Giới trẻ cần hiểu đúng khi làm điều mình thích

Hiện nay, giới trẻ đang có trào lưu làm điều mình thích. Xét về góc độ tích cực, nếu người trẻ xác định được điều mình thích là những điều tốt đẹp trong công việc, trong cuộc sống, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và pháp luật thì đó chính là sống có mục đích, có lý tưởng. Điều này thực sự được khuyến khích, vì nếu sống biết ước mơ, biết những điều mình thích thì mới nỗ lực, phấn đấu để đạt được.

Tuy nhiên điều đáng nói là không ít bạn trẻ có suy nghĩ sai lệch về trào lưu làm điều mình thích vì họ nghĩ rất đơn giản: “mình thích thì mình làm thôi”, bất chấp việc làm đó là những hành vi ứng xử không chuẩn mực, không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình, thậm chí vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như lối sống thích ăn chơi, hưởng thụ, tiêu xài tiền phung phí trong khi bản thân còn phụ thuộc cha mẹ, chưa làm ra tiền; tụ tập ăn nhậu, sử dụng ma túy, đua xe, dùng hung khí đánh nhau…

Nổi lên thời gian gần đây là không ít bạn trẻ thích trở thành “anh hùng bàn phím” khi sẵn sàng tham gia công kích thái quá trên không gian mạng về các sự việc, sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Cụ thể như không ít bạn trẻ đã quá đà khi lập các group “antifan” để bóc phốt và tẩy chay tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi, thậm chí còn yêu cầu Ban tổ chức tước vương miện của hoa hậu này. Thay vì tham gia góp ý, xây dựng để tân hoa hậu nhận ra và rút kinh nghiệm trong cách phát ngôn khi đã là người của công chúng thì không ít bạn trẻ đã mất thời gian, công sức quá nhiều cho một sự cố của một tân hoa hậu khi còn quá trẻ tuổi.

Chính vì vậy người trẻ cần hiểu đúng khi làm điều mình thích. Nếu chắc chắn điều mình thích phù hợp với năng khiếu, sở trường, có giá trị tốt đẹp, đúng pháp luật thì mới làm và đeo đuổi đến cùng. Hay nói một cách khác, không nên làm điều mình thích chỉ bằng cảm xúc, cảm giác nhất thời mà không có suy nghĩ trước - sau, phải - trái; không nên làm điều mình thích khi đó là tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma túy, mại dâm); không làm điều mình thích khi đó là những hành vi vi phạm pháp luật.

Nhất là với trẻ em, người lớn cần giúp trẻ làm điều mình thích theo hướng tích cực chứ không nên chiều theo mọi sở thích của trẻ trong đó có cả những tính cách xấu, để tránh tình trạng trẻ trở nên ích kỷ, hẹp hòi, thích lối sống hưởng thụ, không có ý chí phấn đấu trong học tập và lao động, thiếu bao dung, ít gắn kết với cộng đồng. Theo ngạn ngữ của Hy Lạp: “Cách hủy hoại một đứa trẻ nhanh nhất là để chúng làm những gì chúng thích”.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202308/gioi-tre-can-hieu-dung-khi-lam-dieu-minh-thich-3174284/