Giới nghiêm Covid-19, thiếu niên 13 tuổi Kenya chết vì đạn lạc của cảnh sát
Cảnh sát ở thủ đô của Kenya, quốc gia Đông Phi, bị cáo buộc bắn chết một thiếu niên 13 tuổi trong khi thi hành lệnh giới nghiêm liên quan tới dịch bệnh Covid-19.
Hôm 31-3, AP đưa tin viên đạn bắn trúng Yasin Hussein Moyo lúc cậu bé đứng ở ban công cùng với anh chị em. Bên dưới, lực lượng cảnh sát di chuyển qua khu dân cư đông đúc, thi hành lệnh giới nghiêm Covid-19 do chính phủ Kenya ban hành gần đây.
Khi tiếng súng vang vọng trên đường phố, mẹ của thiếu niên nói trên hét lớn. Bà chạy lên và nhìn thấy con trai mình bị chảy máu ở bụng.
"Chúng tôi nghĩ (lệnh giới nghiêm) sẽ làm mọi thứ an toàn hơn" - Aisha Hussein, chị gái 19 tuổi của Moyo, nói với AP.
Nhân chứng Hadijah Mamo cho biết cô chứng kiến cảnh sát nhắm vào tòa nhà nơi Moyo sống cùng gia đình. Kế đến là tiếng súng và mùi đạn hơi cay rồi tiếng la hét thông báo cậu bé bị trúng đạn.
Tổng thanh tra cảnh sát Kenya đã ra lệnh điều tra về cái chết của Moyo, bước đầu xác định là do "đạn lạc", đồng thời kiểm tra tất cả súng ống mà cảnh sát tại hiện trường sử dụng lúc đó.
"Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình thiếu niên" – cảnh sát Kenya viết trên mạng xã hội Twitter.
Cha của Moyo, ông Hussein Moyo, bày tỏ sự tức giận vì cảnh sát "chửi bới và đánh đập người dân như những con vật" dù họ hành động hợp pháp.
Kenya áp đặt lệnh giới nghiêm hôm 28-3, từ 19 giờ đến 6 giờ sáng mỗi ngày. Cảnh sát bị cáo buộc bắn hơi cay vào hàng trăm người cố gắng tiếp cận một chiếc phà ở TP Mombasa trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực. Ở những nơi khác, cảnh sát được nhìn thấy đánh người bằng dùi cui.
Ngoài cậu bé Moyo, một tài xế xe ôm là Hamisi Juma Mbega cũng bị cảnh sát Kenya đánh chết. Theo AP, ông Mbega vi phạm lệnh giới nghiêm bởi chở một phụ nữ mang thai đến bệnh viện ở TP Mombasa.
Kenya hiện có 59 ca mắc Covid-19 và 1 ca tử vong tính đến sáng 1-4 (giờ GMT).
Tại Nam Phi, khu vực này hôm 31-3 báo cáo thêm 2 ca tử vong do Covid-19 (lên 5 ca) và 1.353 ca nhiễm. Nam Phi đang áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài 21 ngày. Tổng thống Cyril Ramaphosa khuyên tất cả người dân Nam Phi nên ở nhà, ngoại trừ những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu như bệnh viện, an ninh, sản xuất thực phẩm và viễn thông.
Ít nhất 36 quốc gia tại châu Phi đang ghi nhận các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm Botswana (4 ca nhiễm và 1 ca tử vong), Uganda (44 ca nhiễm), Rwanda (75 ca nhiễm)…