Giới thiệu sách 'Trần Văn Ơn'
Ngày nay những người con nước Việt được sống trong hạnh phúc, thanh bình, tự hào lá cờ đỏ sao vàng căng gió phấp phới tung bay trên bầu trời Việt Nam tự do độc lập là nhờ vào sự hy sinh của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để đất nước đứng lên, trong đó có sự chiến đấu anh dũng của các thế hệ thanh niên Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.
Lớp thanh niên tham gia ngay từ những ngày đầu cách mạng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, để cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.
Với niềm tự hào về những người con ưu tú đất Việt, tấm gương tuổi trẻ tiêu biểu trong đấu tranh cách mạng, mời độc giả tìm xem quyển sách “Trần Văn Ơn”.
Đây là cuốn sách nằm trong bộ sách “Tấm gương tuổi trẻ Việt Nam”, của Nhà xuất bản Thanh niên, xuất bản năm 2012, khổ sách 13 x 20,5cm, gồm 191 trang. Sách có 02 phần: gồm lời giới thiệu về Truyện Trần Văn Ơn của Đoàn Giỏi và phần Phụ lục là những hồi ức, cảm nhận về Trần Văn Ơn qua dòng ký bút của các tác giả: Kỳ Quan, Ngọc Nguyễn, Trân Châu…
Bìa sách với tên “Trần Văn Ơn” được in màu trắng nổi bật trên gam màu xanh sáng đậm cùng hình ảnh Trần Văn Ơn với đôi mắt sáng ngời, cương nghị gợi cho người xem cảm giác nhói lòng và tri ân khi nhớ về người anh hùng, liệt sĩ còn rạng ngời tuổi xuân đã hy sinh vì đất nước, để chúng ta thấy rằng cần trân quý, ra sức giữ gìn độc lập hôm nay, tự do hôm nay.
Quyển sách thu hút ánh nhìn ngay từ bìa sách, mở đầu quyển sách từ trang 7, người xem sẽ được tìm hiểu về cuộc đời và quá trình tham gia cách mạng của Trần Văn Ơn. Đây là quyển sách nên tìm đọc để hiểu về “lòng yêu nước” đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng.
Trần Văn Ơn, sinh ngày 29/5/1931 trong một gia đình nông dân tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cha anh là ông Trần Văn Nghĩa, mẹ là bà Huỳnh Thị Tữu. Anh Trần Văn Ơn là học sinh trường Pétrus Ký (nay là trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong), là một học sinh chăm ngoan, hiếu học, hiếu nghĩa với cha mẹ, thầy cô. Bên cạnh học tập, anh bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội yêu nước ngay tại Trường Pétrus Ký. Năm 1947 - 1948 tham gia phong trào học sinh yêu nước của Trường và gia nhập Hội học sinh, sinh viên Việt Nam - Nam Bộ.
Câu chuyện về Trần Văn Ơn được Đoàn Giỏi khắc họa rõ nét hình ảnh một anh hùng thời áo trắng đã dành trọn trái tim mình cho tình yêu Tổ quốc, mang bầu nhiệt huyết căng tràn khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Với hơn 100 trang đầu tiên, độc giả sẽ bị lôi cuốn bởi những tình tiết hấp dẫn, những ngày Ơn chạy nhảy tung tăng giữa Sài Gòn Chợ Lớn độc lập tự do nhưng lại qua mau như cái bóng nhẹ mùa thu, từ trong niềm vui trong lòng cậu học sinh nhỏ bé bừng lên chợt tắt mất, hay độc giả sẽ bị thu hút bởi những cuộc đối thoại giữa Trần Văn Ơn và đồng đội đã mưu trí, khéo léo che mắt địch, truyền thông tin liên lạc qua những hành động thông minh đánh lạc hướng tai mắt của bọn tay sai.
Những dòng chữ nối tiếp nhau để có lúc cảm xúc của người xem hồi hộp, lo lắng cho anh Ơn và đồng đội, có lúc trỗi dậy lòng căm uất trước sự đàn áp học sinh dữ dội của bọn của thực dân Pháp lúc ấy. Có lẽ đoạn làm cho người xem lắng đọng lòng mình, xúc động rơi nước mắt là từ trang 91 đến 113.
“Những chiếc lá bàng nối nhau rơi rụng không người quét đã héo quắt và không đi, lấp dần các vết chân in trên mặt cát sân trường vắng lặng” gợn lên cảm giác đìu hiu, quạnh quẽ bao phủ, như mang điều gì man mác, chẳng lành.
Vào ngày 09/01/1950, phát huy tinh thần yêu nước của tầng lớp thanh niên học sinh - sinh viên, Trần Văn Ơn đã dẫn đầu cuộc biểu tình với hàng trăm biểu ngữ, khẩu hiệu đòi quyền lợi cho học sinh, phản đối độc lập giả hiệu, chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn cảnh sát bao vây khu vực học sinh biểu tình. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Trần Văn Ơn dũng cảm đương đầu với dùi cui, che chở cho học sinh nhỏ tuổi và các nữ sinh thoát ra ngoài. Trần Văn Ơn tay anh bị những vết bầm thâm tím, rướm máu. Hình ảnh của những vết thương Trần Văn Ơn năm ấy qua từng dòng chữ đã mang về cho người đọc bao nỗi nghẹn ngào, xót xa, chúng ta chưa cảm nhận được sự đau đớn nhưng chúng ta đã thấu hiểu được dù có đau đớn nhưng không làm gục ngã tinh thần yêu nước bất diệt. Từng trang nối tiếp nhau tái hiện cuộc thảm sát rùng rợn diễn ra dưới đường.
Lúc này, trước mắt Ơn là một nữ sinh bị tên sen đầm đánh ngã gục, khom xuống nắm đầu chị nữ sinh đập xuống đất. Ơn nghiến răng xông lên hất tên sen đầm ngã ra, mắt đỏ như hai hòn than, một tay đưa ra toan gạt mũi súng. Đoàng một tiếng. Ơn giật nảy người, đứng sững lại, từ từ ngã ngược ra sau. Anh đã hi sinh, chiều ngày 09/01/1950 ở lứa tuổi 19, máu anh thắm vào lòng đất mẹ, tên anh sáng mãi ngọn đuốc Trần Văn Ơn. Ngày 12/01/1950, hàng vạn người dân Sài Gòn đã xuống đường dự đám tang Trần Văn Ơn, kết chặt hàng ngũ để tiễn đưa người liệt sĩ trẻ tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Và ở phần phụ lục, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về Ngòi pháo 9-1, anh hùng Trần Văn Ơn qua ký ức của những người cùng thời, Sống mãi tên anh Trần Văn Ơn… qua dòng hồi ức của các tác giả. Và hiểu được ý nghĩa vì sao ngày 09/01 trở thành ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam, truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa và trở thành bất diệt.
Đây là quyển sách rất hay, mang ý nghĩa sâu sắc giúp cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ tự hào về thế hệ trẻ anh hùng của đất nước Việt Nam. Trần Văn Ơn hy sinh, nhưng công ơn anh vẫn còn sống mãi với non sông với dân tộc, là biểu tượng đẹp cho tinh thần cống hiến công sức cho đất nước, là niềm tự hào của học sinh, sinh viên, quyển sách lan tỏa về tinh thần yêu nước nồng nàn của thế hệ thanh niên đi trước để thế hệ hôm nay tiếp bước theo sau.
Tháng 7 đã về, những ngọn nến mang ý nghĩa của lòng biết ơn của những đợt sóng mới hôm nay lại được thắp lên thể hiện sự tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để tô thắm màu cờ Tổ quốc. Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Ơn là một tấm gương sáng ngời tiếp lửa truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay.
Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/gioi-thieu-sach-tran-van-on-38620.html