Giới siêu giàu Trung Quốc đổ xô mua hộ chiếu Cyprus
Hàng nghìn tài liệu mật của chính phủ Cyprus hé lộ hơn 500 công dân Trung Quốc và hơn 350 người từ các nước Arab đã mở cánh cửa vào châu Âu nhờ đổi đầu tư lấy hộ chiếu nước này.
Theo Đơn vị Điều tra của Al Jazeera (AJIU), quan chức giàu có từ Trung Quốc, các nước Arab và giới doanh nhân chiếm phần đông trong số người mua "hộ chiếu vàng" của đảo Cyprus. Tờ báo nhận định chương trình Đầu tư Cyprus đã trở thành địa chỉ an toàn để họ trốn khỏi những sức ép ở quê nhà.
Số tài liệu mật về đăng ký cấp hộ chiếu của Cyprus, được gọi là "Cyprus Papers", cho thấy hơn 500 công dân Trung Quốc và hơn 350 công dân những nước Arab đã được cấp quốc tịch tại đảo quốc Địa Trung Hải này. Những người này chấp nhận đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD cho nền kinh tế của hòn đảo.
Việc sở hữu hộ chiếu của nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép họ đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách tự do ở toàn bộ 27 nước thành viên. Điều này khiến chương trình của Cyprus trở nên đặc biệt hấp dẫn với giới quan chức và doanh nhân giàu có Trung Quốc hoặc Trung Đông. Thông thường với một số nước châu Âu khác, nhóm nhà đầu tư này sẽ bị lưu ý là "rủi ro cao" về tham nhũng và vi phạm pháp luật về tài chính.
Sức nóng từ "đả hổ diệt ruồi"
Hơn 1.400 tài liệu mật mà hãng thông tấn Qatar thu thập, trong giai đoạn 2017-2019, cho thấy công dân Trung Quốc là nhóm đông thứ hai được cấp hộ chiếu từ chương trình Đầu tư Cyprus, chỉ xếp sau nhóm công dân Nga.
Theo phân tích của AJIU, giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm những cơ hội ở nước ngoài sau khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng, còn nổi tiếng với cách gọi "đả hổ diệt ruồi". Chiến dịch này siết chặt kiểm soát đường thu lợi và cất giữ tài sản của bộ phận giàu có nhất Trung Quốc.
Trong danh sách người Trung Quốc mua "hộ chiếu vàng", nổi bật nhất là vợ chồng bà Dương Huệ Nghiên, người phụ nữ giàu nhất châu Á và là lãnh đạo công ty bất động sản cao cấp Country Garden. AJIU ước tính khối tài sản của bà Dương lên đến 27 tỷ USD. Trong khi đó, con số này theo South China Morning Post là hơn 20,3 tỷ USD.
AJIU cho biết còn một nam doanh nhân giàu có mang quốc tịch Trung Quốc đang sở hữu hộ chiếu Cyprus. Hãng thông tấn không tiết lộ danh tính vì lo ngại cho sự an toàn của những người có liên quan.
AJIU lưu ý doanh nhân này đã biến mất từ khi bị bắt cóc khỏi Hong Kong bởi nhân viên an ninh đại lục trong năm 2020. Vụ nhân viên an ninh đại lục bị nghi ngờ bắt cóc doanh nhân Hong Kong đình đám nhất thời gian qua là trường hợp tỷ phú đầu tư Tiêu Kiến Hoa, nhưng thời điểm ông biến mất là năm 2017.
"Tôi nghĩ gần như mọi nhân vật cực giàu tại Trung Quốc đều sở hữu hộ chiếu thứ hai để có chút cảm giác an toàn", ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London - nhận định.
Trước kia, nhóm này thường xin hộ chiếu của Mỹ, Canada, Australia và Anh. Việc xin quốc tịch dễ dàng và khả năng tiếp cận EU đã biến Cyprus thành điểm đến mới cho giới nhà giàu Trung Quốc. Tối thiểu 2,5 triệu USD cho một hộ chiếu đối với nhóm này vẫn là mức giá quá rẻ để tăng thêm sự an toàn, quyền đi lại tự do không cần thị thực và cơ hội chuyển tài sản một cách dễ dàng.
"Luật pháp Trung Quốc kiểm soát mọi dòng tiền chuyển ra nước ngoài trên mức 50.000 USD. Nếu bạn cố vượt con số này mà không thông qua quy trình chính thức và có giấy phép, bạn đã vi phạm pháp luật. Thông thường họ sẽ dùng Hong Kong làm nơi đưa tiền khỏi Trung Quốc và họ sáng tạo rất nhiều cách. Đôi khi họ còn dùng sòng bạc ở Macau làm lối rút tiền khỏi Trung Quốc", Tsang cho biết.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh có tạo áp lực để các nước cho dẫn độ quan chức cấp cao và nhân vật chính trị bị điều tra về Trung Quốc. Dù vậy, đến nay chiến dịch vẫn chưa tập trung vào nhóm siêu giàu. Ông Tsang cảnh báo nếu chính sách này thay đổi thì hộ chiếu Cyprus cũng không chắc bảo vệ được những chủ nhân người Trung Quốc.
"Tôi nghĩ Cyprus sẽ không bao giờ chống lại Trung Quốc nếu đến lúc va chạm... Đường nào họ cũng sẽ bắt được bạn", ông nói.
"Kế hoạch B" của người làm chính trị
Công dân các nước Arab cũng chiếm phần đáng kể trong danh sách khách hàng mua "hộ chiếu vàng" Cyprus. Hơn 350 hộ chiếu đã được cấp cho người đang sống tại những nước có tình hình chính trị nhiều biến động như Lebanon, Ai Cập, Syria, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Một số trường hợp thuộc diện "Người làm chính trị" (PEP - chỉ người tham gia vào chính trị dù có chức vụ hay không), được AJIU xem là có rủi ro tham nhũng cao. Nổi bật trong số này là Apurv Bagri, công dân Ấn Độ nhưng là thành viên Cơ quan Tài chính Dubai - thủ đô của Tiểu vương quốc Dubai thuộc UAE. Một nhân vật đáng chú ý khác là Hussain Al Nowais, thành viên hội đồng quản trị hai tập đoàn hàng đầu UAE về xăng dầu và thép.
Saudi Arabia cũng có một số PEP trong danh sách mà AJIU thu thập được. Nổi bật là Khaled Juffali, thành viên cơ quan tài chính quốc gia, và Mohammed Jameel, thành viên cơ quan đầu tư nhà nước. Những nhân vật này mua hộ chiếu Cyprus cùng giai đoạn Thái tử Mohammed bin Salman mới lên nắm quyền.
Ông Mohammed đã phát động chiến dịch chống tham nhũng nhưng bị nghi ngờ chủ yếu nhắm đến đối thủ chính trị. Năm 2017, một số đối thủ của Thái tử Mohammed bị giam lỏng tại khách sạn Ritz Carlton ở thủ đô Riyadh. Có thông tin những người này chỉ được thả sau khi trả số tiền lên đến 100 tỷ USD.
Biến động chính trị tại Saudi Arabia khiến một số nhân vật giàu có tìm đường sang EU với hy vọng được an toàn. Theo điều tra của AJIU, thân nhân của một ông trùm công nghiệp Saudi Arabia, người bị bắt tại Ritz Carlton Riyadh năm 2017 rồi chịu giam giữ trong hơn một năm mà không qua truy tố, có tên trong "Cyprus Papers".
Theo ước tính của AJIU, kể từ khi khởi động vào năm 2013, đảo quốc Địa Trung Hải này đã thu về được hơn 8 tỷ USD qua chương trình Đầu tư Cyprus. Chính sách này đã bị một số nước EU chỉ trích là lỗ hổng vào châu Âu.
Ngày 26/8, Bộ trưởng Nội vụ Cyprus Nicos Nouris chính thức phản pháo rằng Al Jazeera "tấn công" đảo quốc bằng tuyên truyền "bóp méo, lừa dối và giật gân". Ông khẳng định chính phủ Cyprus "vận hành hoàn toàn minh bạch" và không có trường hợp cấp hộ chiếu nào vi phạm những quy định pháp luật có hiệu lực vào thời điểm cấp.