Giới luật và Giáo luật
Nếu tu sĩ sai phạm Giới luật, Ban Tăng sự và giám luật chịu trách nhiệm y cứ Luật Tứ phần mà giải quyết. Những sai phạm thuộc pháp luật thì có luật pháp sửa trị, mà người phạm pháp thì giáo luật cũng không thể can thiệp.
Nếu tu sĩ sai phạm Giới luật, Ban Tăng sự và giám luật chịu trách nhiệm y cứ Luật Tứ phần mà giải quyết. Những sai phạm thuộc pháp luật thì có luật pháp sửa trị, mà người phạm pháp thì giáo luật cũng không thể can thiệp.
Tác giả: Minh Mẫn
Gần đây, nhiều chuyện tai tiếng xảy ra đối với nội tình Phật giáo, một số Giáo hội địa phương xử lý nội bộ, một số do áp lực báo chí, Giáo hội Trung ương phải vào cuộc. Thế nhưng, vì lý do nào đó, một vài cơ quan truyền thông xã hội vẫn cố tình làm áp lực với Phật giáo muốn triệt hạ tận gốc những đối tượng theo ý muốn của họ.
Phật giáo là một tổ chức không có tổ chức, vì không có giáo quyền tuyệt đối như Kito giáo, không có đức vâng lời theo hệ thống dọc, thậm chí có vài thành phần xuất thân không rõ ràng, đã xem nhẹ tính tương quan trong nội bộ, vì thế, những hành động vì lợi ích cá nhân, không nghĩ đến uy tín chung, đã tạo tai tiếng không cần thiết cho tập thể. Tinh thần tự giác của nhà Phật bị lạm dụng quá mức, đưa đến những bất cập ngoài ý muốn không thể kiểm soát.
Việc sai phạm ít nhiều ai cũng vấp phải trong đời sống; có những sai phạm của tu sĩ thuộc lĩnh vực giáo luật, có những sai phạm thuộc lĩnh vực giới luật. Sai phạm giáo luật y cứ Hiến chương, y cứ nội quy Tăng sự hay sai phạm thuộc ban ngành nào thì có điều lệ quy định để xử lý. Nếu tu sĩ sai phạm Giới luật, Ban Tăng sự và giám luật chịu trách nhiệm y cứ Luật Tứ phần mà giải quyết. Những sai phạm thuộc pháp luật thì có luật pháp sửa trị, mà người phạm pháp thì giáo luật cũng không thể can thiệp.
Dư luận là phương tiện hỗ trợ tin tức giúp Giáo hội nắm bắt sự việc, lắng nghe để kịp thời vào cuộc. Tuy nhiên, không phải lúc nào dư luận cũng đúng mang tính khách quan; những hiện tượng tiêu cực thuần túy liên đới trong đời sống xã hội, thì dễ giải quyết. Những sai phạm nặng thuộc thế luật thì nhà nước y cứ vào luật hình sự, luật dân sự… áp dụng.
Có những sai phạm vừa mang tính tôn giáo vừa ảnh hưởng xã hội, thì tôn giáo có trách nhiệm giải quyết dứt khoát. Trước khi giải quyết, ban giám luật kết hợp với các ban ngành liên đới xét duyệt xem tính chất phạm luật thuộc giáo luật hay giới luật.
Những phạm trọng giới như “tứ Ba la di” hay thuộc về “Tăng tàn” “Bất định”… thì Ban Tăng sự áp dụng Giới luật giao cho Giám luật xử trị. Nếu vi phạm mang tính hành chánh thì quy điều của các ban ngành đủ lý để giải quyết. Có những trường hợp không mang tính trọng cũng chẳng phải khinh như vụ chùa Ba Vàng, bình thường thì chả ai quan tâm, nhưng một khi bị soi mói thì việc bé xé ra to, trở thành vấn đề làm cho xã hội quan ngại.
Một vài thành phần thêm mắm dặm muối làm thất điên bát đảo nạn nhân mà sự thật không đến độ trầm trọng như thế.
Do không hiểu điều luật của Phật giáo mà phóng viên một số báo, trang mạng xã hội vẫn còn thắc mắc, muốn làm to chuyện hay ai đó muốn cho nạn nhân thân bại danh liệt phải trắng tay ra ngủ gầm cầu? Trong khi đó sự việc chỉ nằm trong khung của Phật giáo.
Cái xử lý cho dù trong đạo hay ngoài đời đều mang tính giáo dục chứ không phải đày đọa triệt tiêu để nạn nhân không còn đất sống. Nếu trong xã hội ai cũng có ác tâm thì ta sẽ sống với ai! Việc chùa Ba Vàng nếu có sai phạm thì chỉ ở mức độ hành chính, Giáo hội giải quyết theo hành chính tước bỏ các chức vụ như thế cũng đã là quá nặng, đâu cần tước đoạt cương vị trụ trì như ai đó mong muốn.
Xử lý mang tính giáo dục để phạm Tăng có cơ hội hoàn thiện khác với xử trị đối với một can phạm thế tục không còn nhân cách trong xã hội loài người. Nếu xử lý một tu sĩ dù sai phạm giới luật hay giáo luật cũng mang tính chỉnh lý sửa sai chứ không nên xem là một tội phạm thế gian, dùng ngôn từ xử lý như một pháp lý xã hội sẽ đánh mất ái ngữ trong nhà Phật. Một giáo hội mang tính hành chính và pháp lý theo pháp luật vẫn là một tổ chức Tôn giáo, không nên lẫn lộn quyền lực thế gian và giáo luật Tôn giáo khi hành xử.
Nhà báo chỉ có cặp mắt, tầm nhìn đôi khi còn hạn chế vì thiên kiến hay vì mục đích nào khác, quần chúng có hàng vạn cặp mắt, chắc chắn họ sẽ không sai lầm qua nhiều năm tháng đến với chùa. Việc chùa Ba Vàng đã giải quyết xong, mong rằng đừng ai phải khui lại đống tro tàn tạo thêm ác nghiệp, bản thân tạo nghiệp đã đành, còn đẩy quần chúng sa vào ác ý một cách vô tình. Ngòi bút giúp xã hội ổn định, giúp tôn giáo trong sáng, giúp mọi người an lạc trong niềm tin chứ không nên tạo sóng ngầm chỉ vì lý do cá nhân.
Để đánh giá việc đúng sai của tu sĩ không chỉ trên bề mặt hiện tượng xã hội, còn phải y cứ vào giáo luật và giới luật của Phật giáo và bản chất sự kiện, đó là cái khó của một nhà báo nếu muốn góp ý sửa sai cho một tôn giáo với tâm trong sáng; dĩ nhiên với một ý đồ nào khác thì những tiêu chuẩn trên đây không còn cần thiết.
Để hạn chế việc vi phạm tạo tai tiếng cho tập thể, Ban Tăng sự cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm từng khu vực để khuyến giáo và kiểm giới nhắc nhở các thành phần tu sĩ sống đúng mẫu mực của một “Thiên nhân chi đạo sư”.
Từ thời Phật hiện tiền cũng đã từng có những tu sĩ sai phạm, thì lạ gì sự sai phạm tùy theo mức sống từng thời kỳ của xã hội ngày nay. Đức Phật từng bảo thế gian này là cõi dục; trong 33 từng Trời thì hết 6 cõi thuộc lục dục Thiên, việc sai phạm của người trần mắt thịt ai tự hào không hề có? Cố tình hay vô ý sai phạm đều do bản năng của một chúng sinh.
Bậc chuyên tu miên mật mới đủ khả năng tự kiểm soát thân khẩu ý từng giờ từng khắc; hiểu như thế, chúng ta giúp nhau khắc phục sai phạm chứ không nên nhận chìm nhau trong cõi ô trược này.
Dĩ nhiên Giáo hội lắng nghe nhưng không vì sự tác động của dư luận mà vào cuộc quá tay. Giáo hội có cơ quan Thông tin truyền thông, trong đó có những kênh năng động cập nhật thông tin hàng ngày, xử lý thông tin nhạy bén, giúp Giáo hội rất nhiều để đối đầu với những thông tin xuyên tạc sai lạc.
Hiện tượng sai phạm so với trước đây có phần hạn chế. Trường lớp đào tạo tăng, ni mở rộng, trình độ kiến thức tu sĩ trẻ ngày nay được nâng cấp, nếu các trường trau dồi kiến thức phổ cập thêm luật học và hành trì song hành thì tương lai ngôi nhà PGVN sẽ là một tổ chức gương mẫu không xa. Hy vọng là thế!
Tác giả: Minh Mẫn
Chú thích: Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn riêng của Sa môn Thích Minh Mẫn một tu sĩ Phật giáo hiện đang tu học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để tăng thêm tính tương tác và góc nhìn đa chiều về các hiện tượng liên quan đến một số tu sĩ Phật giáo xảy ra gần đây, Tạp chí NCPH đăng tải bài viết, mong nhận được các ý kiến đa chiều để góp phần đánh giá, nhìn nhận từng sự việc một cách khách quan nhất qua lăng kính của cộng đồng xã hội nói chung, cộng đồng Phật giáo nói riêng.
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/gioi-luat-va-giao-luat.html