Giới thiệu sách 'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật' của Vũ Hiệp

Trong hành trình đi tìm cá tính nghệ thuật Việt, Vũ Hiệp đã phải đối diện với câu hỏi hóc búa 'Một nền nghệ thuật được xác định như thế nào?'. Để tìm ra lời giải cho câu hỏi này, ngày 1/3, tại Hà Nội, tác giả Vũ Hiệp đã cho ra mắt cuốn sách 'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật'. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu kết hợp các bộ môn nghệ thuật, các lý thuyết khoa học xã hội với văn hóa dân gian.

Toàn cảnh buổi ra mắt sách.

Toàn cảnh buổi ra mắt sách.

Trong lời giới thiệu sách, PGS. TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự khởi sắc rất mạnh mẽ của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là trong thương mại, những bức tranh Việt Nam liên tiếp lập lên những kỷ lục triệu đô trên những sàn đấu giá nghệ thuật uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, đối lập với những khởi sắc về mặt thị trường thì những nghiên cứu về lý luận mỹ thuật ở Việt Nam lại gặp vấn đề khi chưa có một bộ Lịch sử Mỹ thuật nào được biên soạn một cách quy mô, bao quát được toàn bộ mỹ thuật thuật của người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Bên cạnh đó, trong ngành kiến trúc cũng đang diễn ra những vấn đề vô cùng phức tạp, xuất hiện tình trạng không tương xứng giữa lý luận, phê bình nghệ thuật và thực tiễn sinh động. Đây chính là những khoảng trống mà xã hội đòi hỏi cần được lấp đầy.

Tác giả Vũ Hiệp giới thiệu về sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”.

Tác giả Vũ Hiệp giới thiệu về sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”.

Trước đó, tác giả Vũ Hiệp đã xuất bản 4 cuốn sách: “Tinh thần khai phóng của nghệ thuật” (2015); “Đô thị Việt Nam - góc nhìn từ những nơi chốn” (2016); “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” (2018) và “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền” (2019).

Ở công trình “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” lần này, chúng ta sẽ gặp lại những gì làm nên phong cách viết của tác giả như: cái nhìn mang tính lịch sử và liên ngành, tiếp cận nghệ thuật trong tính tổng thể; khả năng khái quát và tư duy trừu tượng; sự kết hợp giữa vẻ đẹp và sự tinh tế của ngôn ngữ phê bình và sự khúc chiết của tư duy lý luận; tinh thần khai phóng không bị lệ thuộc vào những định kiến về các nền nghệ thuật và các loại hình nghệ thuật. Dẫu vậy, trong cuốn sách này, tác giả Vũ Hiệp đang kiến tạo một dự án tham vọng nhất trong những nghiên cứu của ông, đó là tìm kiếm những quy luật khái quát nhất của một nền nghệ thuật mà trong đó, mỹ thuật, kiến trúc chỉ là các bộ phận hài hòa trong một tổng thể. Ông gói gọn những suy tư đó trong một câu hỏi hóc búa “Một nền nghệ thuật được xác định như thế nào?”.

Trong cuốn sách, tác giả Vũ Hiệp đã kết hợp tri thức chuyên ngành của mình trong lĩnh vực mỹ thuật và kiến trúc - đô thị với những tri thức đương đại của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, ông cũng xây dựng mô hình kết hợp giữa tri thức phân tâm học cá nhân và cộng đồng, kiến tạo luận về căn tính dân tộc, huyền thoại luận, xã hội học tri thức để xây dựng sơ đồ tam giác với ba khái niệm: Cá tính tập thể, Tự sự cộng đồng và Huyền thoại.

Tam giác kiến tạo.

Tam giác kiến tạo.

Cá tính tập thể là những đặc trưng nghệ thuật của một cộng đồng, được phản ánh qua tâm lý tập thể (tính cách dân tộc và tri giác dân tộc).

Một số cá tính nghệ thuật Việt Nam: Lai (tính chiết trung, lai ghép); Tùy (tính linh hoạt, tùy biến); Hòa (tính hòa thuận, nhẫn nhịn); Nôm (tính nôm na, đại ý); Bỡn (tính hài hước, xỏ xiên); Ngoa (tính khoác lác, ngoa du).

Tự sự cộng đồng là cách thức một cộng đồng (dùng nghệ thuật) bày tỏ mình, nhằm giải đáp các câu hỏi về nguồn gốc, vận hành, triển vọng của nó.

Các phương thức tự sự cộng đồng: Bản đồ (địa lý hành chính, địa chính trị); Ngôn ngữ (văn học, lý luận - phê bình); Nhân khẩu (dân tộc, di truyền); Chính trị (thể chế, chính sách); Nghệ thuật...

Một số huyền thoại trong nghệ thuật Việt Nam: Đất/Nước; Vuông/Tròn; Giao long; Cây; Trẻ thơ anh hùng...

Minh Đức

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gioi-thieu-sach-su-kien-tao-cac-nen-nghe-thuat-cua-vu-hiep-679412.html