'Giới siêu giàu vẫn hưởng thụ, Covid-19 chỉ là nỗi lo của người nghèo'
Trong khi dịch bệnh khiến người nghèo Mỹ thất nghiệp, mắc kẹt ở nhà, giới đại gia công nghệ tại thung lũng Silicon vẫn tiếp tục giàu lên, du lịch, tiệc tùng như bình thường.
Giữa lúc thành phố Los Angeles gia tăng các trường hợp mắc Covid-19, những lời mời đến dự bữa tiệc ngoài trời của cựu CEO Uber lắm tai tiếng Travis Kalanick vẫn được gửi đến hộp thư của từng vị khách mời.
Kalanick không phải là “ông lớn” duy nhất tại thung lũng Silicon vẫn thoải mái tận hưởng thú vui, tổ chức các bữa tiệc tụ tập hàng chục đến hàng trăm người trong bối cảnh đại dịch chết chóc vẫn ở ngoài kia.
Từ những cuộc vui bên bể bơi khách sạn hạng sang ở khu Palm Springs, cho đến cuộc họp kinh doanh trên sườn núi ở Colorado, lướt sóng ở Hawaii, các tỷ phú vẫn đi du lịch khắp nơi ở trong nước và nước ngoài bằng máy bay riêng của họ.
"Không gì ngăn họ tiếp tục hưởng thụ"
“Tất cả những người giàu có này sẽ không có chuyện ở yên trong nhà, không gì ngăn họ tiếp tục hưởng thụ. Họ vẫn tụ tập, tiệc tùng, đến mọi nơi họ thích bằng máy bay riêng giống bình thường, như thể dịch bệnh nguy hiểm chưa từng xuất hiện”, một nguồn tin giấu tên thân cận với giới CEO công nghệ nói với Vanity Fair.
Thậm chí, với một số người, mọi thứ còn khả quan hơn bình thường. Những cái tên top đầu trong danh sách tỷ phú đang giàu lên trong 5 tháng qua. Apple và Amazon là hai ví dụ điển hình.
Trong khi 16,3 triệu người Mỹ đang rơi vào cảnh mất việc làm, Apple hiện đã đạt mức vốn hóa thị trường gần 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, Amazon vừa công bố lợi nhuận ở mức kỷ lục trong quý vừa qua với 5,2 tỷ USD, gấp đôi con số năm ngoái.
Tất yếu, khi tài sản của các tỷ phú vẫn tăng đều đặn, họ không có lý do gì dừng việc hưởng thụ đặc quyền đặc lợi của những người giàu nhất thế giới.
Các tỷ phú bay khắp nước Mỹ, di chuyển đến những nơi có tình hình dịch không đáng lo ngại. Một nhà đầu tư nắm trong tay vài tỷ USD tiết lộ mình ở Miami vào thời điểm dịch bệnh tấn công xứ cờ hoa.
Sau đó, người đàn ông chuyển qua Los Angeles khi số ca nhiễm ở bang Florida ở mức đáng báo động. Bây giờ, lúc thành phố ở bang California trở thành điểm nóng tại Mỹ, anh ta đang yên tâm thưởng thức bữa ăn hạng sang tại New York.
Một tỷ phú khác ở Los Angeles tổ chức tiệc tối xa hoa nhưng không cho phép người tham gia đăng tải bất kỳ hình ảnh nào lên mạng xã hội.
Ở cổng vào, một y tá chịu trách nhiệm tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 cho dàn khách mời. Những người tham dự uống cocktail trong lúc chờ đợi và nếu kết quả cho ra âm tính, họ sẽ được vào trong ăn tối, uống rượu cùng vị tỷ phú.
Ở khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Palm Springs, 50.000 USD là số tiền không đáng kể để tầng lớp lắm tiền nhiều của bỏ ra thuê trọn một khu phức hợp lớn, được dùng làm nơi tổ chức tiệc trong suốt một tháng nghỉ dịch.
"Covid-19 chỉ dành cho người nghèo"
Còn nếu muốn rời xa Mỹ, nơi ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao nhất thế giới hiện giờ, giới siêu giàu cũng không hề gặp khó khăn. 2,6 triệu USD là mức giá trung bình để mua một quốc tịch mới.
Đầu tư mua quốc tịch là điều không mới mẻ với giới nhà giàu và càng bùng nổ mạnh nhờ dịch Covid-19. Những tấm hộ chiếu không còn dựa trên quốc tịch thật sự hay xem xét đó là công dân nước nào, mà dựa trên số tài sản khổng lồ người mua sở hữu.
Trong lúc hoàn cảnh rối ren, đây được coi là cách giúp các vị triệu phú, tỷ phú và gia đình chạy nạn khỏi những nơi nguy hiểm để đến vùng đất an toàn hơn, nhận được những ưu đãi tốt hơn từ chính phủ sở tại.
Những quốc gia chống dịch tốt hiện lại đang thu hút nhiều đại gia trên thế giới đến trú ẩn thay vì những ưu tiên như thuế hoặc chất lượng sống.
Để di chuyển, họ cần đến máy bay phản lực. Do đó, nhu cầu thuê máy báy tư nhân cũng tăng vọt so với các năm trước và vẫn còn tiếp tục tăng lên khi dịch bệnh kéo dài.
Vào tháng 4, các cuộc gọi đến NetJets, hãng cho thuê phi cơ riêng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 6, con số lên thành 195%, tức là tăng gần gấp đôi.
Còn ngay cả khi mắc kẹt ở nhà, giới đại gia công nghệ vẫn không thiếu những món đồ chơi xa xỉ, đắt tiền để giải trí.
Tháng trước, Mark Zukerberg, ông chủ của Facebook được bắt gặp đang lướt sóng bằng tấm ván Efoil trị giá 12.000 USD. Thiết bị này được miêu tả là sự kết hợp giữa “lướt sóng, bay lượn và trượt tuyết”, có thể di chuyển với vận tốc 40 km/giờ.
“Virus corona dường như là vấn đề của riêng người nghèo. Chúng tôi thấy nó lan rộng ở các khu dân cư nghèo, nơi những gia đình đói ăn phải tằn tiện và sống cạnh nhau. Còn những đứa trẻ không được đến trường, trong khi ngày càng nhiều giáo viên được trả thù lao hậu hĩnh để đến dạy kèm riêng cho con cái nhà giàu”, một quan chức phụ trách bang California, nói.