicron đã được tìm thấy ở ít nhất 49 quốc gia, bao gồm Mỹ. Phiên bản này được gọi là là BA.2, khó phát hiện hơn phiên bản gốc của Omicron vì nó có những đặc điểm di truyền riêng biệt.

Với xuất hiện của biến thể mới, các nhà khoa học đã phân chia biến thể Omicron (B.1.1.529) thành 2 dòng gồm BA.1 là phiên bản gốc và BA.2 là phiên bản mới. Biến thể BA.2 được cho là có khả năng “tàng hình” tốt hơn so với biến thể Omicron gốc vì có những đặc điểm di truyền đặc biệt khiến nó khó bị theo dõi. Một số nhà khoa học lo ngại rằng BA.2 cũng có thể dễ lây lan hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về biến thể này, trong đó có câu hỏi liệu nó có né tránh vaccine tốt hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không.

Kể từ giữa tháng 11, hơn 30 nước đã tải gần 15.000 trình tự gen của BA.2 lên GISAID, một nền tảng chia sẻ toàn cầu về dữ liệu virus SARS-CoV-2. Tính đến hôm 25-1, có 96 trong số các trình tự gen này đến từ Mỹ.

Tiến sĩ Wesley Long, nhà nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas, Mỹ, người đã phát hiện ba ca nhiễm BA.2, cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy nó lây lan nhiều tại Mỹ”.

BA.2 xuất hiện nhiều hơn ở châu Á và châu Âu. Ở Đan Mạch, nó chiếm 45% tổng số ca nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 1, tăng từ 20% hai tuần trước đó, theo Viện Nghiên cứu Statens Serum Institut thuộc Bộ Y tế Đan Mạch.

BA.2 có rất nhiều đột biến và khoảng 20 trong số chúng nằm ở protein gai ở bề mặt virus SARS-CoV-2, tương tư như biến thể gốc Omicron. Nhưng nó cũng có những thay đổi di truyền không được tìm thấy trong phiên bản đầu tiên.

Tiến sĩ Jeremy Luban, nhà virus học tại Trường y thuộc Đại học Massachusetts, cho biết vẫn chưa rõ mức độ quan trọng của những đột biến đó, đặc biệt là trong một cộng đồng đã bị lây nhiễm biến thể gốc Omicron.

Hiện tại, biến thể gốc Omicron được định danh là BA.1, trong khi đó, BA.2 được xem là “phiên bản phụ” của Omicron. Nhưng các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu có thể đặt cho nó tên theo chữ cái Hy Lạp riêng nếu nó được coi là một “biến thể đáng lo ngại” trên toàn cầu.

Đà lây lan nhanh chóng của BA.2 ở một số nơi làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể lấn át biến thể gốc Omicron.

Tiến sĩ Wesley Long nói: “Có một số chỉ dấu cho thấy BA.2 có thể dễ lây lan hoặc có lẽ hơi dễ lây hơn Omicron nguyên bản vì nó đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh với Omicron ở một số khu vực. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết tại sao lại như vậy”.

Một phân tích ban đầu của các nhà khoa học ở Đan Mạch cho thấy không có sự khác biệt nào trong số ca nhập viện vì BA.2 so với Omicron nguyên bản. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu khả năng lây nhiễm của BA.2 và các loại vaccine Covid-19 hiện tại có hiệu quả chống lại nó ở mức nào. Vẫn chưa rõ các phương pháp điều trị hiện nay có thể chống lại nó hiệu quả ở mức nào.

Các bác sĩ cũng chưa biết chắc liệu người bị nhiễm biến thể Omicron có thể bị nhiễm tiếp BA.2 hay không. Nhưng họ hy vọng, những người từng nhiễm Omicron sẽ có các triệu chứng ít nghiêm trọng nếu sau đó nhiễm tiếp BA.2.

Tiến sĩ Daniel Kuritzkes, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham ở Boston (Mỹ), nhận định Omicron và BA.2 có nhiều điểm chung, nên những người đã nhiễm Omicron có khả năng chống lại BA.2.

Ông cho hay các nhà khoa học sẽ tiến hành các thử nghiệm để xem liệu các kháng thể được tạo ra sau khi nhiễm Omicron nguyên bản có thể vô hiệu hóa BA.2 trong phòng thí nghiệm hay không.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem Omicron là một biến thể đáng lo ngại nhưng vẫn chưa phân loại đối với BA.2. Tuy nhiên, với đà tăng ca nhiễm BA.2 ở một số nước, WHO nói rằng các cuộc điều tra về BA.2 “nên được ưu tiên”.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh gọi BA.2 là “một biến thể đang được điều tra”, vì số lượng ca nhiễm biến thể này đang tăng ở Anh và cả quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, phiên bản gốc của Omicron vẫn chiếm ưu thế ở Anh.

Omicron nguyên bản có các đặc điểm di truyền cụ thể, cho phép các cơ quan y tế nhanh chóng phân biệt nó với biến thể Delta bằng cách sử dụng một phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) nhất định.

BA.2 không có sự trùng hợp về đặc điểm di truyền này, vì vậy, khi xét nghiệm, BA.2 trông giống như biến thể Delta.

Để phòng tránh BA.2, các bác sĩ khuyên mọi người tiêm chủng và tuân theo hướng dẫn y tế công cộng về việc đeo khẩu trang, tránh đám đông và ở nhà khi bị nhiễm.

Tiến sĩ Wesley Long nói: “Các loại vaccine Covid-19 hiện nay vẫn đang cung cấp khả năng phòng vệ tốt chống lại các trường hợp bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Ngay cả khi bạn đã nhiễm Covid-19 trước đó, thì sự bảo vệ của vaccine vẫn mạnh hơn, lâu dài hơn”.

Sự xuất hiện phiên bản mới của biến thể Omicron là một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Tiến sĩ Wesley Long nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều ước rằng đại dịch đang kết thúc nhưng luôn có nguy cơ biến thể mới xuất hiện, cho đến khi cả thể giới được tiêm phòng”.

Tính đến hôm 26-1, Thái Lan ghi nhận 14 ca nhiễm biến thể BA.2, bao gồm người dân trong nước lẫn du khách nước ngoài. Trong số các ca nhiễm, có một ca đã tử vong hồi đầu tháng này, là một cụ bà 86 tuổi mắc bệnh Alzheimer và nằm liệt giường. Ngoài Thái Lan, BA.2 cũng đã xuất hiện các nước trong khu vực như Singapore (203 ca), Indonesia (25), Philippines (20) và Malaysia (4).Tại Hong Kong, giới chức trách cho biết hơn 200 người đã nhiễm biến thể BA.2 trong một đợt bùng phát dịch bắt đầu từ một du khách nhiễm biến thể này trong thời gian cách ly 21 ngày tại khách sạn.

Theo AP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-khoa-hoc-theo-doi-chat-phien-ban-moi-cua-bien-the-omicron/