Giới trẻ Hàn 'trả thù đại dịch'

Nhiều thanh niên xứ kim chi chi tiền mua hàng hiệu để giải tỏa áp lực và 'trả thù' quãng thời gian không thể du lịch, tụ tập cùng bạn bè vì Covid-19.

Kwak Geum-joo, giáo sư ngành Tâm lý học tại ĐH Quốc gia Seoul, kể với Korea Joongang Daily rằng ông từng rất bất ngờ khi thấy người trợ giảng bước vào lớp học với một chiếc túi Louis Vuitton.

"Tôi biết các trợ giảng chỉ được trả vài trăm USD mỗi tháng nên không phải ai cũng có khả năng mua đồ hiệu. Cô ấy phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm suốt nhiều năm để sở hữu chiếc túi đó", ông Kwak nói.

 Không chỉ giới hạn ở nhóm trung niên giàu có, giới trẻ cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng của các thương hiệu cao cấp. Ảnh: Korea Joongang Daily.

Không chỉ giới hạn ở nhóm trung niên giàu có, giới trẻ cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng của các thương hiệu cao cấp. Ảnh: Korea Joongang Daily.

Trước kia, những vật phẩm xa xỉ thuộc phân khúc cao cấp chỉ dành cho các vị khách trung niên giàu có hoặc người trẻ có công việc lương cao.

Song, vài năm gần đây, ngay cả thanh niên từ 18 tuổi trở lên cũng có thể mua được những món đồ đắt tiền thuộc các nhãn hàng nổi tiếng quốc tế.

Mua sắm trả thù

Dữ liệu từ Hyundai Department Store, chuỗi cửa hàng bách hóa lớn tại xứ kim chi, cho thấy số lượng khách hàng mua sắm các mặt hàng cao cấp ở độ tuổi 20 đang tăng trưởng đều đặn.

Năm 2018, tỷ lệ này tăng 27,5% và vụt lên 37,7% vào năm 2020, bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 lên toàn bộ nền kinh tế.

Sung Tae-yoon, giáo sư ngành Kinh tế tại ĐH Yonsei, nhận định thị trường hàng hóa xa xỉ đang "hưởng lợi" từ đại dịch.

"Không thể đi du lịch nước ngoài, người dân Hàn Quốc có xu hướng đổ tiền vào đồ hiệu", giáo sư Sung nói.

 Không thể đi du lịch hay tụ tập cùng bạn bè, giới trẻ Hàn Quốc chọn cách mua sắm đồ hiệu để giảm bớt căng thẳng. Ảnh: Bloomberg.

Không thể đi du lịch hay tụ tập cùng bạn bè, giới trẻ Hàn Quốc chọn cách mua sắm đồ hiệu để giảm bớt căng thẳng. Ảnh: Bloomberg.

Giáo sư Kwak cũng đồng tình, gọi xu hướng này là "mua sắm trả thù".

"Dưới ảnh hưởng từ Covid-19, người trẻ không được tới trường, đi uống cà phê cùng bạn bè hay du ngoạn nên cần tìm đến những thú vui khác. Do đó, họ quyết định đầu tư vào những món đồ cao cấp", ông nhận xét.

Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Alba Cheonguk - website giới thiệu việc làm bán thời gian, 83,3% thanh thiếu niên khoảng 20 tuổi ở xứ kim chi chi trả cho đồ hiệu bằng cách tiết kiệm tiền lương từ công việc làm thêm.

"Chúng ta từng nghĩ chỉ tầng lớp thượng lưu mới có điều kiện và nhu cầu mua sắm các mặt hàng đắt đỏ. Thế nhưng, thế hệ Millenials và Z ngày nay sẵn sàng ăn mì gói qua ngày để sở hữu đôi giày, chiếc áo từ một thương hiệu có tiếng", nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-sik nói.

Săn đồ hiệu cũ, giá rẻ

Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và nguồn thu nhập ổn định để tiết kiệm cho món đồ hiệu mình thích. Nhiều người trẻ tìm đến giải pháp nhanh chóng, hợp lý hơn: săn đồ hiệu cũ.

Chun Hye-ji (22 tuổi), sinh viên đại học, nói với Korea Joongang Daily rằng mình mới mua một chiếc túi Gucci trên ứng dụng mua bán đồ hiệu đã qua sử dụng.

 Dù chỉ mua những món đồ đã qua sử dụng, nhiều thanh thiếu niên vẫn cảm thấy thỏa mãn với cảm giác được sử dụng hàng hóa cao cấp. Ảnh: SCMP.

Dù chỉ mua những món đồ đã qua sử dụng, nhiều thanh thiếu niên vẫn cảm thấy thỏa mãn với cảm giác được sử dụng hàng hóa cao cấp. Ảnh: SCMP.

Nữ sinh này khẳng định mỗi sinh viên đại học nên sở hữu ít nhất một chiếc túi sang trọng để sử dụng trong những dịp đặc biệt.

"Dù không thể ra ngoài thường xuyên vì Covid-19, tôi cảm thấy thỏa mãn khi cầm chiếc túi này trên tay. Đây chính là nguồn động lực để tôi phấn đấu làm việc mỗi ngày", Chun chia sẻ.

Cô đã mua một chiếc túi tote từ thương hiệu Gucci với giá 350 USD. Trong khi đó, chiếc túi tương tự hiện được bán với giá hơn 1.300 USD tại cửa hàng chính hãng.

Dù chỉ có thể sắm đồ hiệu đã qua sử dụng, Chun cảm thấy hài lòng với "món hời" mình sở hữu và sẵn sàng săn lùng thêm những món đồ khác trong tương lai.

Trên một số ứng dụng buôn bán đồ cũ như Bungae Jangteo và Danggeun Market, hàng loạt cửa hàng trực tuyến kinh doanh đồ xa xỉ đã qua sử dụng.

Theo Bungae Jangteo, lượt tìm kiếm cho từ khóa "Louis Vuitton" tăng 98,7%, "Hermes" tăng 57,5% và "Prada" tăng 41,07% trong năm 2020.

Mua đồ hiệu vì bạn bè, thần tượng

Khi được hỏi nguyên nhân khiến giới trẻ ưa thích các vật phẩm thuộc phân khúc cao cấp, đa số trả lời rằng "không muốn tụt hậu so với xu hướng" (18,3%) và "là người duy nhất không có đồ hiệu" (17,4%).

"Thanh thiếu niên ngày nay đặc biệt ý thức về cách bạn bè, xã hội nhìn nhận họ. Khi thấy những người đồng trang lứa dùng hàng xa xỉ, họ khó cưỡng lại mong muốn bắt chước, dù điều đó đem lại gánh nặng lớn về tài chính", giáo sư Kwak lý giải.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới thói quen chi tiêu, mua sắm đồ hiệu ở giới trẻ là các idol Hàn Quốc.

 Các nhãn hàng cao cấp mời nhiều ca sĩ thần tượng nổi tiếng để thu hút khách hàng trẻ tuổi. Ảnh: Yves Saint Laurent.

Các nhãn hàng cao cấp mời nhiều ca sĩ thần tượng nổi tiếng để thu hút khách hàng trẻ tuổi. Ảnh: Yves Saint Laurent.

Vài năm gần đây, các thương hiệu cao cấp quốc tế đang mời các ca sĩ thần tượng làm đại sứ, người mẫu nhằm thu hút nhóm khách hàng trẻ.

"Giờ đây, địa vị của giới idol Hàn Quốc đã thay đổi. Tầm ảnh hưởng trong nước và toàn cầu của họ khiến thanh thiếu niên trên thế giới nảy sinh hứng thú với những món đồ hiệu họ quảng bá", nhà phê bình Kim nhận định.

Trả lời Korea Joongang Daily, một học sinh trung học họ Choi cho biết cô cảm nhận rất rõ xu hướng này trong đời sống hàng ngày.

"Kể từ khi lên trung học, nhiều bạn học quanh tôi bắt đầu mặc quần áo, đi giày hiệu. Họ chọn đầu tư vào những món đồ có thể dễ dàng khoe ra".

Trong khi nhiều người lo ngại phong cách tiêu dùng này sẽ hướng giới trẻ tới lối sống vật chất, phù phiếm, các chuyên gia cho rằng chưa thể kết luận điều này sẽ đem tới ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực.

"Hàng hóa xa xỉ chỉ là một trong nhiều sản phẩm tiêu dùng và việc mua chúng hay không nằm ở lựa chọn cá nhân", giáo sư Sung nói.

"Nếu ai đó làm việc chăm chỉ để có tiền mua đồ hiệu, điều đó không hề có hại. Nhưng nếu họ sắm sửa vì muốn bắt chước, theo đuổi xu hướng thì thật kém khôn ngoan. Khi đó, niềm vui sẽ hóa thành gánh nặng lâu dài", giáo sư Kwak nói thêm.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-han-tra-thu-dai-dich-post1201589.html