Giới phân tích: Fed đang phạm sai lầm, thị trường chứng khoán phải trả giá
Nhiều nhà quan sát cho rằng Fed đang gây ra một sai lầm lớn, và điều đó sẽ gây nên một năm 2023 đầy khó khăn cho thị trường chứng khoán.
Những quan ngại đó đã được nêu bật ngay trong tuần này, sau khi Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) tổ chức cuộc họp. Fed không khiến thị trường bất ngờ khi tiếp tục nâng lãi suất thêm nửa điểm, như giới đầu tư kỳ vọng, và đề xuất nới lãi suất cuối cùng lên trên 5%, mức độ mà các nhà đầu tư đã bắt đầu tính đến. Vấn đề ở chỗ, sự kiện này cho thấy Fed tin rằng lãi suất cần phải ở mức cao và duy trì trong một khoảng thời gian, trong khi Chủ tịch Jerome Powell vẫn không bớt cứng rắn trong những phát ngôn của mình.
Tín hiệu mới mà Fed đưa ra ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán khi kích hoạt một đợt bán tháo kéo dài đến hôm thứ Sáu. Khi kết thúc, chỉ số S&P 500 đã giảm 2,1% trong tuần này, chỉ số Dow Jones giảm 1,7% và Nasdaq giảm 2,7%. Đây là tuần thứ hai liên tiếp cả 3 chỉ số này bị giảm.
Sự suy giảm như vậy đã phản ánh một thực tế rằng S&P 500 – trước đó đã tăng 14,1% kể từ mức thấp ngày 12/10 – cần được “nghỉ ngơi”, nhưng có khả năng có điều gì đó đen tối hơn ẩn giấu trong thông điệp của Fed. Biêủđồ dot plot của Ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 0,5% trong năm 2023 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên 4,6% vào thời điểm cuối năm. Những con số này cho thấy Fed dự báo về một cuộc suy thoái – nhưng lại có kế hoạch tiến thẳng vào cuộc suy thoái đó.
“Fed đã đi quá xa và làm quá nhiều,” Gibson Smith, người sáng lập hãng Smith Capital Investors, nhận định.
Lạm phát hiện nay có thể không còn quá đáng sợ như cách đây vài tháng nữa. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng với tốc độ chậm hơn so với kỳ vọng là 7,1%, giảm từ mức 7,7% trong tháng 10 và mức đỉnh 9,1% trong tháng 6.
Không kém phần quan trọng, CPI đã tăng chỉ 0,1% nếu so với tháng 10. Nếu chỉ số này tiếp tục tăng chỉ 0,1% mỗi tháng, nó sẽ đạt mức 4,1% trong tháng 3 năm tới và giảm xuống dưới 3% trong tháng 5. Nếu lạm phát tăng với tốc độ 0,2% mỗi tháng, CPI sẽ ở dưới mức 4% trong tháng 5. Điều đó cho thấy Fed có thể đi quá xa so với kỳ vọng của các nhà đầu tư trong cuộc chiến chống lạm phát này.
“Trong 3 tháng, CPI có thể ở dưới mức mà Fed đang dự báo vào cuối năm,” Andrew Slimmon, quản lý danh mục đầu tư tại Morgan Stanley Investment Management, nói. “Điều này lập tức chứng minh rằng Fed đã quá cứng rắn.”
Đó là một viễn cảnh mà thị trường chứng khoán dường như đã tính đến. Ed Clissold, chiến lược gia trưởng của Ned Davis Research, nhấn mạnh rằng sự tương quan giữa chứng khoán và trái phiếu đã trở thành âm lần đầu tiên từ năm 2007, có nghĩa là cổ phiếu tăng trong khi giá trái phiếu giảm, và ngược lại.
Điều này có thể là do nền kinh tế Mỹ đang chuyển sang một cơ chế mà trong đó Fed chống lại lạm phát, đòi hỏi phải nâng lãi suất, thay vì giảm phát – vốn đòi hỏi phải hạ lãi suất để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Nhưng đó cũng có thể là tín hiệu cho thấy Fed đang sai lầm, giống như vòng nâng lãi suất giai đoạn tháng 9/1999-8/2000, thời điểm mà bùng nổ dot-com vỡ tung, và giai đoạn tháng 4/2006-7/2007, khi thị trường bất động sản bắt đầu rạn vỡ báo hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra.
“Thị trường đang cố nói với Fed rằng tăng lãi suất như vậy là đủ,” Clissold giải thích. “Cuối cùng, khi Fed đã đi quá xa, nền kinh tế sẽ trượt vào suy thoái.”
Chủ tịch Powell có lẽ đã nhận ra mối nguy hiểm mà nền kinh tế sắp phải đối diện, nhưng ông dường như lại đưa ra một lựa chọn: kiềm chế lạm phát quan trọng hơn là tránh khỏi một cuộc suy thoái. Đó có lẽ là một quyết định đúng đắn. Bởi vậy, mặc dù lạm phát đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn cần có thêm bằng chứng thay vì chỉ một vài dữ liệu về lạm phát giảm nhẹ và một số mô hình kinh tế.
“Các nhà đầu tư đang kết luận rằng một cuộc suy thoái toàn cầu sắp đến, trong khi ngân hàng trung ương không quan tâm,” Dave Donabedian, trưởng phòng đầu tư tại CIBC Private Wealth US, cho hay. “Vấn đề lạm phát vẫn còn đó, và họ cần phải giải quyết nó.”
Tuy nhiên, một nền kinh tế đang suy giảm nhanh chóng – cùng với lạm phát đang giảm – có thể buộc Fed phải xoay chiều nhanh hơn so với kỳ vọng. Và nếu điều đó xảy ra, sự thay đổi trong chính sách có thể sẽ không thể chấm dứt được thị trường gấu, theo James Stack, người sáng lập InvesTech Research.
Tính từ năm 1950, mức giảm trung bình lớn nhất của chỉ số S&P 500 là khoảng 18% sau chu kỳ nâng lãi suất gần đây nhất, và không giảm chỉ hai lần – trong năm 1989 và 1995. Điều này cho thấy, sự thay đổi sẽ không được hoan nghênh. “Dường như không ai hỏi xem liệu sự thay đổi có quan trọng hay không nữa,” Stack nói. Và có thể đó chính là sai lầm lớn nhất./.
Theo Barrons.