Giới siêu giàu làm gì khi thế giới đối mặt đại dịch COVID-19?

Trong lúc đại đa số thế giới chìm trong đại dịch COVID-19, giới siêu giàu đang làm gì lúc này và liệu họ có đóng góp gì cho nỗ lực chống dịch hay không?

Tạp chí The Atlantic trong một bài viết mới đây đã đặt ra câu hỏi: Trong lúc đại đa số thế giới chìm trong đại dịch COVID-19, giới siêu giàu và tầng lớp tinh hoa đang làm gì lúc này và liệu họ có đóng góp gì cho nỗ lực chống dịch hay không?

Câu trả lời là có. Rất nhiều người giàu nhất thế giới đang rất tích cực đóng góp hỗ trợ chống lại dịch bệnh bằng nhiều cách khác nhau.

(Từ trái qua) cựu Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Amazon Jeff Bezos, cựu Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông cùng tên Michael Bloomberg. Ảnh: THE ATLANTIC

(Từ trái qua) cựu Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Amazon Jeff Bezos, cựu Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông cùng tên Michael Bloomberg. Ảnh: THE ATLANTIC

Tỉ phú chi tiền khủng chống dịch COVID-19

Đơn cử, cựu chủ tịch và đồng sáng lập Tập đoàn Thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) - ông Jack Ma đến nay đã quyên góp hàng triệu bộ xét nghiệm cùng khẩu trang cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19.

Trong đó, có 500.000 bộ xét nghiệm và 1 triệu khẩu trang cũng được ông gửi đến Mỹ vào ngày 13-3.

Không kém cạnh, tỉ phú sáng lập Tập đoàn Bán lẻ Amazon (Mỹ) Jeff Bezos ngày 21-3 tuyên bố Amazon sẵn sàng thuê thêm 150.000 công nhân với mức lương cao để xử lý nhu cầu vận chuyển tăng vọt và ưu tiên giao các đơn hàng vật tư y tế và đồ gia dụng thiết yếu.

"Chúng tôi nhận ra rằng vào thời điểm như hiện nay, các công ty lớn thật sự có thể giúp đỡ xã hội và chúng tôi luôn sẵn sàng làm thế" - phát ngôn viên của Amazon khẳng định.

Cũng tại Mỹ, hai trong số các nhà từ thiện y tế công cộng hàng đầu tỉ phú Michael Bloomberg - người sáng lập Tập đoàn truyền thông cùng tên và Bill Gates - đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ Microsoft đều đang sinh sống ở hai điểm nóng về dịch COVID-19 ở Mỹ: TP New York và bang Washington.

Do đó, cả hai ông Gates và Bloomberg, thông qua các quỹ cùng tên, đã cam kết chi hàng trăm triệu USD để ứng phó với dịch ở Mỹ và nước ngoài. Dù vậy The Atlantic ghi nhận các quỹ của hai tỉ phú không trực tiếp tài trợ việc mua các trang thiết bị y tế.

"Quỹ thường không trực tiếp tài trợ cho việc mua sắm thiết bị hay vật tư y tế" - phát ngôn viên của quỹ Bill & Melinda Gates cho biết.

Thay vào đó, người này giải thích trong những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mục tiêu của quỹ là cung cấp khả năng tài chính nhanh chóng và linh hoạt cho các cơ quan chính phủ, các tổ chức đa phương và những tổ chức khác ở tuyến đầu chống dịch.

Điều này cho phép các đối tác của quỹ có thể nhanh chóng mua vật tư y tế khi cần thiết.

Ngoài ra, quỹ Bill & Melinda Gates cũng đang hướng các nguồn hỗ trợ vào các công tác phát hiện, cách ly và điều trị người nhiễm COVID-19 cũng như nghiên cứu vaccine. Quỹ hiện cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan chính phủ đang nghiên cứu bào chế vaccine COVID-19.

Các nhà khoa học bào chế vaccine ngừa COVID-19 tại phòng thí nghiệm ĐH Washington, Mỹ (Ảnh chụp ngày 12-3). Ảnh: REUTERS

Các nhà khoa học bào chế vaccine ngừa COVID-19 tại phòng thí nghiệm ĐH Washington, Mỹ (Ảnh chụp ngày 12-3). Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, quỹ Bloomberg Philanthropies lại đưa ra hai sáng kiến. Thứ nhất, quỹ sẽ tổ chức các cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của các quan chức hàng đầu cùng nhiều chuyên gia y tế trên khắp nước Mỹ để cập nhật thông tin về virus và huấn luyện xử lý khủng hoảng.

Sáng kiến thứ hai là hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm triển khai dự án 40 triệu USD ứng phó với dịch ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là khu vực châu Phi.

Trả lời The Atlantic, TS Kelly Henning thuộc chương trình Sức khỏe Công cộng của quỹ Bloomberg Philanthropies cũng xác nhận thời điểm hiện tại, việc mua sắm trang thiết bị y tế không phải là ưu tiên của quỹ do Bloomberg Philanthropies không cho rằng đây là lĩnh vực sẽ đem lại tác động lớn nhất.

Không thể thay thế chính phủ

Bà Henning cũng nói thêm tuy các tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện thường vận hành nhanh và linh hoạt hơn các chính phủ lớn nhưng vai trò của những tổ chức này chỉ mang tính bổ trợ chứ không thể bù đắp hoàn toàn cho sự thiếu sót của chính phủ.

"Vấn đề không phải là tiền mà là hành chính và quản lý. Đây thực sự là vấn đề cốt lõi của chính phủ. Có một số sáng kiến từ quỹ tư nhân như xét nghiệm rộng rãi người dân nhưng đây thực sự là việc mà chỉ có chính phủ mới có thể làm" - cựu quan chức Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden bình luận.

Ngoài ra, The Atlantic cũng chỉ ra những thách thức lớn nhất của chính phủ liên bang hiện nay là tốc độ phản ứng và khả năng hậu cần để cung cấp cho chính quyền tiểu bang đủ trang thiết bị y tế và giường bệnh.

Làm rõ thêm về vấn đề trên, Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực Mỹ Lewis Kaplan khẳng định Mỹ về lâu dài hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu y tế khi xảy ra dịch. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Washington đủ sức đáp ứng nhân lực và vật lực kịp thời trong thời gian ngắn hay không?

"Quy mô ngày càng lớn của cuộc khủng hoảng sức khỏe đang nhanh chóng làm giảm khả năng của giới siêu giàu thế giới trong việc tạo các tác động mang tính quyết định, ngược lại với các chính phủ. Suy cho cùng, một vài tỉ USD từ các tỉ phú khó có thể so sánh với ngàn tỉ USD mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến dùng để kích cầu kinh tế" - The Atlantic nhận định.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự tham gia hỗ trợ của giới siêu giàu là không cần thiết với khả năng chống dịch của một quốc gia. Ngược lại, vào giai đoạn mọi sự giúp đỡ đều trở nên đáng kể và cần được trân trọng.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/gioi-sieu-giau-lam-gi-khi-the-gioi-doi-mat-dai-dich-covid19-899124.html