Giới thiên văn kêu gọi hành động khẩn cấp bảo vệ Mặt trăng
Các nhà khoa học cảnh báo, nhiều địa điểm khoa học trên Mặt trăng có thể bị xâm phạm bởi các kế hoạch định cư ồ ạt ở đây.
Trong động thái mới nhất, các nhà khoa học quốc tế đã nhấn mạnh các địa điểm khoa học trên Mặt trăng có thể rất quan trọng đối với ngành thiên văn học trong tương lai. Những địa điểm này được gọi là địa điểm có tầm quan trọng khoa học đặc biệt (viết tắt là SESIS).
Chúng được cho là một trong những điểm tốt nhất trong Hệ Mặt trời dùng để đặt các thiết bị khoa học để nghiên cứu, phóng, thu thập các tín hiệu từ vũ trụ xa xôi. Nhờ vậy, chúng có thể giúp khám phá những bí ẩn như vai trò của vật chất tối và năng lượng tối. Những địa điểm này thậm chí có thể giúp ích trong việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh xa xôi.
Tuy nhiên, theo một báo cáo từ trang The Guardian, hoạt động của con người trong tương lai trên Mặt trăng có thể ngăn cản các hoạt động khoa học quan trọng diễn ra. Đó là bởi vì các công nghệ được sử dụng ở các thuộc địa, khu định cư trên Mặt Trăng trong tương lai có thể gây nhiễu tín hiệu của các thiết bị khoa học được lên kế hoạch sử dụng, thăm dò, nghiên cứu trên Mặt Trăng.
Họ cũng cảnh báo rằng, các sứ mệnh trong tương lai có thể tạo ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt là khi các cường quốc không gian trên thế giới khó có thể hợp tác và phối hợp cùng nhau. Ví dụ, các sứ mệnh khai thác tài nguyên, hay xây khu định cư trong tương lai có thể phát tán bụi, và làm hỏng các địa điểm khoa học quan trọng, trong khi tình trạng nhiễu điện từ có thể làm ảnh hưởng đến các thiết bị khoa học.
Một làn sóng các vệ tinh và máy thám hiểm liên lạc và dẫn đường trên Mặt trăng có thể gây nhiễu cho các địa điểm có tầm quan trọng khoa học đặc biệt. Có tới 22 sứ mệnh quốc tế có thể chạm tới Mặt trăng vào năm 2026. Vì thế, các nhà khoa học cảnh báo cần phải có hành động khẩn cấp.
Điều này đặc biệt xảy ra nếu lợi nhuận của các tập đoàn vũ trụ được đặt lên trên mục tiêu của cộng đồng khoa học nghiên cứu không gian toàn cầu.
Ngoài ra, các nhà khoa học kêu gọi thận trọng khi nhân loại tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình trong Hệ Mặt trời. Tiến sĩ Martin Elvis, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard và Smithsonian ở Massachusetts, giải thích: “Đây là lần đầu tiên nhân loại phải quyết định xem chúng ta sẽ mở rộng sang Hệ Mặt trời như thế nào”. Ông còn nói: “Bằng không, chúng ta có nguy cơ mất đi những cơ hội có một không hai để hiểu về vũ trụ”.
Động thái này càng đáng chú ý hơn nữa khi gần đây Mỹ, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố họ đặt mục tiêu cuối cùng là thu hoạch băng nước từ cực nam Mặt trăng để xây dựng các căn cứ lâu dài trên Mặt trăng.