Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)
LTS: Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (viết tắt là Luật Sĩ quan) được thông qua ngày 21/12/1999 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000; được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là 'ngành lao động đặc biệt'. Việc xem xét, thông qua dự thảo luật quan trọng này tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Báo Biên phòng giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan.
4. Khoản 4, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 17) về thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ
Sửa đổi khoản 3 để quy định điều kiện về tuổi xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; đồng thời, bổ sung nội dung vào khoản 4 để giao Chính phủ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy vượt bậc.
Lý do: Theo quy định của Luật Sĩ quan hiện hành (khoản 3, Điều 17), tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân không quá 57, phù hợp với quy định về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của cấp Đại tá là 57 và phù hợp khi bổ nhiệm lên chức vụ có trần quân hàm cấp tướng còn đủ 3 năm theo quy định về bổ nhiệm cán bộ; tuy nhiên, Dự thảo Luật nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan cấp Đại tá lên 58, nên cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3, Điều 17 như trên để bảo đảm chặt chẽ trong xem xét, đề nghị thăng quân hàm và thống nhất với quy định tại khoản 4, Điều 22, Luật Công an nhân dân: "Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định".
Khoản 4, Điều 17, Luật Sĩ quan hiện hành quy định: "Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc" nhưng không giao thẩm quyền quy định chi tiết nội dung trên, dẫn đến khó khăn khi áp dụng thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung như trên là quy định cụ thể nội dung Luật Sĩ quan đã quy định (không làm phát sinh chính sách) để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy vượt bậc (đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 25 và tương thích với quy định tại khoản 4, Điều 23 Luật Công an nhân dân); góp phần động viên kịp thời sĩ quan QĐND Việt Nam khi lập thành tích đặc biệt xuất sắc.
5. Khoản 5, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 18) về xét thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn
Sửa đổi, bổ sung Điều 18 để quy định sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.
Lý do: Luật Sĩ quan hiện hành không quy định sĩ quan được nâng lương trước thời hạn, dẫn đến sĩ quan đang giữ cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm lập thành tích xuất sắc lại chưa có cơ sở để xem xét nâng lương trước thời hạn nên gây bất bình đẳng trong cùng đội ngũ sĩ quan, không tạo ra động lực phấn đấu cho số sĩ quan này. Việc bổ sung quy định như Dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp, cân đối với pháp luật về cán bộ, công chức, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và tạo bình đẳng trong đội ngũ sĩ quan, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Thể chế hóa Quy định số 1757-QĐ/BCSĐCP ngày 5/1/2021 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc thăng quân hàm cấp tướng trước thời hạn và bảo đảm tương thích, tương đối với Luật Công an nhân dân. Mặt khác, Điều 18, Luật Sĩ quan hiện hành quy định sĩ quan có thành tích "được xét thăng quân hàm trước thời hạn" nhưng chưa giao thẩm quyền quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn nên khi áp dụng thực hiện chưa thống nhất. Việc bổ sung quy định trên là bảo đảm cơ sở pháp lý để Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể theo thẩm quyền (không làm phát sinh chính sách) và phù hợp với thực tiễn.
6. Khoản 6, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 32) về chế độ nghỉ của sĩ quan
Sửa đổi, bổ sung Điều 32 để quy định sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ mà không được nghỉ hằng năm thì được thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ.
Lý do: Pháp luật về lao động đã quy định về thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ đối với người lao động; tuy nhiên, Luật Sĩ quan hiện hành chưa có quy định tương ứng. Mặt khác, khoản 2, Điều 40, Luật Công an nhân dân quy định: "Sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp và công nhân công an do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ”. Vì vậy, Dự thảo Luật bổ sung nội dung trên là cần thiết để bảo đảm sĩ quan được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định của pháp luật về lao động, cân đối với quy định của Luật Công an nhân dân.
7. Khoản 7, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 33) về chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số từ, cụm từ tại Điều 33.
Lý do: Để thống nhất với quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và cân đối với quy định của Luật Công an nhân dân, cụ thể:
Điều 7c, Luật Bảo hiểm y tế quy định Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm: Chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý, lập danh sách bảo hiểm y tế đối với đối tượng; lập danh sách và cung cấp danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định cho tổ chức bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý. Phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổ chức bảo hiểm y tế để khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Khoản 3, Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế với nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, học viên Công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an và thân nhân của các đối tượng nêu trên.
Khoản 13, Điều 3, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định: Thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh-sĩ Quân đội đang tại ngũ, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, học viên Công an nhân dân, hạ sĩ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.
Điều 39, Luật Công an nhân dân quy định: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên, học sinh và công nhân công an được bảo đảm chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp ở xa cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc mắc những bệnh mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Công an nhân dân không có khả năng điều trị thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, được thanh toán viện phí và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Cha, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp; cha, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên và học sinh Công an nhân dân không có chế độ bảo hiểm y tế thì được Công an nhân dân mua bảo hiểm y tế, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật....
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật là kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, thống nhất, đồng bộ với pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
(Còn nữa)